“Tôi vẫn cứ ám ảnh mãi. Không biết rồi khi cô gái đó ẵm xác đứa nhỏ về nhà sẽ ứng xử làm sao với gia đình, có ai đánh chửi gì không…”, Vũ Luân trầm tư nhớ lại.
Nghệ sĩ được khán giả hâm mộ là niềm hạnh phúc lớn lao khi làm nghề nhưng đôi khi việc họ thần tượng quá người nghệ sĩ… cũng mang tới không ít phiền toái dở khóc dở cười cho họ.
Ám ảnh về cái chết của đứa nhỏ trong đêm diễn
Vũ Luân đặc biệt có nhiều fan cuồng. Có cô fan cuồng rất mê tiếng hát của anh. Vừa mới sinh con chưa bao lâu nhưng biết Vũ Luân hát, tối đó cô ẵm cả con đi xem. Người chồng giận tìm tới gây chuyện, hai vợ chồng đánh lộn tại rạp.
Vũ Luân kể: “Có hai vợ chồng nhà kia ở Lái Thiêu, Bình Dương. Người vợ rất thích cải lương còn anh chồng thì mê đá banh. Bữa nào đá banh trùng lịch phát sóng với cải lương trên truyền hình là bữa đó hai vợ chồng gây lộn.
Lần đó, tuồng có tôi đóng. Cô vợ đòi xem rồi không hiểu nhắc Vũ Luân Vũ Luân thế nào mà anh chồng ghen, giận, đập bể cả chiếc ti vi“.
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Luân.
Những năm cuối thập niên 1990 đầu 2000, Vũ Luân thường được mời hát tăng cường cho đoàn Diễm Hoàng, đoàn Hồng Nhung ở Long Xuyên.
Mỗi đêm hát, khán giả 2000-3000 người là chuyện bình thường. Có những nơi đông lên tới 7000-8000 người. Vũ Luân đi nhiều tới nỗi không mấy khi để ý xem tối đó mình hát ở đâu. Bởi, tới giờ hát, có xe của đoàn rước vào điểm diễn rồi lại đón ra khách sạn. Và đoàn thì di chuyển liên tục.
Lần đó, anh hát ở một xã giáp biên giới Campuchia. Khán giả hôm đó cũng rất đông, người dân từ mấy xã xung quanh vùng biên đều tụ về xem hát. Trong số đó, có một cô gái trẻ vừa sinh con được một tháng, tai vẫn nhét bông gòn, cô ẵm cả đứa nhỏ đi coi cải lương.
Phần vì hơi người quá đông rồi khói bụi, người mẹ trẻ lại che đậy quá kín nên đứa nhỏ chết ngạt từ lúc nào không hay.
Vũ Luân đang hát trên sân khấu thì thấy ở một góc dưới khán giả nhốn nháo, mọi người bu lại, la hét ồn ào. Anh tưởng có đánh lộn nhưng vì đang diễn, anh vẫn phải làm tròn vai của mình. Hát xong, anh hỏi anh em trong đoàn thì mới biết chuyện.
Giọng Vũ Luân trầm xuống khi nhớ lại câu chuyện này: “Hát xong cả nghệ sĩ và người dân đều túa ra về, cả mấy ngàn người đông lắm. Tôi cũng theo xe đoàn về khách sạn.
Về rồi tôi vẫn cứ ám ảnh câu chuyện đó mãi. Không biết rồi khi cô gái ấy ẵm xác đứa nhỏ về nhà sẽ ứng xử làm sao với gia đình, có ai đánh chửi gì không.
Tôi muốn đi thăm nhưng lại không dám. Và cũng không biết cô ấy là ai. Thậm chí, tôi còn không biết điểm hát đó ở xã nào, chỉ biết giáp biên giới Campuchia.
Tôi gởi lại cho anh em trong đoàn số điện thoại của mình và dặn nếu gặp cô gái đó thì đưa. Tôi muốn hỏi thăm và xem có khó khăn gì thì giúp nhưng từ đó tới nay vẫn không thấy ai gọi.
Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ hoài, ám ảnh hoài tới bây giờ. Tôi chắc cô gái ấy cũng bị ám ảnh như tôi và không dám đi coi cải lương nữa“.
