Không có tay cũng chẳng có chân nhưng cô bé chim cánh cụt vẫn luôn nở nụ cười lạc quan, ngày ngày cắp sách đến trường.
Nghẹn lòng nghe tâm sự của bé gái 8 tuổi cụt hai tay hai chân sống với ông bà ngoại già yếu.
“Ngoại ơi! Sao mẹ sinh con ra không có tay có chân vậy ngoại?”
Nhắc đến Trần Thị Hiếu Thảo, người dân ở ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng không ai không biết cô bé chim cánh cụt 8 tuổi lúc nào cũng luôn nở nụ cười, lễ phép với tất cả mọi người.
Cô bé chim cánh cụt ăn chiếc bánh rán được ông bà ngoại mua cho.
Dù không có tay có chân nhưng lúc nào Hiếu Thảo cũng nở một nụ cười lạc quan.
Ngồi một góc trên giường, Hiếu Thảo cố dùng sức đẩy người về phía trước bằng đôi chân cụt rồi nhanh nhảu quắp hai cánh tay lại với nhau để rót nước giúp bà ngoại. Cách đó vài bước chân, bà Lý Thị Cho (64 tuổi, ngoại Hiếu Thảo) rưng rưng nước mắt: “Con bé bị khuyết tật từ lúc mới lọt lòng mẹ, có tay có chân gì đâu, suốt ngày chỉ biết lết đi như vậy”.
Theo bà Cho, Hiếu Thảo là đứa con duy nhất của con gái bà cùng người chồng trước. Sau khi Hiếu Thảo chào đời được 8 tháng thì bố bé bị tai nạn giao thông qua đời, một năm sau mẹ bé cũng đi lấy chồng mới rồi sinh con, Hiếu Thảo được ông bà nuôi dưỡng từ đó đến nay.
Khuôn mặt dễ thương của cô bé 8 tuổi khi nhắc đến ước mơ của mình.
Kể từ lúc mẹ Hiếu Thảo đi lấy chồng, bà Cho là người chăm sóc chính cho em.
Dù không có tay, có chân nhưng Hiếu Thảo vẫn tự mình làm được tất cả mọi thứ từ việc ăn uống, đi học đến cả quét nhà phụ giúp ông bà ngoại. Ẵm Hiếu Thảo vào lòng, bà Cho tâm sự: “Con bé ngoan lắm, từ nhỏ đã không biết mặt bố là ai, mẹ nó thì cả năm mới về quê thăm nó một lần. Nó nhớ mẹ lắm mà có dám nói cho ông bà biết đâu, nó sợ ông bà buồn”.
Nhắc đến mẹ, Hiếu Thảo buồn vì mỗi năm chỉ được gặp mẹ có một lần.
Đôi chân không lành lặn của Hiếu Thảo, em vẫn dùng nó để lết đi mỗi ngày.
“Nó cứ hỏi tại sao mẹ sinh nó ra lại cụt tay cụt chân mà đứa em sau của nó (con của mẹ Hiếu Thảo và người chồng sau) lại không bị gì cả. Lúc nghe nó hỏi vậy, bà chỉ biết ôm nó vào lòng mà khóc chứ biết trả lời làm sao”, bà Cho đau đớn nói.
Quệt những giọt nước mắt khẽ lăn dài trên đôi gò má bằng đôi tay cụt, Hiếu Thảo cho biết hơn 8 tháng qua, em vẫn chưa gặp lại mẹ của mình. “Bố con chết rồi, mẹ con đi làm Bình Dương, bây giờ mẹ con có chồng nữa rồi, mẹ con có em. Một năm mẹ mới về thăm con một lần, con nhớ mẹ lắm”, cô bé thỏ thẻ nói.
Gấu bông nhỏ là người bạn thân thiết của Hiếu Thảo.
Em có thể tự chăm sóc cho bản thân của mình từ việc ăn, uống, sinh hoạt.
Mặc dù không có mẹ ở bên chăm sóc nhưng Hiếu Thảo chưa bao giờ giận mẹ bất cứ một điều gì. Trong tâm thức của một cô bé 8 tuổi, mẹ là người em thương yêu nhất. “Con thương mẹ lắm, con chỉ muốn mẹ về thăm con một lần rồi hãy đi làm mà thôi. Con thương ông bà ngoại lắm, vì ông bà ngoại nuôi con, cho tiền con ăn học”, Hiếu Thảo nói.
Hiếu Thảo rất ngoan ngoãn và lễ phép.
Hạnh phúc khi được người bạn nhỏ đút cho em ăn quà vặt.
