Đời sinh viên, ngắn thì 3 năm rưỡi, dài thì 6, 7 năm, đa phần quãng thời gian đó tiền bạc thì có bố mẹ gửi cho, lo lắng chưa nhiều. Không còn sớm hôm vất vả chuyện bài vở, thi cử như thời học sinh nữa, chào mừng bạn đến với Đại Học – nơi kết hợp giữa trường học và trường đời.
Năm nhất, tinh thần còn phơi phới, vì 3 năm học phổ thông đầy áp lực nên Hòa tự cho phép bản thân tận hưởng khoảng thời gian này. Lên giảng đường rồi về nhà, lúc rảnh, nếu không hẹn bạn bè cà phê, trà sữa tám chuyện thì ngồi hàng giờ trước cái máy tính lướt facebook, xem chương trình thực tế, cày phim…. Lúc đó chưa nghĩ nhiều đến cuộc đời và nỗi lo cho tương lai có lẽ còn xa vời quá.
Để chuẩn bị cho tương lai, từ năm hai Hòa quyết định thay đổi và tự đặt cho mình một mục tiêu “cao cả” rằng phải tốt nghiệp với một tấm bằng xuất sắc.
Đối với Hòa, một tấm bằng đại học giỏi là quá đủ để tìm kiếm cho mình một công việc nhẹ nhàng với một mức lương đáng mong đợi. Để làm được điều đó, Hòa đã tránh xa khỏi những thứ có thể làm ảnh hưởng đến sự tập trung cho việc học hành.
Trong suốt 4 năm đại học, Hòa không tham gia bất kì một câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện nào cả, cũng chẳng kiếm cho mình một công việc làm thêm nào ở bên ngoài.
Hải Anh – đứa bạn học cùng trung tâm tiếng anh với Hòa lại khác hoàn toàn. Cậu ta là kiểu người chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà rất năng nổ trong các hoạt động tình nguyện, thời gian rảnh thì đi thực tập làm thêm. Hè năm 3, mặc cho Hải Anh rủ rê nhiều thế nào thì Hòa cũng nhất quyết không tham gia Mùa Hè Xanh với lý do to đùng “đó chỉ là hoạt động vô bổ sẽ ảnh hưởng tới tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi”.
Nếu quãng thời gian Đại Học của Hòa gắn liền với những trang sách, thư viện, quán cà phê, trà sữa thì Hải Anh lại là những chuyến đi tình nguyện mùa hè xanh ở vùng cao, khi thì bận rộn với hoạt động của câu lạc bộ, lúc lại thực tập cho một công ty nào đó.
4 năm đại học, nói thì dài nhưng đến khi tốt nghiệp rồi mới thấy nhanh như chớp mắt. Cũng bởi vì không dành nhiều thời gian ở giảng đường nên Hải Anh chỉ vừa đủ điểm để tốt nghiệp. Còn Hòa ra khỏi trường với tấm bằng loại giỏi. Thật là một tin mừng.
Tưởng rằng tương lai đã quá rõ ràng khi cả hai nhận được tấm bằng tốt nghiệp nhưng đã 6 tháng kể từ sau khi tốt nghiệp, Hòa cầm trong tay tấm bằng loại giỏi và đang chật vật nộp đơn xin việc. Còn Hải Anh đã làm tại một công ty nước ngoài với mức lương kha khá.
Tôi biết nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi thế này:
“Cùng học như nhau, cùng bắt đầu, sau vài năm đại học, tại sao người chỉ cầm trong tay tấm bằng trung bình thì nhanh chóng kiếm được việc, người loại giỏi lại rơi vào cảnh thất nghiệp?”
Hòa là một câu chuyện mà nếu chỉ nhìn sơ qua thì bạn sẽ thấy: “Thật đáng tiếc, giỏi thế mà chưa xin được việc”. Nhưng một khi thực sự suy xét, bạn sẽ nhận ra đây là một ví dụ điển hình trong Tâm lý học về một người bị “cắm chốt” ở một giai đoạn của cuộc đời an phận.
Tôi đã từng gặp nhiều người như Hòa, Đại Học đối với họ là nơi để lấy kiến thức cần thiết cho công việc sau này. Rồi tự cho mình cái quyền “an phận”, học xong ở trường là về nhà, chẳng đi đâu. Tính tình lại hay ngại: ngại nắng; ngại nóng; ngại khói bụi; ngại mệt mỏi; ngại tốn kém, nói chung là ngại đủ thứ nên không bao giờ dám làm điều gì thử thách cả.
Không phải đi học ở trường nhiều là có năng lực, vì học nhiều ở trường thì chỉ có kiến thức mà kiến thức chỉ là một phần nhỏ trong năng lực.
Mặc dù tôi luôn đề cao tầm quan trọng và giá trị của những tấm bằng đại học nhưng bằng cấp không phải bảo hiểm cho sự thành công. Nếu bạn nghĩ chỉ cần chăm chỉ học hành cộng với cái bằng loại giỏi sau khi tốt nghiệp là sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng, thì bạn nên tỉnh táo hơn để tránh rơi vào cái “bẫy an toàn” đó.
Ra trường không có gì trong tay ngoài tấm bằng đại học, vài chứng chỉ học tập, kỹ năng hay kinh nghiệm thực tế chỉ là con số 0. Nên nhớ rằng, ngoài kia có bao nhiêu người cũng đang cầm trên tay tấm bằng khá giỏi như bạn, bạn không thể thắng họ chỉ dựa vào tấm bằng mà không có những kỹ năng nổi bật khác.
Tôi biết nhiều bạn trẻ tìm thấy mình trong câu chuyện của Hòa và Hải Anh. Dường như có quá nhiều câu chuyện thành công hào nhoáng bủa vây khắp mọi nơi khiến người trẻ tin rằng sẽ có lối tắt ở đâu đó mang họ đến với thành công không cần phải thông qua sự trưởng thành.
