“Trường hợp bà Quy khai báo không đúng sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Dư luận tập trung tới lời khai một phía từ bà Quy, những trình bày mà bà nêu ra để bảo vệ chính bản thân. Khi đó, mặc dù không thể khẳng định bà Quy muốn đổ tội nhưng dư luận sẽ hướng trách nhiệm về người còn lại, là ông Phiến”.
Những tình tiết mới từ phía bà Quy nêu ra ảnh hưởng lớn tới quá trình điều tra vụ án
Liên quan đến vụ việc bé trai 6 tuổi được phát hiện tử vong trên xe ô tô, ngày 22/8 bà Nguyễn Bích Quy – người đưa đón học sinh, đã có cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí tại văn phòng luật sư Thành Sơn và đồng sự.
Được biết, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, bà Quy đã hai lần được cơ quan công an triệu tập lên làm việc. Bà khẳng định trong các lần làm việc không có sự mớm cung, ép cung, tuy nhiên có một số chi tiết bà thấy chưa hợp lý mà mình đã khai từ trước đó.
Trong đơn trình bày mới do bên phía văn phòng luật sư Thành Sơn biên soạn, bà Quy có nêu thêm một vài chi tiết bất thường mà trước đó do “tâm trạng hoảng loạn” nên bà bỏ sót.
Theo đó, bà Quy cho biết đã quay lại kiểm tra xe kỹ càng và khẳng định không còn học sinh hay đồ đạc học sinh bỏ quên trên xe. Chi tiết những chiếc rèm cửa xe bị kéo vào cũng khiến dư luận chú ý, khi mà buổi sáng rèm xe đều mở. Và một quả bóng xuất hiện trên ô tô, liệu đã có từ sáng khi cháu L. đi học hay ai đó để vào?
Xem xét dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết một lời khai được xem là hợp pháp khi hợp pháp cả về hình thức và nội dung.
Bà Nguyễn Bích Quy trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 22/8.
“Theo quy định tạị Điều 86, Điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, lời khai, lời trình bày là một trong những chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên lời khai, lời trình bày phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự thì nó mới được coi là chứng cứ hợp pháp. Việc đơn trình bày của bà Quy là đơn trình bày với luật sư, chỉ mang quyền cá nhân, chưa có tính xác thực, cũng không phải lời khai mà bà cung cấp với cơ quan điều tra nên lời khai này của bà Quy cần được các cơ quan xem xét, xác minh phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì mới được coi là chứng cứ hợp pháp” – luật sư Tiền nói.
Xem xét dưới góc độ thực tế vụ án, mặc dù đang chờ điều tra xác minh nhưng những tình tiết mới từ phía bà Quy nêu ra có ảnh hưởng lớn tới quá trình điều tra vụ án. Cùng với lời khai và tình tiết trước đó như: bé được thay áo, nằm ngay phía sau ghế lái xe nhưng không được phát hiện… chứng tỏ đã có người tác động tới xe, tới cháu bé, liệu có sự việc dàn xếp hiện trường hay không?
“Việc bà Quy thay đổi lời khai, có lẽ do ban đầu khi tiếp nhận tin cháu bé mất, bà quá hoảng loạn, hoang mang dẫn tới lời khai không đồng nhất, cũng không loại trừ khả năng bà muốn trốn tránh trách nhiệm mà thay đổi lời khai.
Trường hợp bà Quy khai báo không đúng sự thật sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Đây là vụ án mà hai người trực tiếp liên quan và chịu trách nhiệm tới cái chết của cháu bé là bà Quy và tài xế Phiến. Dư luận tập trung tới lời khai từ một phía bà Quy, những trình bày mà bà Quy nêu ra để bảo vệ chính bản thân, có lợi nhất cho mình. Khi đó, mặc dù không thể khẳng định bà Quy muốn đổ tội cho ông Phiến nhưng mặc nhiên dư luận sẽ hướng trách nhiệm về người còn lại, đó là tài xế Phiến” – luật sư phân tích.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, để xác định được sự thật, cơ quan điều tra cần xem xét một cách toàn diện vụ án thông qua: Dữ liệu hình ảnh trích xuất camera tại trường học Gateway, tại nơi trông giữ xe (ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền), dữ liệu qua camera hành trình của xe,..; Kết quả khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết, kết quả khám nghiệm hiện trường,..; Lời khai của lái xe, của thầy cô giáo, của gia đình về tình trạng của bé trước khi đi học, của các học sinh.
Mấu chốt vụ án cần xem xét là kết quả khám nghiệm tử thi từ phía Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu Viện khoa học hình sự – Bộ Công an. Kết quả sẽ cung cấp nguyên nhân cái chết, thời gian tử vong… của cháu bé. Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để xác định tình tiết, diễn biến của vụ án.
“Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều câu chuyện được thêu dệt xung quanh vụ án, những “kịch bản” mà mọi người suy đoán tạo nên khi chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra. Vì vậy mọi người cần sáng suốt khi tiếp nhận và cung cấp thông tin, tránh gây hoang mang dư luận” – luật sư Tiền chia sẻ.
Có thể khởi tố các bị can sau khi làm rõ các tình tiết của vụ án
Sau sự việc, Gateway đã xóa sạch mác “quốc tế” mà trước đó trường tự gắn vào để thu hút học sinh và phụ huynh. Không chỉ Gateway, hàng loạt các cơ sở giáo dục khác cũng “gỡ biển”, “sửa tên dòng chữ quốc tế/international, sau thời gian dài xưng danh mà không bị “tuýt còi”.
Luật sư Trần Xuân Tiền phân tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 (đang có hiệu lực thi hành), pháp luật cho phép sự tồn tại của 3 loại hình trường, gồm: Trường công lập; Trường tư thục và Trường dân lập.
Căn cứ theo Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT năm 2018 Nghị định Quy định về “Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục” thì các cơ sở giáo dục được thành lập tại Việt Nam không có quy định nào về cho phép thành lập trường Quốc tế.
Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Mặc dù nội dung nghị định 86 có quy định về các loại hình hợp tác, đầu tư giáo dục có yếu tố nước ngoài, nhưng cũng không thể tìm được một khái niệm, một nội dung nào quy định về trường quốc tế.
Như vậy, pháp luật không có quy định nào liên quan và điều chỉnh đối với các trường được gọi là “Trường quốc tế”, có chăng là trong quá trình thành lập trường, các tổ chức, cá nhân có thể đặt tên trường có gắn với cụm từ “Quốc tế” để thu hút học sinh.
“Có thể thấy “Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường. Chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam như trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.
Đây là những trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở giáo dục đào tạo theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh)” – luật sư nói.
Ngày 7/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người”, theo điều 128-BLHS. Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, dựa vào những tình tiết, bằng chứng hay thông tin hiện có về vụ án, cơ quan công an có thể khởi tố bà Nguyễn Bích Quy- nhân viên monitor của trường Gateway và ông Doãn Quý Phiến – người lái xe, về tội “Vô ý làm chết người” tại Điều 128 Bộ Luật hình sự 2015. Còn lãnh đạo nhà trường và cô giáo chủ nhiệm có thể bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 360 Bộ Luật hình sự 2015.