Ảnh: Medium
Các công ty tài chính của Hong Kong là viên ngọc để Trung Quốc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ hủy hoại điều đó.
Chuyên gia Mỹ David R.Meyer (Đại học Washington) đã có bài viết đăng tải trên SCMP về khả năng Hong Kong đánh mất vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của mình sau hàng loạt cuộc biểu tình gần đây. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.
Vai trò “trung tâm tài chính toàn cầu” của Hong Kong sẽ bị tổn hại?
Cuộc biểu tình ở Hong Kong đã diễn ra được vài tháng với nhiều diễn biến phức tạp, làm nảy sinh lo ngại về khả năng tổn hại tới Hong Kong trong vai trò là một trung tâm tài chính toàn cầu.
Nhiều người cho rằng: Cuộc khủng hoảng chính trị này sẽ gây trở ngại cho hoạt động của nhiều công ty tài chính; khả năng Trung Quốc can thiệp sẽ khiến môi trường hoạt động của các công ty này trở nên kém thu hút; và Trung Quốc sẽ cố tình hạ cấp Hong Kong, đồng thời thúc đẩy Thâm Quyến trở thành trung tâm tài chính toàn cầu của mình.
Mức độ nghiêm trọng của các cuộc biểu tình là điều không thể phủ nhận. Đối với nhiều người tham gia và quan sát, cuộc biểu tình ở Hong Kong đã có dấu hiệu phức tạp. Một số chính trị gia ở châu Âu và Mỹ đã đi quá xa khi bàn tới cấm vận hoặc các hình thức trừng phạt khác – mặc dù họ sẽ phản đối Trung Quốc can thiệp vào nước mình.
Dù vậy, cũng nên nhớ rằn, hầu hết trung tâm tài chính hàng đầu của thế giới, từ New York tới London, Paris đều chứng kiến những biến động. Tình trạng bất ổn định ấy đôi khi xuất hiện vì các trung tâm này là nơi có những nhân tố then chốt trong nền kinh tế toàn cầu và là nơi tồn tại tình trạng bất bình đẳng ở mức cực đoan.
Khi sự khác biệt ấy bị thách thức, người biểu tình thường nhắm tới các trung tâm tài chính, như những biểu tượng quyền lực mà họ phản đối. Hong Kong thường xuyên phải đối mặt với các cuộc biểu tình như vậy từ những năm 1950.
Trên thực tế, Hong Kong là một trung tâm kinh tế toàn cầu, chứ không phải một quốc gia. Vì vậy, các cuộc biểu tình nhằm vào hoạt động bán lẻ hoặc du lịch gây tổn hại tới tổng sản lượng kinh tế được đo bằng GDP. Thế nhưng, sự tổn hại ấy không lan tới các công ty tài chính toàn cầu, cũng như dịch vụ kinh tế hay mảng quản lý doanh nghiệp khu vực của Hong Kong.
“Viên ngọc” để Trung Quốc tiếp cận các thị trường
Vai trò của Hong Kong như “cửa sổ mở ra vốn đầu tư toàn cầu” của Trung Quốc và trung tâm tài chính toàn cầu lớn thứ ba vẫn an toàn. Có 4 lý do ủng hộ cho luận điểm này.
Thứ nhất, dù gặp phải thách thức nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ để tình trạng an ninh nội bộ của Hong Kong sụp đổ. Chính quyền Hong Kong có trách nhiệm ấy, theo Luật Cơ bản. Và Trung Quốc sẽ ủng hộ nỗ lực đó một cách hoàn toàn.
Thứ hai, Hong Kong là nơi đặt nhiều công ty tài chính then chốt, những cơ quan quản lý dòng vốn ở châu Á – Thái Bình Dương và giữa khu vực này với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động quản lý này xuất phát từ cuối thế kỷ 19 và đã vượt qua nhiều cuộc chiến tranh, phong trào đấu tranh lẫn khủng hoảng kinh tế để tồn tại.
Sự kiên cường ấy bắt nguồn từ hệ thống dày đặc những mối quan hệ cá nhân và công việc, tạo điều kiện cho hoạt động chia sẻ kiến thức và chuyên môn. Đối với các công ty và các chuyên gia tài chính lớn, đặt trụ sở ở Hong Kong là điều cần thiết đối với thành công của họ.
Thứ ba, hiện không tồn tại phương án thay thế khả dĩ nào cho Hong Kong ở châu Á – Thái Bình Dương. Tokyo vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu cho các công ty Nhật Bản và những công ty nước ngoài nhắm tới thị trường Nhật Bản. Các công ty tài chính nước ngoài, bao gồm cả những công ty từ các nước châu Á, hiếm khi sử dụng Tokyo làm nền tảng khu vực rộng lớn hơn.
Sydney là trụ sở cho những công ty tài chính phục vụ Australia, và những công ty trong thành phố này quá tách biệt so với mạng lưới kiến thức chuyên gia chủ chốt bao phủ châu Á. Ngay cả các công ty trong nước của Australia cũng đặt hoạt động châu Á – Thái Bình Dương ở Hong Kong và hoạt động ở Đông Nam Á tại Singapore.
Một số nhà quan sát coi Singapore là phương án khả dĩ để thay thế Hong Kong, nhưng mạng lưới tài chính của Singapore tập trung vào Đông Nam Á, chứ không phải châu Á – Thái Bình Dương. Và mạng lưới của họ cũng chỉ vươn tới Trung Quốc đại lục một cách yếu ớt.
Thứ tư, chính quyền Trung Quốc và giới chức nước này không bao giờ ngừng ủng hộ Hong Kong làm trung tâm tài chính toàn cầu. Các quan chức – từ Chủ tịch nước cho tới người đứng đầu các ban ngành và các cơ quan điều hành tài chính – đều khẳng định khá rõ ràng rằng Thượng Hải là trung tâm tài chính quốc tế trong nước, còn Hong Kong là trung tâm toàn cầu.
Thật ra, quan điểm cho rằng Trung Quốc đang xây dựng Thâm Quyến làm điểm thay thế Hong Kong là hiểu nhầm chính sách của chính quyền Trung Quốc.
Chính sách ấy thúc đẩy Thâm Quyến trở thành nơi thí nghiệm tài chính trong nước để thử nghiệm các cách nhằm mở cửa các thị trường tài chính ở Trung Quốc, như một trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực Đồng bằng Châu Giang và là một trung tâm công nghệ cao.
Khi các quan chức Trung Quốc bày tỏ quan điểm về Hong Kong, họ nhìn chung đều cho rằng lãnh đạo Hong Kong nên làm tốt hơn trong việc thực hiện các điều khoản trong Luật Cơ bản, chủ yếu nhằm thúc đẩy đời sống xã hội của người dân Hong Kong. Những quan điểm ấy chưa bao giờ nhằm vào các công ty tài chính của Hong Kong.
Ngoài ra, bất cứ công ty tài chính nước ngoài nào có ý định chuyển khỏi Hong Kong đều đứng trước thách thức. Chính quyền Trung Quốc có thể coi động thái ấy là không ủng hộ, thiếu tính hợp tác. Và họ sẽ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận một nền kinh tế trong top đầu của thế giới.
Lo ngại về tương lai của trung tâm tài chính toàn cầu Hong Kong là không hợp lý. Các công ty tài chính và các nhà tài phiệt của Hong Kong là viên ngọc để Trung Quốc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ hủy hoại điều đó.