Cả hai kỉ lục về tiếng hét và tiếng quát đều mạnh tương đương máy bay phản lực.
Trước khi đọc bài, phải nhắc bạn trước là có hai kỉ lục Guinness tương tự nhau, một là HÉT to nhất, một là QUÁT to nhất, thuộc về hai cá nhân khác nhau.
Kỉ lục hét to nhất thuộc về cô Jill Drake người Anh, với giọng hét lên tới 129 dB, lập vào tháng Mười năm 2000. Theo như trang web chính thức đề tựa, thì cô Jill Drake là một trợ giảng, lập kỉ lục tại một hội chợ Halloween tại London, Anh Quốc.
Cô Jill Drake
Và sau khi đọc những dòng trên, ta cũng không mấy bất ngờ khi kỉ lục quát to nhất cũng thuộc về một thành viên ngành giáo dục (nhưng bất ngờ thay, cũng là một người Anh!). Đó là cô Annalisa Wray (còn được biết tới với cái tên Annalisa Flanagan), quát lớn từ “TRẬT TỰ – QUIET” lên tới 121,7 dB và hiện vẫn giữ kỉ lục.
Hồi năm 1992, cô Annalisa Wray và chị em sinh đôi của mình tự nhận thấy cả hai có năng khiếu quát to, nên cùng nhau tham dự sự kiện ghi danh vào sách kỉ lục Guinness. Cả hai đều vượt mức 119 db (tương đương với cánh quạt máy bay phản lực cất cánh). Annalisa quát to hơn chút đỉnh.
Cả hai đùa rằng nếu như nỗ lực đồng đều và tiếng quát có cùng độ to, họ đã trở thành cặp song sinh “to mồm nhất” trong sách kỉ lục Guinness.
Hai năm sau, cô Annalisa tham gia cuộc thi quát to vì biết mình có tài. Chính tại đó, cô lập kỉ lục với độ lớn tiếng quát lên tới 121,7 dB. Đáng buồn cười thay, cô lại chọn từ “TRẬT TỰ – QUIET” để lập kỉ lục. Đúng là đứa con cưng của ngành nhà giáo mà. Theo lời cô Annalisa kể lại, học sinh trong lớp của cô trật tự lắm nên cô không phải dùng tới thứ vũ khí bí mật của mình bao giờ. Lũ trẻ thật thông minh.
Cả hai kỉ lục, hét to nhất và quát to nhất, đều thuộc về hai giáo viên. Có lẽ nó nói với ta điều gì đó chăng? Có phải là công việc của những con người tận tụy cầm phấn rất vất vả, khiến cho họ phải có một giọng to khỏe để vừa giảng bài, lại phải vừa cố gắng để lớn tiếng hơn tiếng trò chuyện của học sinh bên dưới?
Nếu đúng là như vậy, thì ta càng nên trân trọng nghề giáo hơn, bằng cách giữ trật tự trong lớp học để các cô, các thầy không phải lớn tiếng.