Trang CNBC (Mỹ) nhận định, Việt Nam, đang vượt qua áp lực khi các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á đối mặt với tương lai thiếu chắc chắn do tác động từ nguy cơ chiến tranh thương mại.
Tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm
Mối đe dọa từ xung đột thương mại toàn cầu ngày một leo thang đã khiến đã gia tăng sức ép lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore và Malaysia, trong khi Indonesia và Philippines phải đối mặt với những thách thức khi đồng tiền nội địa chịu sức ép từ đồng USD đang lên.
Trong khi đó, việc gần gũi về địa lý với Trung Quốc đang giúp Việt Nam có được lợi thế. Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 8 năm qua trong nửa đầu năm 2018.
Đối mặt với áp lực chi phí do thuế quan thương mại của Mỹ tạo ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đang bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi lục đến các địa điểm châu Á rẻ hơn như Việt Nam và Bangladesh. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan hiện cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
Dwyfor Evans, người đứng đầu Bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á – Thái Bình Dương tại State Street Global Markets nói, nếu Mỹ không thể bù đắp việc sụt giảm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhu cầu mạnh mẽ của thị trường sẽ phải được đáp ứng từ các nguồn thay thế.
“Tôi sẽ không nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc. Thay vào đó, tôi sẽ nhập khẩu từ Việt Nam, vì vậy chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thực sự như là một yếu tố tích cực cho Việt Nam.”
Đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã nhận được khoảng 11,25 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư.
Nguy cơ chiến tranh thương mại giúp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. Một nhà máy tại Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: SCMP.
Robert Subbaraman, Công ty tài chính Nhật Bản Nomura cho biết, rất nhiều công ty đang tái dịch chuyển. Dòng vốn FDI mạnh đã cung cấp sự cân bằng tốt về hỗ trợ thanh toán cho Việt Nam.
Mặc dù các nguyên tắc cơ bản hiện nay có vẻ “khá tốt”, ông Subbaraman cho rằng, Việt Nam phải thận trọng trước mặt tài chính. Các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo thâm hụt ngân sách không quá lớn và nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng. “Điều đó thường xảy ra khi bạn nhận được dòng vốn rất mạnh và các công ty nhảy vào”.
“Việt Nam đã được hưởng lợi từ sự tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại khu vực, một dân số trẻ có học vấn, một lực lượng lao động rẻ và đang phát triển, và gần với Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng của Standard Chartered Bank Chidu Narayanan nói.
“Điều này sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI mạnh trong những năm tới”, ông Chidu Narayanan nói.