Vậy là thay vì dấn thân, thử thách và trải nghiệm để lớn lên, họ lại chọn cách sống thụ động “an phận”. Chỉ cần đi học đủ, điểm danh đủ, đủ điểm qua môn là có một tấm bằng khá giỏi đủ để ra trường.
Đây không phải là một bài học quá khốc liệt và không nhất thiết phải chìm sâu trong thất bại bạn mới nhận ra. Tuy nhiên càng thức tỉnh sớm bao nhiêu, thì bạn sẽ càng nhanh chóng biết phải làm gì với 4 năm đại học quý giá này.
Hải Anh từng viết thế này trong một bài luận tiếng Anh: “Nếu không có những chuyến đi tình nguyện mùa hè xanh thì có lẽ hè này cũng như bao mùa hè khác. Và rồi nó sẽ nhạt nhạt, trôi qua chẳng để lại chút ký ức nào cả.
Đi mùa hè xanh, trải nghiệm những điều chưa bao giờ biết tới trong đời, sống trong một tập thể, gặp gỡ nhiều gương mặt mới khiến tôi trưởng thành hơn nhiều. Ý nghĩa của chuyến đi tình nguyện không chỉ nằm ở việc việc mình cho đi mà còn nhận lại, nhận lại ở tình cảm, rất nhiều tình cảm. Đó là tình cảm của những người dân, những em nhỏ, những niềm vui ánh lên trong mắt họ, trên nụ cười khi được giúp đỡ.
Đó là khi tôi thực sự cảm nhận được những sự giúp đỡ dù ít ỏi nhưng lại có sức mạnh to lớn. Từ đó, tôi bắt đầu muốn sống tốt hơn, muốn hoàn thiện bản thân ở mọi mặt để trở thành phiên bản tốt nhất của mình”
Chẳng khác gì khi đi làm, chỉ có luôn hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng của mình thông qua những chuyến đi tình nguyện, hoạt động đoàn đội, làm thêm hay thực tập…mới giúp bản thân trưởng thành. Đôi khi vì bạn quá bận để sống “an phận” mà quên rằng đặc quyền tuyệt vời nhất của sinh viên chúng ta là được tận hưởng, khám phá những điều mới mẻ.
Không giống như thời đi học, quãng thời gian học đại học cho chúng ta có được sự trải nghiệm về cuộc sống nhiều hơn so với cả việc học trên giảng đường. Chính trải nghiệm là thứ làm nên con người bạn, con người thật sự bên trong bạn không phải gia cảnh, xuất thân, không phải những món đồ trang trí trên người, không phải bằng cấp học vị hay gì cả.
Nên nhớ rằng Đại học không phải là quỹ bảo hiểm kỳ hạn 4 năm, chỉ cần mỗi năm gửi vào tấm bằng khá giỏi thì lúc tốt nghiệp sẽ được đảm bảo có đủ tiêu chuẩn để bước chân vào đời.
Quãng thời gian này chỉ là một giai đoạn “tiền-trưởng-thành”, và tất cả chúng ta đều phải tận dụng nó, bằng cách này hay cách khác, học lấy những bài học cần thiết để tiếp tục bước đi. Hãy nhớ rằng cuộc đời cũng chỉ là một trường học mà thôi, nếu bạn “trốn tiết” mà lỡ bỏ mất bài học trưởng thành nào, thì chẳng sớm thì muộn bạn sẽ được “ưu ái” cho học lại thôi.
Đã bao giờ bạn tự hỏi “Vậy cuối cùng điều gì là thứ khiến mình tự hào nhất sau 4 năm đại học?” Câu hỏi tưởng chừng như rất dễ nhưng lại gợi ra biết bao nhiêu suy nghĩ. Với một số người thì là những chuyến đi phượt trên khắp các miền đất nước, một số người khác thì là những giải thương trong những cuộc thi lớn và danh tiếng.
Còn với một số bạn khác như Hải Anh, họ chọn tình nguyện, chọn đi đến những nơi thật xa, chọn đổ mồ hôi, công sức để đổi lấy những niềm vui dù chỉ là nhỏ bé của những người còn khó khăn. “Triệu giọt mồ hôi – Ngàn điều ý nghĩa” như một câu nói chứa đựng cả sự giục giã, cả sự khích lệ trong lòng các bạn tình nguyện viên trẻ.
Mỗi người chúng ta khi bước vào cổng trường Đại học có thể có những hoàn cảnh khác nhau, với những ước mơ riêng nhưng hành trình đi đến sự trưởng thành thì chỉ có một. Trải nghiệm, học tập, rèn luyện bản thân là cách tốt nhất để bạn ươm mần, chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội rộng mở trong tương lai. Thời gian qua đi không đợi ai, 4 năm Đại học của chúng ta ngắn ngủi lắm, nếu không cố gắng dấn thân, trải nghiệm thì bạn còn định đến khi nào?
Nhằm khuyến khích và đồng hành cùng sinh viên làm những điều có ý nghĩa cho cộng đồng, Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, thông qua nhãn hàng Revive hân hạnh đồng hành 3 năm tiếp theo với chương trình Mùa Hè Xanh cùng thông điệp “Triệu giọt mồ hôi – Ngàn điều ý nghĩa”. Điều này thu hút rất đông sự quan tâm của mọi người, vì nó vừa lan tỏa tinh thần tôn vinh nét đẹp của những giọt mồ hôi trong lao động, vừa truyền cảm hứng về tinh thần cộng đồng, cố gắng đóng góp những gì tốt đẹp nhất cho xã hội nhỏ xung quanh mình.