Bị fan dựng chuyện chia rẽ tình cảm với người yêu
Tự cổ chí kim trong giới cải lương có lệ ngầm, đã hát chung, đã là cặp đôi liên doanh cùng tỏa sáng thì không nên lấy nhau. Bởi lấy nhau, hoặc hôn nhân trắc trở hoặc đường nghề đứt đoạn.
Chuyện tình Kim Tiểu Long – Thanh Ngân là một minh chứng rõ ràng cho “cái lệ kỳ lạ” này của giới cải lương còn chuyện của Vũ Luân với cô bạn diễn lại là lời giải thích rõ như ban ngày.
Vũ Luân thương một người bạn diễn và cô ấy cũng rất thương anh. Trên sân khấu, anh và cô ấy được xem là cặp “tiên đồng ngọc nữ” của cải lương. Thế nhưng cả hai đều bị áp lực từ phía khán giả.
Vũ Luân có fan hâm mộ là nữ. Cô bạn diễn có fan hâm mộ là nam. Khi hai người chưa thương nhau thì fan cứ thầm mong họ sáp lại thành cặp thật ngoài đời. Nhưng đến khi hai người thương thật thì fan cứ nói ra nói vào.
Thậm chí, họ còn tìm cách chia rẽ. Họ bịa ra những câu chuyện tưởng như là thật để gây hiểu lầm giữa hai người. Cũng bởi vậy mà cuộc tình của Vũ Luân và cô bạn diễn tan vỡ.
Mãi đến sau này, khi mọi việc đã xong hết, ai cũng đã có cuộc đời riêng của mình, họ mới biết sự thật năm nào.
Vũ Luân lý giải thêm: “Ví dụ khi hai người đã là vợ chồng, khi đóng cảnh yêu đương e thẹn hay ngại ngùng trên sân khấu, khán giả ở dưới không tin và nghĩ ngay là đang diễn. Họ bĩu môi bảo “tụi nó là vợ chồng mà, mắc cỡ cái gì”, thành ra mình bị vô duyên.
Khán giả cải lương thường rất cả tin. Họ luôn gán câu chuyện trên sân khấu thành câu chuyện thật ngoài đời. Họ không nghĩ nghệ sĩ đang diễn mà tưởng đâu nghệ sĩ là nhân vật đó luôn.
Chị Lệ Thuỷ, Tài Linh, Thanh Ngân khi đóng vai bị ăn hiếp, nghèo khổ… về miền Tây, người dân thương lắm. Họ bảo “sao nó khổ quá, tội nghiệp quá”. Gặp ngoài đời đem cho chuối, cho na, cho ổi.
Vũ Luân và Thoại Mỹ.
Người dân miền Tây sống kham khổ, áp lực chồng nhậu nhẹt, lo con cái, cơm áo gạo tiền. Đó là lý do khi nghệ sĩ đóng vai người nhà quê nghèo khổ, bị dì ghẻ đánh, họ thương lắm. Họ nghĩ cuộc sống của họ, mảnh đời của họ nằm đâu đó trong vở tuồng ấy.
Nhưng anh Linh Tâm đóng vai ác, chị Thoại Mỹ đóng vai giật chồng người khác – dù là những vai diễn cực thành công nhưng ra đường lại bị dân ghét. Sau này, chị Thoại Mỹ không dám nhận vai ác nữa vì đi hát tăng cường ở tỉnh không được. Người dân tưởng chị Thoại Mỹ ác thật nên ghét, không đi coi”.
Hỏi Vũ Luân có giận fan không, anh cười không biết nên trả lời làm sao. Có lẽ đó là số mệnh. Anh coi chuyện tình với người bạn diễn là một kỷ niệm đẹp và xem chuyện fan quậy phá giống như sự sắp xếp phải có của định mệnh.
Nếu hai người nên duyên chồng vợ, biết đâu, đã không còn đẹp như bây giờ nữa: cả trên sân khấu cũng như ngoài đời. Vì tình duyên không trọn nên bây giờ họ vẫn giữ được tình bạn đẹp và đóng cặp trên sân khấu vẫn được khán giả và Tổ nghiệp thương hết lòng.