Nhũng ngày này, thế giới đang hân hoan chào đón năm mới 2023. Tâm trạng lo âu vẫn còn đó nhưng sự lạc quan và kỳ vọng đã chiếm ưu thế.
Những thách thức đáng kể
Năm 2022, thế giới đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, không chỉ là dịch bệnh mà còn là khủng hoảng về kinh tế, bao gồm cả đứt gãy các chuỗi cung ứng do cạnh tranh nước lớn, do các cuộc xung đột, do dịch bệnh, từ đó dẫn đến lạm phát, khủng hoảng của giá dầu, giá lương thực…
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, trong năm 2023, bức tranh thế giới vẫn tiếp tục có nhiều thách thức đa chiều, thậm chí nhiều thách thức cùng đến một lúc, cả trong bức tranh địa chính trị cũng như bức tranh địa kinh tế thế giới.
Thứ nhất, dù bước đầu đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 nhưng những hệ lụy của dịch bệnh sau gần ba năm vẫn đặt các nước trước những khó khăn kinh tế rất lớn.
Thêm vào đó là những khó khăn địa chính trị trên thế giới, dẫn đến lạm phát tiếp diễn, các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa thể hàn gắn được ngay, vấn đề môi trường, về giá dầu, thiếu hụt lương thực… “Đây vẫn là thách thức lớn trong năm 2023”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ – Trung Quốc – Nga vẫn sẽ mang lại nhiều thách thức. Cọ xát và cạnh tranh giữa các nước lớn cũng sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng bao gồm cả về kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ.
Thứ ba, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh trở lại, nước biển dâng, thiên tai… tiếp tục đòi hỏi các quốc gia phải ứng phó một cách cấp bách hơn và không một quốc gia nào có thể tự mình làm được.
Ngoài ra, cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Chính cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng số vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho các nước. Các nước nếu chậm về công nghệ nói chung có thể tụt hậu năm đến mười năm, nhưng nếu chậm bắt kịp với đà phát triển của của công nghệ số thì có thể sẽ bị tụt hậu đến hàng thập kỷ. Những điều này đặt ra yêu cầu về phục hồi và phát triển rất lớn đối với các nước, trong đó có Việt Nam.
Lạc quan chiếm ưu thế
Tuy nhiên, trong bức tranh thách thức nhiều chiều và phức tạp như vậy, các nhà phân tích cho rằng, vẫn có nhiều cơ sở để thêm lạc quan về tình hình năm 2023. Bởi, thế giới đã bước đầu kiểm soát được đại dịch và nhịp sống ở đa số các nước trên thế giới đã trở lại bình thường, đẩy mạnh phục hồi, nối lại các chuỗi cung cung ứng. Các hoạt động đầu tư và giao lưu thương mại
cũng đã dần trở về mức như trước khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó, thế giới cũng đã có được những bài học thực tế rất quý báu để ứng phó dịch bệnh trong tương lai như các biện pháp phòng ngừa, phát triển vaccine, biện pháp chính sách đối phó cụ thể.
Quan hệ giữa một số nước lớn dù vẫn chưa được cải thiện nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của các bên. Thế giới biến động nhưng không bị đảo lộn, xáo trộn cơ bản. Đến nay, các nước cũng đã dần thích ứng với bối cảnh tình hình chính trị an ninh mới trên thế giới và tự tìm ra được đối sách thích hợp để hạn chế tối đa tổn hại cũng như tác động tiêu cực bởi tình hình Ukraine. Các nước đã tự định vị lại trong thế giới hiện đại, tranh thủ và liên kết đối tác để có lợi nhất. Đây là tiền đề quan trọng để thế giới tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trên khía cạnh kinh tế, nhiều dự báo gần đây cho rằng, trong năm 2023, kinh tế thế giới và các nơi tuy có giảm nhưng gần như không có nguy cơ bị suy thoái và sẽ dần hồi phục nhịp độ tăng trưởng. Tờ Wall Street Journal dẫn kết quả một cuộc khảo sát doanh nghiệp mới đây cho hay, tại Mỹ và một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sản lượng kinh tế có giảm nhưng một số chỉ số khác vẫn tiếp tục cho thấy sự phục hồi. Các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm so với năm 2022 cũng như so với với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập kỷ trước đại dịch, nhưng vẫn đủ để đảm bảo sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ.
Trong bối cảnh địa chiến lược và cạnh tranh nước lớn rất phức tạp hiện nay, việc Việt Namvận dụng một cách sáng tạo, phù hợp đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập chắc chắn sẽ đạt được thành công. Đối ngoại sẽ hỗ trợ cho phát triển đất nước với chất lượng cao hơn, với tầng nấc cao hơn trong hội nhập quốc tế, tranh thủ các chuỗi cung ứng quốc tế…để đạt được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.
Một điểm rất đáng chú ý khác là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới đến nay dù vẫn còn khó khăn nhưng đã đạt được kết quả rất quan trọng ở hội nghị khí hậu COP27 ở Ai Cập hồi cuối tháng 11/2022. Đó là thỏa thuận thành lập quỹ tài chính đặc biệt mang tên“tổn thất và
thiệt hại” để bù đắp phần nào những hậu quả mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu. Theo các thông tin được công bố, tại hội nghị COP28, các nước sẽ thảo luận để đưa ra những khuyến nghị về việc những quốc gia nên đóng góp vào quỹ. Một“ủy ban chuyển tiếp” sẽ được thành lập phục vụ nỗ lực này.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, thế giới ngày nay không “gói cơ hội” tách biệt ra khỏi gói thách thức phức tạp đan xen. Do đó, với Việt Nam, chúng ta vừa có chính sách phòng ngừa nguy cơ nhưng cũng phải tranh thủ những cơ hội tốt nhất cho phát triển đất nước .
Minh Ngọc (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/the-gioi-2023-bot-lo-au-them-lac-quan-d189358.html