“Mấy bạn nói con cụt tay cụt chân mà cũng đi học, con buồn lắm”
Cố khum đôi tay cụt cầm lấy cây bút, Hiếu Thảo nắn nót viết từng chữ trên cuốn tập mới. Để có thể viết được là cả một quá trình nỗ lực, vượt qua mọi đau đớn của em.
“Năm nay con học lớp 3, lúc đầu con viết không được, đau lắm, nhưng con cố gắng tập từ từ, ông bà cũng giúp con tập viết nữa”, Hiếu Thảo vui vẻ khoe.
Hành trang mỗi ngày của Thảo để đi đến trường học chữ.
Ông ngoại là người đưa đón em mỗi ngày đi đến trường.
Để đi đến trường mỗi ngày, Hiếu Thảo cùng ông ngoại phải vượt qua đoạn đường dài hơn 4km. Chỉ cần tới được cổng trường, Hiếu Thảo lại xin ông ngoại để em tự nhấc từng bước trên đôi chân cụt đi vào lớp học. “Con ước mình có được đôi chân giả để có thể tự đi học, ông ngoại già rồi, con không muốn phiền ông ngoại nữa”, Hiếu Thảo nói.
Dù cho cơ thể bị khiếm khuyết nhưng Hiếu Thảo rất ham học hỏi, kể từ lúc được ông bà ngoại cho đi học, em chưa từng nghỉ một buổi học nào. Với Hiếu Thảo, đến lớp học chữ là niềm hạnh phúc lớn nhất của em để em nuôi ước mơ được trở thành bác sĩ của mình.
Thảo nắn nót viết từng chữ trên cuốn tập mới.
Được học chữ là điều hạnh phúc nhất đối với Hiếu Thảo, em ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.
“Con ước sau này được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, chữa bệnh cho ông bà ngoại của con. Con phải học thật giỏi để sau này kiếm tiền nuôi ngoại nữa”, Hiếu Thảo nói.
“Ở lớp con được các bạn chơi cùng nhưng cũng có bạn không thích chơi với con. Bạn ấy chọc con, nói con cụt tay cụt chân mà đi học làm gì. Con mặc cảm lắm, con đi nói lại với thầy cô biết ạ”, Hiếu Thảo ngây ngô nói.
Vui chơi cùng người bạn nhỏ của cô bé chim cánh cụt.
Thảo luyện võ, thủ thế cũng rất chuyên nghiệp.
Đeo chiếc cặp cho Hiếu Thảo, ông Trần Văn Nhở (64 tuổi) sửa soạn lại bộ đồ cho đứa cháu ngoại rồi chở Thảo đến trường. Ông Nhở cho biết bất kể trời mưa trời nắng, Hiếu Thảo đều chăm chỉ đi học.
“Số con bé khổ, từ nhỏ đã không có bố, mẹ lại có gia đình khác. Nó sống với tui mà đâu có được đầy đủ như người ta, cơm ngày ba bữa có khi còn không đủ. Nó ước có đôi chân giả để đi học, mà gom góp mãi tui vẫn chưa đủ tiền để đưa con bé đi lắp chân”, ông Nhở tâm sự.
Thương cháu gái, ông bà ngoại làm cho Thảo một cây chổi nhỏ để em quét nhà giúp ông bà.
Hiếu Thảo cười ngặt nghẽo khi ngã lăn xuống đất trong lúc quét nhà.
Vì không có đất có vườn, bà Cho lại bị gãy tay, không thể đi làm được nên mọi sinh hoạt phí hằng ngày của gia đình đều phụ thuộc vào những đồng tiền làm thuê ít ỏi của ông Nhở. Thương đứa cháu ngoại bị thiệt thòi nhưng chưa bao giờ ông Nhở dám nghĩ đến chuyện một ngày để đứa cháu đi thực hiện ước mơ.
“Với tui lúc này, chỉ mong có tiền để nuôi con bé Thảo được ăn học đến nơi đến chốn. Còn chuyện lắp chân giả cho bé, chắc cả đời này vẫn không thực hiện được”, ông Nhở nghẹn lòng.
Hiếu Thảo chỉ ước có được đôi chân giả và ăn học đến nơi đến chốn.
Hi vọng mọi người sẽ tiếp sức, đồng hành cùng cô bé đáng yêu này thực hiện ước mơ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của cô bé chim cánh cụt Trần Thị Hiếu Thảo khi sống với ông bà ngoại già yếu, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ để Hiếu Thảo có đủ điều kiện lắp đôi chân giả, ăn học đến nơi đến chốn.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Lý Thị Cho (ngoại Hiếu Thảo): 0979412589.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Agribank: 7613205086576.
Chủ tài khoản: Lý Thị Cho, chi nhánh ngân hàng huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Xin chân thành cảm ơn!