Trung Quốc, Nhật Bản phải xích lại gần nhau càng sớm thì mới càng có thể tránh được nguy cơ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi mới ở khu vực trong khi là hai thành viên chủ chốt ở khu vực.
Tạm gác lời nguyền
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có được chuyến thăm Trung Quốc rất thành công, cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều đáng kể nhất ở đây là ông Abe đạt được những kết quả ấy trong bối cảnh tình hình là mọi chuyện vướng mắc lâu nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa được xử lý ổn thoả.
Có thể nhận thấy ngay được từ đó là Trung Quốc và Nhật Bản đều phải coi trọng chuyến đi này của ông Abe như thế nào và đều phải có cùng nhu cầu làm cho nó thành công thì ông Abe mới có thể đạt được những kết quả ấy.
Cả hai đều đã phải tạm gạt những mối bất hoà sang bên để cùng mưu tính chuyện tương lai thì chuyến công du này của ông Abe mới thành công như vậy.
Sau gần 8 năm mới lại có Thủ tướng Nhật Bản tới thăm Trung Quốc. Trong khoảng thời gian ấy, ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp nhau nhân khi cùng tham gia những sự kiện đa phương quốc tế.
Nhưng mãi đến bây giờ ông Abe mới làm khách của ông Tập Cận Bình và phải nhờ vào thành quả của chuyến đi này của ông Abe thì ông Tập Cận Bình mới sang thăm Nhật Bản trong thời gian tới.
Ông Abe thăm Trung Quốc không phải để xử lý những mối bất hoà và trắc trở trong quan hệ song phương tồn tại lâu nay. Việc khắc phục chúng không chỉ hiện tại mà còn cả thời gian dài tới đây nữa vẫn bất khả thi. Phía Trung Quốc đón ông Abe sang thăm cũng không phải để xử lý những bất hoà và trắc trở kia bởi cũng thừa hiểu là hiện không thể làm được việc ấy.
Chuyến đi này của ông Abe được thực hiện vì cả hai phía đều có nhu cầu xích lại gần nhau và đều sẵn sàng tạm gác lời nguyền để vận hành tương lai của mối quan hệ song phương.
Ông Abe đề cập đến việc “chuyển từ ganh đua sang hợp tác” giữa hai nước. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dùng cụm từ “mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác” để đánh giá chuyến thăm của ông Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: EPA
Thông điệp của Nhật Bản và Trung Quốc
Trung Quốc và Nhật Bản lại đồng hành với nhau trên mọi lĩnh vực quan hệ hợp tác – đấy mới là thông điệp chính và quan trọng nhất từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe chứ không phải việc ký kết các thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trị giá gần 3 tỷ USD.
Thông điệp này định hướng cho hành động của Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian tới trên 3 phương diện chính.
Thứ nhất là thống nhất quan điểm và phối hợp hành động đối phó và đáp trả những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây xung khắc thương mại, thậm chí cả chiến tranh thương mại với cả hai nước này.
Là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới nên nếu hợp sức lại thì biện pháp đối phó và đáp trả của họ sẽ có được tác động mà phía Mỹ không thể bỏ qua hay coi thường. Chỉ hợp sức lại với nhau thì họ mới có cơ may làm phá sản những suy tính lợi ích của phía Mỹ trong chuyện xung khắc thương mại này.
Nhật Bản vừa dựa được vào cái uy và thế của Trung Quốc, lại vừa có con bài để tranh thủ Trung Quốc. Ủng hộ người để giúp và cứu mình chính là đây. Trung Quốc vừa tập hợp được lực lượng lại vừa có thể phân hoá Nhật Bản với Mỹ, làm lỏng lẻo mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Nhật Bản và Mỹ.
Thứ hai là tạo dựng cái gọi là “Trục Trung Quốc – Nhật Bản” trong tiến trình hoà bình và hoà dịu đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Cho tới thời điểm hiện tại, cả hai đều vị lép vế, thậm chí có nguy cơ bị đẩy vào vị trí và vai trò của khán giả trong quá trình khởi xướng, khởi đầu và vận hành tiến trình này.
Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, triển vọng bình thường hoá và tái thống nhất bán đảo cũng như quan hệ của Mỹ với Triều Tiên động chạm trực tiếp tới an ninh và vai trò chính trị an ninh khu vực của Nhật Bản và Trung Quốc.
Trên phương diện này, Trung Quốc và Nhật Bản có cùng lợi ích chiến lược, có cùng chủ định và ở trong cùng hoàn cảnh. Họ phải xích lại gần nhau càng sớm thì mới càng có thể tránh được nguy cơ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi mới ở khu vực trong khi là hai thành viên chủ chốt ở khu vực.
Thứ ba là sẵn sàng cùng thực hiện những dự án hợp tác kết nối khu vực và châu lục. Đây chính là sự thể hiện rõ nét nhất của phát biểu nói trên của ông Abe và ông Lý Khắc Cường.
Không còn mạnh ai nấy làm và ganh đua với nhau như trước nữa, hai nước giờ sẽ cùng nhau thực hiện những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở nước thứ ba và phía Nhật Bản tính đến khả năng tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.
Lời nguyền không bị quên mà được tạm gạt sang bên để không cản trở chuyện quan hệ hợp tác nữa. Như thế có nghĩa là lời nguyền tuy chưa thay đổi bản chất nhưng đã bắt đầu thay đổi tác động.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại