“Đề xuất” gây ồn ào dư luận
Mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng “đề xuất” trên trang cá nhân: Nếu thành phố hạn chế lực lượng shipper giao hàng thì công việc này nên giao lại cho… lực lượng cảnh sát giao thông. Theo Nguyễn Quang Dũng, do thời điểm này lực lượng cảnh sát giao thông “ít có việc gì làm”, nên dành thời gian này để hỗ trợ người dân. Có không ít nghệ sĩ vào bình luận đồng tình, thậm chí nói những lời cợt nhả, tỏ thái độ xem thường, chỉ trích lực lượng cảnh sát giao thông.
Sự việc trên đã gây bức xúc trong cộng đồng. Nhiều người bày tỏ, đây là thời điểm cần cả nước chung tay, đoàn kết chống dịch. Lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và các cơ quan cảnh sát, các ban ngành là “tuyến đầu” chống dịch, rất vất vả, nhiều hy sinh. Một đạo diễn có tiếng như Quang Dũng lại phát ngôn gây nên tranh luận không đáng có, làm chạnh lòng những người tuyến đầu và cả người thân của họ.
Cách đây không lâu, Á hậu Lan Khuê cũng phải xin lỗi do phát ngôn thiếu suy nghĩ khi đăng lên trang cá nhân nội dung: “Đợt giãn cách này toàn là người dân tự tìm cách cung ứng thực phẩm, hỗ trợ nhau. Chứ chả thấy có sự hướng dẫn, điều tiết nào nó cụ thể, rõ ràng”.
Khi viết những điều này, có lẽ Á hậu đã quên mất hình ảnh những chiến sĩ công an, lực lượng dân quân tự vệ ngày đêm bảo vệ các khu phong tỏa, những chuyến xe lưu động đi lấy mẫu từng nhà dân, những người ngày đêm mất ăn, mất ngủ đưa ra các quyết sách để làm sao dập dịch, giúp dân ổn định đời sống… Nhanh chóng sau đó, trước phản ứng của mọi người, Lan Khuê đã phải hạ bài viết, xin lỗi.
Hay như nữ MC Trác Thúy Miêu, bị công chúng quay lưng, cơ quan chức năng xử phạt vì đăng bài viết mang những “mũi tên” sắc nhọn hướng về các tình nguyện viên y tế đến từ Hải Dương chi viện cho TP HCM.
Trong đợt dịch năm 2020, cũng có không ít nghệ sĩ bị công chúng chỉ trích, bị xử phạt vì phát ngôn thiếu suy nghĩ, tung tin thiếu cẩn trọng, gây hoang mang dư luận, gây chia rẽ lòng người.
Hãy lan tỏa điều tốt đẹp
Những nghệ sĩ phát ngôn thiếu chuẩn mực đã bị lên án, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng lời nói cũng như mũi tên, một khi đã bắn ra thì khó lòng rút lại. Họ đã tạo ra những cuộc khẩu chiến, khiến người dân nhất thời hoang mang, đã gieo rắc những sợ hãi, bất bình và mất đoàn kết.
Từ lâu, nghệ sĩ được coi là những “chiến sĩ” trên mặt trận nghệ thuật. Thời chiến, họ dùng tác phẩm của mình để lung lạc quân thù, cổ vũ người chiến sĩ ra trận, góp phần vào khối đại đoàn kết toàn dân. Thời bình, nghệ sĩ lại đem tài năng của mình phục vụ cho đời sống, góp phần đem chân – thiện – mỹ lan tỏa khắp nơi.
Ngay trong thời điểm dịch hoành hành này, có không ít nghệ sĩ đã thực hiện đúng với sứ mệnh ấy. Các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Phương Thanh, Quốc Đại… đã có những đêm trình diễn đầy cảm xúc ở sân bệnh viện dã chiến, phục vụ khán giả là hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế cùng hàng ngàn bệnh nhân F0. Âm nhạc, tiếng hát cất lên trong không gian tất bật, đầy lo âu, bệnh tật, như làm dịu đi những nỗi đau.
Rồi những nghệ sĩ như H’Hen Niê, MC Quỳnh Hoa, Nguyễn Phi Hùng… cùng gần 150 nghệ sĩ khác tham gia công tác tình nguyện chống dịch. Họ xông pha giữa lúc dịch bệnh phức tạp, hát cho bệnh nhân, cho nhân viên y tế, dùng xe máy chở hàng đến nhà người nghèo, phân luồng chích vắc xin, cắt tóc cho lực lượng chống dịch… Nét đẹp của tình người nhờ thế càng lan tỏa trong những ngày Sài Gòn khó khăn.
Nhiều nghệ sĩ ở nhà giãn cách cũng ủng hộ tiền bạc, vật chất, tạo ra sản phẩm nghệ thuật “tại gia”, tổ chức những buổi biểu diễn online, lan tỏa tinh thần lạc quan và năng lượng tốt lành. Nghệ sĩ nên là như thế. Nếu không làm được gì, xin hãy nói những lời tốt đẹp, những điều có ích cho cuộc sống, cho con người.
Theo Ngọc Mai (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/lai-tranh-cai-nghe-si-phat-ngon-vo-cam-d161913.html