TikTok đang là một ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh những thông tin hữu ích, TikTok ẩn chứa không ít sản phẩm độc hại, nhảm nhí, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên, trẻ em. Nhiều phụ huynh đang lo lắng ứng dụng này có thể sẽ đầu độc tương lai con trẻ.
Nhiều nội dung trên TikTok có nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến các em học sinh.
Những ngày này, chị Phương Hà, khu phố 7, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) vô cùng lo lắng vì cậu con trai 5 tuổi của chị liên tục có những hành động bất ổn. Theo đó, cháu hay lấy các vật dụng sắc nhọn như dao, mảnh vỡ, chỉ vào bên thái dương và thách thức: “Chỗ này nhiều máu này. Đâm đi!” “Tôi thật sự rất hoang mang khi nhìn thấy cháu liên tục hành động như vậy. Hỏi ra mới biết là cháu học theo một trend gì đó trên TikTok.” Chị Hà cho biết thêm “Đúng là thời gian gần đây cháu thường xuyên mượn điện thoại của người lớn để xem các video TikTok. Tôi rất sợ điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của con, nhất là một đứa trẻ non nớt đang bắt đầu hình thành tính cách, ý thức.”
Cũng giống như chị Hà, chị Hoàng Thị Loan, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cũng đang đau đầu vì nỗi lo TikTok có thể đầu độc tương lai con trẻ. Theo đó, để thuận tiện cho con trong việc liên lạc và học tập, tìm kiếm thông tin, anh chị có trang bị cho cậu con trai học lớp 8 một chiếc điện thoại thông minh. Thời gian gần đây, nhận thấy việc học hành của con sa sút, kém tập trung, chị Hà bèn kiểm tra thời gian sử dụng các ứng dụng trên điện thoại con thì thấy việc sử dụng TikTok chiếm nhiều thời gian nhất. Khi truy cập vào tài khoản TikTok của con, chị bất ngờ khi thấy hàng loạt các video có nội dung nhảm nhí, dung tục hiện ra. Hết video này đến video khác khiến chị như lạc vào “ma trận” của những thông tin như vậy.
Chị lo lắng: “Hầu hết là các video ăn mặc hở hang để bán hàng, câu view thậm chí bán đồ chơi người lớn. Có những bạn nữ độ tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường còn làm các video cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu nhảy khêu gợi, thậm chí thực hiện thử thách cởi đồ rất phản cảm.” Loay hoay, lo lắng chị Loan đã phải lên mạng cầu cứu cộng đồng cha mẹ để xin lời khuyên. “Người thì bảo tôi cấm việc sử dụng điện thoại của con. Người thì bảo xóa TikTok hoặc ra quy định rõ ràng, khắt khe về thời gian sử dụng. Có lẽ tôi cần tìm một cách phù hợp với con. Việc học hành sa sút đã đành, nhưng điều tôi lo lắng hơn là nếu cứ dung nạp những video như này thì tâm lý, đạo đức của các con sẽ lệch lạc.”
Lý giải về việc ngày càng nhiều bạn trẻ tiếp cận với ứng dụng này, em Trần Thị Minh Phượng, thị trấn Yên Ninh chia sẻ: “Các bạn trẻ hiện đang ưu tiên các ứng dụng là Facebook, TikTok, Instagram. Nếu bạn nào mà không sử dụng thì bị coi là “phèn”, là “quê”. Nên hầu như bạn nào cũng có ít nhất từ 1 đến 3 tài khoản trên”.
Theo thống kê của tổ chức We Are Social, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, trẻ em rất có thể bị rơi vào “ma trận” của những video không được sàng lọc. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí dễ dàng trở thành một TikToker chính hiệu. Thế nhưng điều đáng nói là không ít những nội dung dung tục, nhảm nhí, không phù hợp với trẻ em xuất hiện nhan nhản trên ứng dụng này.
Chỉ gần gõ các hastag tìm kiếm như #gaixinh, #thuthach, #tinhyeu thì không ít những nội dung như vậy hiện ra. Đó là các video ăn mặc gợi cảm, thiếu vải, khoe các bộ phận trên cơ thể, hoặc là các video nói tục, chửi bậy thậm chí rất nhiều thử thách được các bạn học sinh đưa ra và kêu gọi mọi người thực hiện như thử thách vượt đèn đỏ, thử thách 100 filter (ứng dụng làm đẹp) trong 1 phút, thử thách thả rông, thử thách trộm tiền mà không bị phát hiện…
Mới đây nhất, một nhóm các em học sinh sinh năm 2007 ở huyện Gia Viễn đã gây sốc khi thực hiện thử thách bốc đầu, đua xe trên TikTok. Tất nhiên, ngay sau đó các em đã bị lực lượng công an xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều phụ huynh băn khoăn, trước những nội dung xấu độc như vậy thì hậu quả thực sự là khôn lường, nhất là ở độ tuổi các em còn quá nhỏ chưa phân biệt được các thông tin thật – giả, nhận thức và hành vi chưa đầy đủ. Các con có thể trở thành những đứa trẻ sống ảo, coi thường pháp luật và các giá trị văn hóa đạo đức.
Anh Phạm Công Hoan, một phụ huynh học sinh cho biết: “Tôi đã từng là “nhân chứng sống” cho việc nghiện TikTok, có những đêm tôi thức đến 2 giờ sáng chỉ để lướt TikTok. Sau đó nhận thấy các thông tin mình xem vô bổ, mất thời gian nên tôi đã xóa hẳn ứng dụng này”.
Tại Việt Nam mặc dù TikTok cũng đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cộng đồng và cũng ghi rõ: “Dịch vụ chỉ dành cho người từ đủ 13 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, không cần phải chứng minh đủ 13 tuổi, người dùng vẫn có thể xem được các video đăng công khai trên nền tảng này. Và thực tế TikTok chưa sàng lọc kỹ nội dung khi đang vô tình lan truyền những xu hướng nguy hiểm cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi. Không thể phủ nhận những lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh, thế nhưng đối với trẻ em thì cần phải xem xét đâu là điều cần thiết cho các em giai đoạn này.
Thiết nghĩ, cha mẹ cũng nên cân nhắc việc có cho con sử dụng ứng dụng này hay không? Và nếu có thì cần phải cho trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp. Đây là việc làm không hề dễ dàng đối với cha mẹ và cả TikTok, nhưng chúng ta phải làm ngay để tránh những những hệ lụy có thể xảy ra với các em.
Bài, ảnh: Minh Hải
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/noi-lo-tiktok-dau-doc-con-tre/d20230407083020752.htm