Mới đây, bút tích của nhạc sĩ Văn Cao viết tặng bác sĩ chữa trị cho mình cách nay 35 năm đã được tìm thấy. Đặc biệt trong đó, nhạc sĩ Văn Cao thể hiện mong muốn có thể sáng tác cho ngành y tế một bản nhạc.
Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao vừa được tìm thấy nằm trong tập thơ “Lá” của ông do Nhà xuất bản Tác phẩm Mới ấn hành năm 1988, thuộc bộ sưu tập của Trần Đức Anh. Trong cuốn sách đó, có những lời nhắn gửi của vị nhạc sĩ tài danh này đến một vị bác sĩ, đó là “giáo sư Cồ”.
Theo tìm hiểu, được biết giáo sư Cồ, chính là Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Việt Cồ – Nguyên Viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi nay là Bệnh viện Phổi Trung ương, bác sĩ điều trị cho nhạc sĩ Văn Cao (như chúng ta đã biết những ngày cuối đời nhạc sĩ Văn Cao mắc bệnh nặng về phổi).
Trong cuốn sách “Nhạc sĩ Văn Cao – tài năng và nhân cách“, phu nhân nhạc sĩ – bà Nghiêm Thúy Băng có kể lại: “Ông (nhạc sĩ Văn Cao – BT) bị tràn dịch màng phổi. Năm 1988, ông cũng đã từng bị. Chụp phổi, phổi có nước. Bác sĩ phải mổ, rạch bên sườn, luồn ống nhựa vào tận phổi hút nước ra. Năm ấy ông đã phải nằm bất động ba ngày. Bây giờ sau bảy năm, bệnh cũ trở lại, nhưng tuổi đã cao, bác sĩ nói không thể mổ lần nữa”. Có lẽ nhờ những nỗ lực của các y bác sĩ nơi đây, nên nhạc sĩ tài danh của chúng ta đã được “cứu sống” (chữ của Văn Cao – BT).
Trích nguyên văn bút tích của nhạc sĩ Văn Cao:
“Thân tặng giáo sư Cồ những bài thơ
Kỷ niệm thời thanh niên sôi nổi của tôi
Những ngày được điều trị tại B.V.A. (bệnh viện anh – BT) tôi vô cùng biết ơn giáo sư và các bác sĩ + (các cán bộ ngành y) đã cứu sống tôi. Nếu còn sức khỏe tôi sẽ sáng tác cho ngành y ta một bản nhạc.
Văn Cao
4/11/1988”
Những dòng chữ này được viết cuối năm 1988, sau đó gần 7 năm (năm 1995) nhạc sĩ Văn Cao phải nhập viện vì tràn dịch màng phổi rồi qua đời tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
Không rõ nhạc sĩ Văn Cao đã kịp viết bản nhạc nào dành cho ngành y hay chưa, nhưng chỉ qua những dòng bút tích này chúng ta thấy rõ sự trân trọng, niềm yêu quý của nhạc sĩ Văn Cao dành cho ngành y tế nước ta nói chung và cán bộ ngành y nói riêng.
Nhạc sĩ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng.
Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca, quốc ca chính thức của nước ta, đồng thời ông cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai và Trương Chi. Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao chủ yếu viết về nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội,… vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến.
Năm 1996, một năm sau khi mất, nhạc sĩ Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất.
Đức Duy
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/tim-thay-but-tich-nhac-si-van-cao-mong-muon-sang-tac-cho-nganh-y-mot-ban-nhac-d190658.html