Sau khi thực hiện xong lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ cần tiến hành một số việc đặc biệt quan trọng để đón tài lộc, may mắn trong năm mới.
Hôm nay (23 tháng Chạp), các gia đình sắm sửa lễ vật, hương hoa để làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, báo cáo với Ngọc hoàng mọi việc trong suốt 1 năm qua của gia chủ. Sau khi tiến hành làm lễ, hóa vàng, thả cá chép, thì công đoạn tiếp theo cũng quan trọng không kém để giúp gia chủ “rước lộc về nhà”, đón may mắn trong năm mới.
Đại đức Thích Bản Tuệ (chùa An Viên, Hải Phòng) từng chia sẻ với An ninh Thủ đô, sau khi cúng ông Công ông Táo thì các gia đình nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là bếp, để “tránh trướng khí xâm nhập vào, nghênh đón Táo ông Táo bà trở về gia đình”. Cùng với đó, gia chủ cần dọn bàn thờ sạch sẽ, cắt tỉa chân hương.
Sau mâm cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ thắp thêm một tuần hương, vái lạy thần linh, tổ tiên, ông bà và xin được dọn dẹp bàn thờ. Khi lễ vật cúng được hạ, việc cắt tỉa chân hương được tiến hành nhẹ nhàng để tránh va đập.
Bát hương cũ cần để lại từ 3 -5 chân nhang cũ, còn tro đốt chân nhang được hóa ra sông, hồ… Bát hương sau đó được đặt cẩn trọng trên bàn thơ đã dọn dẹp sạch sẽ.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khi chia sẻ với VOV cũng cho rằng, sau lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ sẽ dọn dẹp bàn thờ, bày biện của ngon vật lạ lên và trang trí nhà cửa đón năm mới.
Theo PGS Trung, việc dọn dẹp bàn thờ rất quan trọng vì mang đến luồng sinh khí mới cho các gia đình. Công việc này buộc phải do gia chủ làm, thường là người đàn ông trụ cột của gia đình đảm nhiệm.
Cùng với dọn bàn thờ, các gia đình nên tỉa bớt chân hương, nếu tro đầy có thể gạt bớt đi.
“Tro trong bát hương có thể thay nhưng phần cốt (thường là đá quý, các kim loại quý như ngọc, thạch anh…) nên giữ nguyên trạng. Bởi dân gian quan niệm, cốt trong bát hương là vật rất linh liêng nên không nên bỏ đi, trừ trường hợp đặc biệt mới phải thay.
Bởi thế, phần cốt trong bát hương thường luôn được giữ nguyên trạng từ đời này sang đời khác”, nguồn trên dẫn lời PGS Phạm Ngọc Trung.
Theo quan niệm dân gian, người cúng ông Công ông Táo tốt nhất nên là chủ nhà. Nếu có lý do mà chủ nhà không thể thực hiện nghi lễ thì bất kỳ ai có quan hệ máu mủ, sinh sống tại ngôi nhà đó có thể làm thay. Không nên nhờ bạn bè hay hàng xóm cúng hộ.
Khi hành lễ, gia chủ thắp nhang số lẻ, vái 3 vái, nếu không biết khấn có thể sử dụng bài khấn theo mẫu. Khi hương tàn được 2/3 thì có thể xin phép hạ lễ hóa vàng, hóa vàng xong mang cá chép cúng đi phóng sinh.
Ngoài những lễ vật cần chuẩn bị, bài văn khấn của gia chủ cũng thể hiện lòng thành kính. Có nhiều bài khấn ông Công ông Táo được lưu truyền trong dân gian, dưới đây là một bài cúng theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
(Tổng hợp)