Trong 24h qua, thế giới có thêm hơn 80.000 người nhiễm mới và hơn 5.000 ca tử vong do COVID-19. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
-
31 phút trước
Nhật Bản thông báo có 289 ca nhiễm virus corona mới
Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images
Bộ Y tế Nhật Bản thông báo 289 ca nhiễm COVID-19 mới và 34 ca tử vong trong 24h vừa qua.
Thủ đô Tokyo là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch và đã ghi nhận 11.691 ca nhiễm và 141 trường hợp tử vong.
-
32 phút trước
Việt Nam thử nghiệm vắc xin phòng bệnh Covid-19 trên chuột
Theo thông kê tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới. đã ghi nhận 3.413.913 người mắc; 239.777 người tử vong. Tại Việt Nam đến 6h00 ngày 3/5, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.Tổng cộng 219 người đã được chữa khỏi.
Để đẩy lui đại dịch Covid-19 Việt Nam cũng đã bắt đầu công cuộc sản xuất vắc xin. TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho hay, khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus.
Quá trình hợp tác nghiên cứu các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2.
Ảnh minh hoạ.
Theo đó thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc-xin.
Bước đầu các nhà khoa học đã phát triển thành công dự tuyển vắc-xin phòng Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm trong các tuần qua. Các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Cũng theo TS. Đỗ Tuấn Đạt cũng trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Tiếp sau đó, vắc-xin phòng Covid-19 dự tuyển sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn, tính sinh miễn dịch…
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
-
1 giờ trước
Hàn Quốc có 13 ca nhiễm mới
Các bác sĩ Hàn Quốc trong phiên thay ca. Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images
Hàn Quốc ngày hôm nay thông báo có thêm 13 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 10.793 trường hợp.
Trong số 13 trường hợp nhiễm mới, có 5 ca từ nước ngoài trở về. Tổng cộng, Hàn Quốc có 250 người nhiễm virus corona và 9.183 người đã được xuất viện.
-
1 giờ trước
Số ca tử vong ở Brazil tiếp tục tăng
Ảnh: Miguel Schincariol/Getty Images
Bộ Y tế Brazil thông báo nước này có thêm 421 ca tử vong vì virus corona trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6.750 trường hợp. Trong khi đó, Brazil cũng có hơn 96.000 ca nhiễm COVID-19, cao nhất trong các nước ở khu vực Mỹ La tinh.
Trong khi đó, tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng virus corona không quá nguy hại, mà chỉ là “bệnh cúm nhẹ”.
-
2 giờ trước
Thành phố Trung Quốc giáp biên giới Nga đóng cửa nhà hàng
Nửa đêm ngày 2/5, thành phố Cáp Nhĩ Tân ở biên giới Trung Quốc – Nga đã đóng cửa toàn bộ nhà hàng.
Biện pháp này nhằm hạn chế các đám đông tụ tập tại tỉnh Hắc Long Giang trong dịp nghỉ lễ 1/5.
Gần đây, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc ghi nhận có thêm nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng trong khi các tỉnh khác ở Trung Quốc đã bắt đầu gỡ bỏ phong tỏa.
Chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân thành phố Cáp Nhĩ Tân ở nhà trong dịp lễ và tuân thủ quy định “ra ngoài ít, không tụ tập nhóm, kể cả tập trung để ăn uống”.
Chính quyền Hắc Long Giang cho biết: “Dịp Quốc tế Lao động năm nay, chúng ta phải đặt sức khỏe và an toàn của bản thân và gia đình lên hàng đầu”.
Kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc kéo dài từ ngày 1/5 đến hết ngày 5/5.
-
2 giờ trước
1 triệu người tới các điểm du lịch ở Thượng Hải vào ngày 1/5
Nhiều người Trung Quốc tới các điểm du lịch lớn ở Thượng Hải vào ngày quốc tế lao động 1/5. Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images
Theo Tân Hoa Xã, 130 điểm du lịch ở Thượng Hải đã đón hơn 1 triệu người trong dịp nghỉ lễ ngày 1/5. Lượng du khách đã tăng mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Du lịch và Văn hóa Thượng Hải thông báo mở cửa các khu du lịch lớn.
-
2 giờ trước
Tình hình sức khoẻ bệnh nhân phi công người Anh mắc Covid-19 nặng hiện nay ra sao?
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, bệnh nhân 91 (phi công, người Anh) tiên lượng còn nặng, tiếp tục thở máy.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng số trường hợp Covid-19 xác định đến ngày 03/5/2020: 54 trường hợp.Trong đó có 53 trường hợp đã xuất viện (03 ca ban đầu, giai đoạn 1; 50 ca mới. Các bệnh nhân đều được giám sát, kiểm tra sức khỏe tại nhà.
