Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2023

Nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ngày 7/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1328/KH-UBND triển khai nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đề ra mục tiêu, trong năm 2023, tốc độ tăng giá trị ngành Nông nghiệp đạt 4-5%/năm; trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 30-40%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm, nghiệp chiếm 49%, thủy sản chiếm 51%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 142 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha. Phấn đấu đến cuối năm 2023 hai vùng sản xuất giống thủy sản An Hải và vùng sản xuất rau An Hải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC toàn tỉnh đạt 500 ha; hỗ trợ hình thành từ 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; thu hút 1 doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm hạt nhân; có ít nhất 20 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả; lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh và hướng đến xuất khẩu; sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 40 tỷ con.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để các sở, ngành, địa phương bám sát thực hiện. Trong đó, trọng là đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Xây dựng, hoàn thiện và quản lý triển khai có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư. Nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất nhất là các giống, quy trình, công nghệ: Sinh học, hữu cơ, Nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà kính, nhà lưới, VietGAP, GlobalGAP, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm, công nghệ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Đẩy mạnh phát triển chế biến; liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút, sử dụng các nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 27/1/2022).

Nhân viên Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ áp dụng phương pháp

nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng. Ảnh: V.Miên

Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của HĐND tỉnh, các quyết định, kế hoạch,

đề án về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh để tạo sự thống nhất cao, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh.

Trong quá trình thực hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng phân vùng, nghiên cứu lựa chọn đưa các giống mới, quy trình sản xuất hiện đại, hiệu quả vào sản xuất; lựa chọn các cây trồng, vật nuôi đặc thù, tiềm năng, lợi thế để tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu, đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế; định kỳ 6 tháng (trước 15/6/2023), hằng năm (trước 10/11/2023) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các nội dung có liên quan gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đưa một số mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vào nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; kịp thời đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đề ra.

Nguồn Báo Ninh Thuận: https://m.baoninhthuan.com.vn/news/136925p1c154/thuc-hien-hieu-qua-nhiem-vu-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-nam-2023.htm