Trách nhiệm với phòng, chống bạo lực học đường

Hiệu trưởng một trường trung học mà tôi quen biết có lần phàn nàn rằng học sinh bây giờ hư lắm, đánh chửi nhau tùm lum. Nhiều em đánh nhau ở ngoài đường mà nhà trường vẫn bị gọi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường.

Hình ảnh 2 nữ sinh đánh nhau ngay trước cổng Trường THCS Phùng Giáo huyện Ngọc Lặc xảy ra đợt tháng 12/2022. (Ảnh nguồn: Internet)

Theo cách nói của vị hiệu trưởng, thì sau khi học sinh ra khỏi cổng trường trách nhiệm sẽ không còn thuộc về nhà trường nữa. Còn nếu như phải xử lý trách nhiệm, thì xử lý giáo viên chủ nhiệm, xử lý cán bộ phụ trách đoàn, đội, chứ hiệu trưởng có trực tiếp dạy học sinh đâu.

Nghe trần tình của vị hiệu trưởng, nhiều người chia sẻ với anh, nhưng cũng có người phản đối. Bởi giáo dục phải toàn diện, gồm cả dạy kiến thức văn hóa, đạo đức và thể chất. Nếu như nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức, bồi đắp lý tưởng, trách nhiệm sống cho học sinh; phối hợp thường xuyên cùng gia đình học sinh và các cơ quan chức năng để giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, thì học sinh đâu dám manh động. Bạo lực diễn ra trong học đường hay học sinh vi phạm ngoài xã hội, thì phần trách nhiệm trước tiên và trên hết đều gắn với người thầy, với gia đình, vì đã không giáo dục các em một cách đầy đủ và hiệu quả, không giám sát đến nơi đến chốn, không chủ động phát hiện để ngăn chặn mầm mống bạo lực.

Để công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thì hiệu trưởng phải sâu sát, không chỉ lo đôn đốc việc dạy kiến thức, lo thành tích các môn văn hóa, mà còn phải lo bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Dạy học là trách nhiệm của giáo viên, nhưng quản lý nền nếp, kỷ cương trường học, kiểm tra, giám sát việc dạy học là trách nhiệm của hiệu trưởng. Hiệu trưởng kiên quyết và nêu gương, thì giáo viên sẽ trách nhiệm. Còn nếu hiệu trưởng lơ là, xem nhẹ việc dạy đạo đức, bồi dưỡng kỹ năng sống, thì giáo viên sẽ chểnh mảng, tìm cách dạy thêm các môn văn hóa hơn là chú trọng vào việc quản lý nền nếp lớp học.

Thay cho việc quy trách nhiệm, thì hãy nhận rõ trách nhiệm để hoàn thiện chức trách, nhiệm vụ của hiệu trưởng trước đã. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu thủ trưởng đơn vị giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra bạo lực học đường tại đơn vị mình phụ trách. Với yêu cầu này, thay cho tranh cãi, đổ lỗi, hiệu trưởng phải xác định lại quyền hạn của người đứng đầu để đi đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường quản lý nền nếp trường học. Không thể nói rằng bây giờ học sinh hư lắm, mà phải xem giáo viên dạy học như thế nào mà học sinh lại có thể hư đến như vậy. Còn nếu cứ tiếp tục suy nghĩ quy trách nhiệm cho người trực tiếp, thì bạo lực học đường chưa dễ để chấm dứt.

Hạnh Nhiên

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/giao-duc/trach-nhiem-voi-phong-chong-bao-luc-hoc-duong/183678.htm