Đừng đẩy con đến vực thẳm

Thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc học sinh hành hung thầy, cô giáo khiến dư luận phẫn nộ. Thế nhưng sau khi mọi bức xúc lắng xuống thì ít ai còn để ý đằng sau đó là nhiều câu chuyện về giáo dục cần suy ngẫm.
Cha mẹ hãy trao cho con đường về thay vì đẩy con đến vực thẳm. (Ảnh minh họa).

Cha mẹ hãy trao cho con đường về thay vì đẩy con đến vực thẳm. (Ảnh minh họa).

Đằng sau một cái tát

Ngày 17/2 vừa qua, trên mạng bỗng lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam sinh tát cô giáo giữa lớp. Trong đoạn clip, nam sinh ngồi cuối lớp lớn tiếng đòi cô giáo trả lại điện thoại kèm tiếng chửi thề. Mặc dù bạn bè trong lớp ngăn cản, nam sinh vẫn bước đến bục giảng, cầm lấy điện thoại đang để trên bàn, quay sang tát cô giáo rồi bỏ về chỗ ngồi.

Không ít người đã bày tỏ sự phẫn nộ về tính nghiêm trọng của sự việc và nỗi lo về sự xuống cấp, băng hoại của đạo đức. Cô Nguyễn Thị Kim Liên, 37 tuổi, giáo viên THCS của một ngôi trường trên địa bàn quận 9, TP HCM chia sẻ: “Khi xem clip, tôi run lên vì giận và buồn. Giận vì hành xử của em học sinh đã đi quá xa so với giới hạn đạo đức và buồn cho đồng nghiệp, cho nghề giáo. Thực sự, những trường hợp như thế này, nếu không nghiêm trị thì sẽ có những trường hợp sau. Và một khi chuyện hành hung giáo viên trên ghế nhà trường không còn là chuyện cá biệt thì hậu quả sẽ khôn lường”.

Đồng tình với cô Kim Liên, nhiều phụ huynh cho rằng với hành vi của học sinh nói trên, cần nghiêm trị, thậm chí không chỉ ở phạm vi học đường mà cần đến sự điều chỉnh của pháp luật. Một bộ phận dư luận phẫn nộ còn đòi đuổi học, loại bỏ học sinh nói trên khỏi môi trường giáo dục. Trên mạng xã hội, học sinh nói trên bị “ném đá” với không ít lời lẽ kích động, chửi bới. Có những nhóm người còn đòi truy tìm danh tính của nam sinh để “trừng trị”, “đòi lại công bằng cho cô giáo”.

Thực chất, clip đã xuất hiện từ trước đó nhiều tháng và cũng đã được xử lý xong. Gia đình em học sinh cho biết, em vốn có dấu hiệu trầm cảm, khi ở nhà cũng thường có cảm xúc thất thường, khó kiểm soát được hành vi. Sau khi xảy ra sự việc, em học sinh đã chịu hình thức kỉ luật buộc thôi học. Năm học vừa qua, trước sự thành khẩn của em và sự chân thành của gia đình, nhà trường đã đồng ý nhận em trở về học tại trường.

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà sau một thời gian dài, clip lại xuất hiện trên mạng. Gia đình em cho biết, đối mặt với những luồng dư luận phẫn nộ, những lời chửi rủa, em rơi vào trạng thái lo âu, khủng hoảng về tinh thần.

Cho các em đường trở về

Là một người mẹ có con trầm cảm, từng xuất hiện trong clip học sinh cấp 3 đánh đập bạn cùng lớp trên mạng xã hội, chị Lê Thị Thuận, chủ một sạp rau củ ở chợ Gò Vấp, TP HCM chia sẻ: “Khi clip xuất hiện trên mạng xã hội, cả gia đình tôi cũng rơi vào khủng hoảng. Thực chất, con tôi bị trầm cảm xuất phát từ thần kinh yếu, căng thẳng do học hành. Cháu bình thường hiền lành nhưng thường có những cơn kích động bất ngờ.

Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc, cháu đã hối hận, xin lỗi bạn, cũng đã nhận kỉ luật từ nhà trường, gia đình tôi đã xin lỗi em học sinh bị hành hung. Sự việc đã giải quyết xong, nhưng với cư dân mạng thì nó chưa chấm dứt. Clip càng được chia sẻ, con tôi càng bị chửi bới nặng lời, bị khủng bố tin nhắn, nhận những cuộc gọi chửi bới. Áp lực tâm lý khiến cháu càng trầm cảm nặng hơn. Hiện cháu không quay trở lại trường học nữa, ngày ngày theo tôi phụ bán rau ở chợ”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, những hành vi bạo lực với bạn bè, hỗn hào với thầy cô, cha mẹ có thể xuất phát từ sự cá biệt, từ sự dung dưỡng cái tôi quá lớn, từ những vết rạn về mặt nhân cách của học sinh hay từ những bệnh lý tâm lý tiềm ẩn. Sâu hơn là xuất phát từ sự thiếu uốn nắn, giáo dục sát sao từ gia đình, kể cả những phương pháp giáo dục chưa đúng của thầy cô.

“Vì vậy, cần có sự xem xét kĩ lưỡng nguyên nhân của hành vi. Sau đó, điều quan trọng là cân nhắc hình thức uốn nắn, điều chỉnh. Trẻ em vị thành niên đang ở độ tuổi “nổi loạn”, nhiều hành xử bộc phát, ngông cuồng, đi quá giới hạn. Nhưng nếu lấy các chuẩn mực của người lớn để “trị” các em thì sẽ là không ổn.

Làm như thế, vô hình trung sẽ đẩy các em đi xa hơn, khiến các em không có cơ hội sửa chữa, thậm chí, có thể làm hỏng luôn tương lai của một con người. Về mặt nhà trường, theo tôi hoàn toàn không nên sử dụng những phương pháp mang tính kỉ luật nặng nề, như đuổi học. Bởi đó là “lấy cái sai sửa cái sai”, đẩy các em ra ngoài xã hội, tạo vết thương tâm lý quá lớn cho các em”.

Cũng theo bà Lê Thị Minh Nga, về phía gia đình, lúc này không nên coi các em là “tội đồ”, trừng phạt nghiêm khắc, mà nên theo sát với con trong quá trình “trị bệnh” đối với các em bị trầm cảm, hoặc uốn nắn tâm lý, đối với các em cá biệt. Gia đình cũng cần phải đồng hành với con chống chọi lại búa rìu dư luận. Cố gắng hạn chế tối đa cho con tiếp xúc những lời chửi bới, ác ý trên mạng xã hội. Giúp con hiểu rằng, sai lầm của con có thể sửa chữa với tinh thần phục thiện và nỗ lực thay đổi bản thân.

“Lúc này, gia đình chính là dây neo cuối cùng của con, con bị đẩy vào vực thẳm hay có thể quay đầu, vượt qua sai lầm là ở sự khéo léo, kiên nhẫn và phương pháp đúng đắn của cha mẹ”, bà Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.

 

Theo Ngọc Mai (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-day-con-den-vuc-tham-d149536.html