Từ những diễn biến gần đây ở Biển Đông, thấy gì về chiến lược “tằm ăn lá dâu” của TQ?

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Ảnh: The Guardian.

Thông tin về tình hình nóng lên ở đảo Thị Tứ xuất hiện ngay sau chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

LTS: Vừa qua, đã xuất hiện một số thông tin trái ngược nhau về tình hình đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để có thêm một góc nhìn về tình hình khu vực này, chúng tôi xin được giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Lục Minh Tuấn – Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh.


Thông tin trái ngược vềđảo Thị Tứ

Vài ngày gần đây, một số trang truyền thông quốc tế (đầu tiên là truyền thông Úc) truyền tải thông tin cho rằng Trung Quốc đã “vây” đảo Thị Tứ, cụ thể là dân quân biển của Trung Quốc đã hiện diện tại các bãi cát sát cạnh Thị Tứ và ngăn cản không cho ngư dân các nước khác không được đánh bắt tại cụm bãi cạn này. 

Sau đó, thông tin này bị một số chỉ huy quân đội Philippine phủ nhận. Thời điểm này phía Philippines đang tiến hành sửa chữa và nâng cấp (trái phép) các cơ sở ở đây nên rất quan tâm đến tình hình Thị Tứ. Cần khẳng định rằng, việc đồn trú hiện nay của Philippines tại Thị Tứ là trái phép (Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam). 

Sự xuất hiện thông tin về tình hình nóng lên tại Thị Tứ vào thời điểm này thật ra rất có lợi cho Philippines vì đã giúp nước này thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng khu vực và quốc tế đến các diễn biến quanh đảo, trước một diễn biến căng thẳng là Trung Quốc đã tập trung một lực lượng dân quân biển rất lớn ở khu vực đá Subi từ đầu tháng 2/2019 và vẫn thường có hoạt động quấy rối ở các bãi cát cạnh Thị Tứ.

Cũng có quan điểm cho rằng thông tin Trung Quốc “vây” Thị Tứ được tung ra để “dằn mặt” phát ngôn trong chuyến thăm ngày 1/3/2019 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, theo đó, Mỹ đảm bảo việc “bảo hộ” cho Philippines nếu bị tấn công trên Biển Đông.

Nhìn xa hơn, thông tin này đã giúp tô đậm “mối đe dọa Trung Quốc” và tình thế “bên miệng hố chiến tranh” mà Philippines đang phải chịu đựng, từ đó tạo dư luận ủng hộ cho sự hiện diện tăng cường các khí tài quân sự của Mỹ và “bật đèn xanh” cho tiến trình đàm phán lại Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ chung Mỹ – Philippines.

Động thái thực tế của Trung Quốc

Theo thông tin từ chính phủ Philippines, các sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang xua các tàu cá đến đánh bắt và neo đậu rải rác ở những vùng biển sát các bãi cát trong cụm Thị Tứ. Điều đáng nói là có một lượng tàu cá đông đáng kể (gần 100 tàu) đang tập trung tại các cơ sở vừa được kiên cố hoá trái phép ở đá Subi, xen kẽ với các tàu chiến và tàu chấp pháp của Trung Quốc, nghĩa là đầy đủ ba lực lượng của “đội quân phức hợp” trên biển của họ.

Việc hoàn thành quân sự hoá đá Subi, cùng với sự hiện diện của “lực lượng phức hợp” cho thấy Trung Quốc đang có một kế hoạch quyết đoán cho việc phong toả các bãi cát quanh Thị Tứ – vốn là các thực thể chưa có bên nào đóng giữ, và cũng là mục tiêu trọng tâm cho các hoạt động bủa vây của Trung Quốc gần đây.

Việc phong toả các bãi cát chưa có quân đồn trú vừa là cách để Trung Quốc hạn chế rủi ro nổ ra xung đột, vừa nằm trong “vùng xám” của luật pháp quốc tế khi các bên có thể diễn dịch theo nhiều cách khác nhau (như Trung Quốc vẫn bao biện rằng các bãi cát này nằm trong phạm vi 12 hải lý của Subi, bất chấp việc Subi đã bị Toà phân loại là đảo chìm). Do đó, mặc dù chưa có động thái rõ ràng, nhưng tình hình cho thấy phía Trung Quốc có thể sẽ có thêm các bước leo thang khác trong khu vực.

