Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), ngày 11-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia HTX nông nghiệp. Trong thư, Bác viết: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX… HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”.
Khu vực kinh tế tập thể được quan tâm hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Sau đó, hàng loạt các cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đầu là tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành, rồi đến các HTX được phát triển mạnh mẽ vào những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển HTX Việt Nam. Sau 19 năm, vào ngày 11-4-1964, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến, yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các HTX nông nghiệp phát triển. Với ý nghĩa đánh dấu 2 sự kiện quan trọng này, Liên minh HTX Việt Nam thống nhất trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11-4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam.
Trải qua 77 năm kể từ dấu mốc năm 1946, trong mỗi giai đoạn lịch sử của Cách mạng, khu vực kinh tế tập thể, HTX có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, kể từ khi Luật HTX đầu tiên ra đời (tháng 3-1996) và tiếp đó là Luật HTX 2003, Luật HTX năm 2012; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 20-NQ/TWngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới), nhiều kết luận, chỉ thị về kinh tế tập thể, HTX,… đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực HTX phát triển; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Bắc Ninh, nhiều chương trình, kế hoạch được ban hành để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể như Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”; Kế hoạch 493/KH-UBND năm 2022 về củng cố phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, Chương trình hành động số 42 năm 2022 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới… Nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 696 HTX, trong đó có 554 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 79.6%; 116 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, chiếm 16.6% và 26 quỹ tín dụng nhân dân chiếm 3.7% vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị, vừa tạo việc làm và thu nhập cho thành viên.
Các HTX chuyên ngành nông nghiệp tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư theo hướng thâm canh, chuyên canh cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều HTX chuyên ngành có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm; đem lại thu nhập bình quân cho lao động từ 4,8 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như HTX dịch vụ tổng hợp Đông Bình (Gia Bình); HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Mão Điền, Thuận Thành), HTX chăn nuôi hỗn hợp Quang Tiến (Đại Đồng Thành, Thuận Thành)… Các HTX phi nông nghiệp như: HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Long (Quế Võ); HTX may Phú Hòa (Lương Tài); Xí nghiệp vận tải Minh Liên, Xí nghiệp cổ phần Việt Long (TP Bắc Ninh)… có doanh thu hàng chục tỷ/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 1.100 lao động. Số lượng HTX môi trường tăng lên, quy mô lớn hơn, giải quyết phần nào những bức xúc về ô nhiễm môi trường. Rõ ràng, HTX đang trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới theo hướng tích cực.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa với những cơ hội và thách thức mới, các HTX cần tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và trở thành bộ phận nòng cốt của tái cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở bám sát tình hình, Liên minh HTX tỉnh cần làm tốt công tác tham mưu về cơ chế chính sách ưu đãi cho các HTX; tích cực tập hợp thành viên tham gia Liên minh HTX; xây dựng mô hình HTX kiểu mới điển hình; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ HTX; tổ chức đối thoại để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát huy vai trò cầu nối của HTX giữa kinh tế hộ với các doanh nghiệp và thị trường; tuyên truyền quảng bá các mô hình, sản phẩm tốt, các cách làm để nhân diện rộng;… Từ đó, viết tiếp những trang vàng son của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường và trong mối quan hệ với các chủ thể kinh tế khác.