Theo chồng về quê chịu cảnh làm vợ lẽ, bà Xuân phải sống trong túp lều quây bạt không điện, không nước sạch suốt 24 năm. Mới đây, bà được các nhà từ thiện cùng chính quyền địa phương dựng cho căn nhà tạm sống nhờ trên đất chùa.
Cuộc sống cơ cực của người vợ lẽ
Tìm đến thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ cần hỏi đến bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1955 hay bà Hành gọi theo tên chồng) thì ai ai cũng biết đến hoàn cảnh cơ cực của gia đình bà.
Bà Xuân mới được chính quyền địa phương và các mạnh thường quân từ thiện cho căn nhà ở tạm trên đất chùa.
Bà Xuân quê ở xã Tam Hồng (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), đến năm 1992 bà bén duyên với ông Nguyễn Văn Hành và chấp nhận về làm vợ lẽ sinh sống cùng ông ở thị trấn Tứ Trưng. Tưởng rằng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc nhưng sự hiện diện của bà không được các con của ông Hành chấp nhận.
Đến năm 1993, vợ chồng bà phải ra một mảnh ruộng nhỏ xíu được chính quyền cấp, 2 người gom nhặt vài cái cây, mấy tấm bạt quây lại thành cái lều lụp xụp sinh sống cùng nhau. Rau cháo qua ngày, đến năm 1994 vợ chồng bà Xuân sinh được một người con gái là chị Nguyễn Thị Hoa, 2 vợ chồng bà làm đủ mọi nghề nuôi con đến năm 2004 chồng bà Xuân đột ngột qua đời để lại bà và đứa con thơ.
Nơi vợ chồng bà Xuân dựng lều bạt sinh sống cùng chồng suốt 24 năm không điện nước.
Quanh năm chăm bẵm nuôi con, đến khi Hoa học hết lớp 12 thì mang thai. Tưởng rằng Hoa sẽ có một bến bờ hạnh phúc nhưng trớ trêu thay cha đứa bé không thừa nhận cái thai, Hoa cũng chẳng có công việc ổn định, đầu óc cũng không được nhanh nhẹn như những người bình thường khác. Kể từ đó 2 mẹ con nương tựa vào nhau trong túp lều dột nát lụp xụp, mọi kinh phí sinh hoạt đều dựa vào bà Xuân bươn chải đủ nghề.
Bà Xuân rớm nước mắt khi nghĩ đến cuộc đời mình.
Nắm được hoàn cảnh khó khăn của bà, đến cuối năm 2017 các nhà từ thiện đã phối hợp xin ý kiến chính quyền địa phương tài trợ xây dựng cho bà Xuân một ngôi nhà nằm trong khuôn viên đất của ngôi chùa. Khi nào cần xây chùa bà Xuân sẽ phải trả lại mảnh đất và ngôi nhà nhỏ để đi nơi khác nhưng đi đâu thì bà cũng không biết nữa.
“Giờ được từ thiện cái nhà ở nhờ trên đất chùa, khi nào thu hồi tôi lại dựng lều ở”
Từ khi Hoa sinh con, bà Xuân lại càng thêm vất vả hơn. Bà làm đủ mọi việc kiếm thêm thu nhập nuôi con, nuôi cháu. Hoa dù đã lớn nhưng không được nhanh nhẹn, Hoa cũng chẳng nói chuyện hay hoà đồng với ai.
Căn nhà tuềnh toàng của bà Xuân.
Ngoài 1 con chó và 4 con gà, bà Xuân không còn tài sản nào giá trị.
“Nó cứ thế, chẳng phải bị tật hay gì mà cứ đù đờ chậm chạp. Xưa tôi cũng cố cho nó đi học mong nó đỡ khổ mà giờ nó còn chán hơn tôi. Quanh năm nó chẳng nói chuyện với ai, gặp người không biết chào. Trước cũng chẳng đi làm gì tôi bảo mãi rồi nhờ người ta giúp thì giờ nó cũng đi làm công ty nhưng lương cũng chẳng nổi 3 triệu”, bà Xuân nói.
Đứa cháu nội của bà Xuân năm nay lên 3 tuổi nhưng cũng chưa được đi học: “Dù thế nào thì tôi vẫn cố cho nó đi học sau này nó đỡ khổ nhưng đứa cháu cũng không được như người ta, cứ đến lớp lại khóc mãi không thôi. Khóc nhiều quá thì cô giáo trả về không nhận nữa nên đành phải đợi nó lớn hơn mới cho đi học”, bà Xuân ngán ngẩm.
Căn bếp của gia đình bà Xuân.
Ngoài căn nhà nhỏ mới được hỗ trợ xây nhờ trên đất chùa, tài sản của bà Xuân còn 4 con gà, 1 con chó vậy là hết: “Đứa con gái lớn thì bảo không được, nó thích thì làm không thích thì thôi cứ tha thẩn cả ngày không nói không rằng. Ngoài con chó ra tôi mới mua được 4 con gà, nuôi để sau nhỡ cháu nó ốm đau hay đi học thì bán lấy tiền cho nó đi học.
Giờ có cái nhà này che nắng che mưa thì cũng đỡ rồi, khi nào chính quyền cần đất thì tôi lại đi tìm chỗ dựng cái lều ở tạm, phận về làm vợ lẽ tôi cũng chẳng có mảnh đất nào”, bà Xuân nghẹn ngào.
Tuổi đã cao, bà Xuân chỉ lo cho tương lai của đứa cháu nội.
Tuổi cao sức yếu, bà Xuân chỉ còn ở nhà trông cháu, mọi thu nhập chỉ còn dựa vào mấy đồng lương ít ỏi của chị Hoa: “Tuổi này rồi tôi không còn mong ước gì nữa cả, giờ sức khoẻ yếu cũng nhiều bệnh nên không đi làm gì được. Giờ mấy bà cháu có rau ăn rau, có cháo ăn cháo sinh sống qua ngày. Chỉ thương đứa cháu nội, lo khi tôi “khuất” đi không biết nó sẽ ra sao nữa”.
Chia sẻ với chúng tôi ông Đỗ Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Trưng cho biết, bà Nguyễn Thị Xuân là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Mới đây chính quyền đã phối hợp với các mạnh thường quân dựng cho gia đình bà căn nhà tạm trên đất chùa.
Khi nào chính quyền cần đất, bà Xuân và con cháu sẽ lại thành người vô gia cư.
“Trước đây bà cùng chồng sống trong túp lều dột nát, chính quyền địa phương cũng nắm được hoàn cảnh cơ cực của bà nên đã kêu gọi các mạnh thường quân xây dựng cho bà căn nhà tạm trên đất chùa. Trước mắt thì chưa có dự án nào để xây chùa nhưng khi nào cần thì bà sẽ phải đi nơi khác trả lại mặt bằng”, vị lãnh đạo thị trấn Tứ Trưng thông tin.
Cũng theo ông Thức, hiện nay hoàn cảnh của bà Xuân cũng đã đỡ hơn nhưng vẫn là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn. Con gái bà Xuân dù đã lớn nhưng không được nhanh nhẹn, mọi việc đều phải nhờ bà Xuân gánh vác.