Vai trò của đảo Thị Tứ 

Khi phân tích chi tiết, có thể thấy thông tin này đã làm nổi bật vai trò của cụm đảo Thị Tứ (bao gồm đảo Thị Tứ và các bãi cạn xung quanh như đá Cái Vung, đá Hoài Ân – Sandy Cay, đá Tri Lễ, đá Trâm Đức, đá Vĩnh Hảo) trong chiến dịch “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc đối với các mục tiêu mà Philippines đang kiểm soát thực tế trên Biển Đông.

Từ những diễn biến gần đây ở Biển Đông, thấy gì về chiến lược tằm ăn lá dâu của TQ? - Ảnh 1.

Cụm đảo Thị Tứ.

Chiến dịch này được Trung Quốc tiến hành từ những vụ đụng độ đầu tiên tại bãi Cỏ Rong (Reed Bank) năm 2011, cho đến việc chiếm giữ được bãi cạn Scarborough (2012) và từng bước mở rộng phong toả trên biển đối với bãi Cỏ Mây, bãi Hải Sâm và cụm bãi cạn Luconia trong các năm tiếp theo, song song với việc vẫn duy trì bủa vây ở bãi Cỏ Rong. 

Các động thái này của Trung Quốc đã phải nhận lấy một thất bại pháp lý lớn sau khi Toà Trọng tài Biển Đông ra phán quyết ngày 12/7/2016.

Tuy nhiên, nhận thấy phía Philippines vừa có một Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương “vị kinh tế” và nới lỏng các tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao bủa vây” và đạt được quyền khai thác chung dầu khí ở bãi Cỏ Rong cùng với thái độ “mắt nhắm mắt mở” của chính phủ Duterte tại các ngư trường truyền thống quanh bãi Scarborough.

Do đó, cảm thấy đã tạm “bình ổn” được hai khu vực này, Trung Quốc bắt đầu “xâm lấn” sang cụm Thị Tứ để hoàn thành “tam giác kết nối” từ Scarborough – bãi Cỏ Rong – cụm Thị Tứ, kết hợp với 7 thực thể chiếm đóng trái phép trên Trường Sa tạo nên chuỗi cứ điểm liên hoàn của Trung Quốc với gần một nửa Biển Đông. 

Thị Tứ còn là đảo lớn thứ 2 ở Trường Sa (sau đảo Ba Bình), xung quanh còn có đá Hoài Ân (Sandy Cay) được Toà Trọng tài Biển Đông xác định là đảo nổi đều là các thực thể có thể mở vùng lãnh hải 12 hải lý (trong khi Subi lại là đảo chìm), nên bên nào kiểm soát được Sandy Cay sẽ quản lý được 2/3 vùng biển trong cụm Thị Tứ.

Chiến dịch “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc

Trung Quốc có thể đang tính toán nhiều phương án, nhưng với quan điểm của một người nghiên cứu về Biển Đông, tôi nghĩ ngoài định hướng về việc tạo ra một “tam giác kết nối” giữa Scarborough – Cỏ Rong – cụm Thị Tứ để thuận lợi trong việc gây ảnh hưởng và gia tăng hiện diện tại các ngư trường lớn (ở khu vực quanh Scarborough), giành quyền khai thác chung dầu khí (ở bãi Cỏ Rong) và mở rộng các cầu nối tiếp vận (ở cụm Thị Tứ), Trung Quốc cũng sẽ từng bước xây dựng trái phép các bãi cát này thành các đảo nhân tạo, sau đó tự diễn dịch lãnh hải 12 hải lý để từng bước dùng “lực lượng phức hợp” tiếp cận đến các bãi cạn lân cận trong quần đảo Trường Sa.

Với từng bước triển khai như vậy, Trung Quốc sẽ hoàn thành chiến lược “tằm ăn lá dâu” của mình với một vùng kiểm soát liên hoàn được kết nối bởi các đảo nhân tạo “tự nhận” có lãnh hải 12 hải lý. Các điểm đảo đã có quân nước khác đồn trú sẽ nằm hẳn trong vùng kiểm soát này của Trung Quốc, và chịu áp lực từ các hoạt động cưỡng ép khai thác chung hoặc chia sẻ lợi ích do Trung Quốc đề xuất. 

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động được tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp”. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hay mở rộng tranh chấp, trái với Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).