Chiếm tỷ lệ nhỏ, lại sinh sống ở vùng còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần trách nhiệm, nêu gương, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là những “hạt nhân” làm “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân trong tuyên truyền, vận động cũng như đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Đồng thời đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Phụ nữ dân tộc Lô Lô giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Đến thôn Cờ Tảng, xã biên giới Xín Cái (Mèo Vạc), chúng tôi vô cùng ấn tượng về chị Dùng Thị Vân, dân tộc Lô Lô, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xín Cái kiêm Bí thư Chi bộ thôn Cờ Tảng. Thôn Cờ Tảng có 32 hộ, 100% là người dân tộc Lô Lô… Là người đứng đầu Chi bộ có 14 đảng viên, nhiều năm qua, chị Vân đã truyền được ngọn lửa nhiệt huyết của mình, hết lòng cống hiến cho Đảng, phục vụ Nhân dân tới các đảng viên. Phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, Chi bộ thôn Cờ Tảng đã cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với địa bàn theo phương châm “Ý Đảng, lòng dân” và được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Đặc biệt là trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia; Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang… Bên cạnh đó, chị cũng dành thời gian để học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo.
Chị Vân còn đứng ra vận động phụ nữ trong thôn thành lập Tổ hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô, đến nay tổ có 35 thành viên, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Với sự tận tâm, gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương nên chị Vân được bà con trong thôn vô cùng tín nhiệm, tin yêu. Đồng thời cũng nhận được sự đánh giá cao của cấp trên. Nhờ đó, 3 năm liền chị luôn đạt danh hiệu đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; Chi bộ thôn Cờ Tảng đạt Chi bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được cấp ủy cấp trên khen tặng. “Đến nay, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn luôn ổn định; bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”, chị Vân chia sẻ.
Đảng viên Sân Ngọc Huy, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tiên phong trong phát triển kinh tế tại địa phương. |
Hiện nay, nhiều đảng viên DTTS không chỉ đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới, họ còn tiên phong trong phát triển kinh tế, tích cực giúp đỡ bà con cùng vươn lên thoát nghèo. Đảng viên Sân Ngọc Huy, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là người con của đồng bào dân tộc Bố Y. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nhiều gian khó, anh Huy luôn trăn trở làm sao để cùng với bà con trong thôn ổn định được cuộc sống, đủ ăn, đủ mặc, có nhà xây kiên cố, con cái có điều kiện thật tốt để học tập… Từ đó, anh đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, học hỏi các cách làm hay, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ nhiều địa phương. Nhận thấy khí hậu trong thôn mát mẻ, nguồn nước dồi dào, đất đai trù phú, rất thích hợp trồng Dưa chuột và Cà chua. Năm 2022, anh hướng dẫn, động viên bà con trong thôn đăng ký trồng và thu mua sản phẩm cho các hộ đã đăng ký. Trong năm đó, có 37 hộ thực hiện, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Đến năm 2023, anh bắt đầu liên kết với các hộ dân để hình thành vùng trồng Dưa chuột, Cà chua sạch, an toàn. Đồng thời, đứng ra cung ứng toàn bộ giống và thu mua cho bà con. Hiện, trong thôn có 88 hộ thực hiện. Thời điểm hiện tại Dưa chuột và Cà chua đều sinh trưởng, phát triển ổn định; dự kiến, thu về lợi nhuận gấp 3 năm trước.
Anh Huy chia sẻ: “Trước đây, khi bà con trong thôn có nông sản bán đều bị thương lái ép giá nên làm lụng vất vả, nhưng thu về thành quả không đáng là bao. Vì vậy, khi thấy giống Dưa chuột và Cà chua sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp, tôi đã vận động bà con cùng liên kết để thực hiện. Đồng thời tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con để có thể thu về lợi nhuận cao nhất.” Cũng nhờ sự dám nghĩ, dám làm, anh Huy đã trở thành đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế, còn là người nêu gương cho bà con trong thôn, trong xã học tập theo.
Người dân Pu Péo xã Phố Là (Đồng Văn) tích cực tìm hiểu thông tin bảo vệ biên giới. |
Theo đồng chí Đặng Đức Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quyết Tiến: Đảng bộ xã có 389 đảng viên, trong đó có 48 đảng viên dân tộc Bố Y. Bà con dân tộc Bố Y nói chung, đội ngũ đảng viên nói riêng có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã về mọi mặt. Không chỉ đóng vai trò “cầu nối” mà còn là tấm gương để đồng bào noi theo. Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục bồi dưỡng lý luận cho lực lượng thanh niên, đoàn viên, cán bộ nòng cốt là người DTTS, có năng lực, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm để bổ sung thêm nguồn lực cho Đảng.
Đồng bào dân tộc Pu Péo là một trong 5 DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Đồng Văn, dân tộc Pu Péo sống chủ yếu tại xã Phố Là. Những năm qua, bà con Pu Péo đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc khu vực biên giới cực Bắc Tổ quốc. Hiện, trên địa bàn xã Phố Là có 36 hộ dân tộc Pu Péo, trong đó có 17 đảng viên. Chị Củng Thị Quang, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phố Là, chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở vùng biên cương, là người con của đồng bào Pu Péo, hiện tôi cũng là một trong số những cán bộ nữ của xã. Với gần 20 năm công tác, trải qua nhiều vị trí khác nhau, hơn bao giờ hết, tôi nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc giúp đỡ bà con Nhân dân trong xã phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, với niềm tin sâu sắc với Đảng, Nhà nước, tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con về trách nhiệm bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Biên cương được bình yên, bà con sẽ yên tâm lao động, sản xuất.
Đồng chí Lưu Đình Phát, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Thực tế cho thấy, kết nạp đảng viên người DTTS không chỉ là nhiệm vụ chính trị nhằm phát huy vai trò nòng cốt tại các chi bộ mà còn để xây dựng nên những “hạt nhân” làm “cầu nối” đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân ở các vùng đồng bào DTTS. Hiện, tại các địa phương, công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS rất ít người được các cấp ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch quy hoạch, tạo nguồn kết nạp đảng viên nhằm giúp cho các cấp ủy, tổ chức Đảng có sự chủ động trong công tác quy hoạch, tạo nguồn. Chú trọng tạo nguồn từ cơ sở, đảm bảo theo nguyên tắc và quy định của Đảng để các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở chủ động trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch nguồn kết nạp Đảng; kịp thời, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đảng viên người DTTS, cán bộ trẻ, nữ, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và địa bàn dân cư… Nhờ đó đã tạo nguồn được đội ngũ đảng viên có chất lượng, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo QP – AN.
Bài, ảnh: THANH THỦY – MY LY
Nguồn Báo Hà Giang: https://baohagiang.vn/Giai-Bao-Chi-Ve-Xay-Dung-Dang/202309/tiep-them-nguon-sinh-luc-cho-dang-ky-cuoi-sat-son-niem-tin-theo-dang-ed84885/