Về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM: hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tràn khí màng phổi phải đã dẫn lưu, tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng.
Tình hình cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của thành phố: Tổng số trường hợp hiện đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố: 74 trường hợp.
Tại khu cách ly tập trung của quận, huyện: Tổng số trường hợp được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện tính đến chiều ngày 02/5/2020: 1.913 trường hợp, trong đó 1.909 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, trong ngày 02/5/2020 hiện đang còn theo dõi 15 trường hợp.
Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú tính đến ngày 02/5/2020: 11.570 trường hợp, trong đó 11.392 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, trong ngày 02/5/2020 hiện còn đang theo dõi 178 trường hợp.
-
3 giờ trước
COVID-19 khiến phe chống Trung Quốc trong chính quyền Mỹ thắng thế
Ông Jared Kushner (phải) chuyển sang ủng hộ quan điểm cứng rắn chống Trung Quốc. Ảnh: NYtimes
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), thế lực theo quan điểm cứng rắn ở cả Bắc Kinh và Washington đều gia tăng nỗ lực nhằm phân tách những cấu thành trong quan hệ song phương Mỹ-Trung.
Lực lượng an ninh Trung Quốc làm nhiệm vụ tại khu Tử Cấm Thành khi khu vực này được mở cửa trở lại từ ngày 1/5. Ảnh: Getty Images
Một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng có quan điểm cứng rắn hơn đối với các vấn đề kinh tế, ngoại giao, khoa học trong tổng thể hợp tác song phương giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Điều này làm xấu đi mối quan hệ vốn đã rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Giới phụ tá Nhà Trắng trong tuần này đã thúc giục Tổng thống Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp, ngăn cấm quỹ lương hưu của chính phủ đầu tư vào các công ty của Trung Quốc. Đây là một động thái có thể làm dịch chuyển dòng chảy vốn khắp Thái Bình Dương.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ ngày 1/5 cho biết ông sẽ ra quyết định hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong hệ thống truyền tải điện quốc gia của Mỹ có dính đến “một đối thủ nước ngoài” – cách đề cập không chính thức tới Trung Quốc.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
-
3 giờ trước
Trung Quốc cử 149 chuyên gia y tế tới 16 quốc gia để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
Các thành viên của nhóm nhân viên y tế Trung Quốc tại một phòng khám tại Belgrade, Serbia. Ảnh: Tân Hoa Xã
Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), cho biết Trung Quốc đã cử 149 chuyên gia y tế tới 16 quốc gia để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh tại những nước này.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để chống dịch. NHC cho biết Trung Quốc chỉ có 1 ca nhiễm mới và không có ca tử vong nào trong 4 ngày liên tiếp.
-
4 giờ trước
“New York sẽ không vội vàng mở cửa trở lại”
Ga tàu vắng vẻ ở thành phố New York. Ảnh: Rob Kim/Getty Images
Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi đại dịch và sẽ không vội vàng mở cửa trở lại.
“Tôi muốn nói rằng đừng bao giờ nên quay lưng lại căn bệnh này, đừng coi thường nó. Tôi nhấn mạnh đây là căn bệnh nguy hiểm, cách chúng ta có thể đảm bảo vượt qua mọi sự tồi tệ là tuân thủ những quy định phòng dịch cứng rắn”.
“Tất nhiên chúng ta đều muốn khởi động lại mọi thứ, nhưng đây là điều không thể cho tới khi tình hình thay đổi hoàn toàn,” ông de Blasio nói.
-
4 giờ trước
Pháp sẽ gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng
Dự Luật gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp đến ngày 24/7 sẽ được Thượng viện và Quốc hội Pháp thảo luận vào đầu tuần sau.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có diễn biến tích cực, nhưng nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế đặc biệt khó khăn. Chính phủ nước này dự kiến sẽ kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng, với nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát trở lại.
Ngày 2/5, đã có 166 ca tử vong vì dịch Covid-19 được ghi nhận trong vòng 24 giờ trên toàn nước Pháp. Trong một vài ngày gần đây, số lượng ca tử vong trong vòng 1 ngày tại Pháp đang giảm trông thấy. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân trong bệnh viện và trong các phòng hồi sức cấp cứu tiếp tục đà giảm từ nhiều tuần qua.
Mặc dù các chỉ số liên quan dịch Covid-19 đang có xu hướng tích cực, nhưng xét về tổng thể, Pháp vẫn đang trong tình trạng y tế đặc biệt. Số ca bệnh nhiễm Sars-CoV-2 hiện phải điều trị tại bệnh viện là hơn 25.800 ca. Số ca chuyển biến nặng, phải cấp cứu là hơn 3.800 ca.
Dịch Covid-19 tại Pháp đã giảm nhưng vẫn phức tạp. Ảnh: Le Monde.
Thống kê trong các phòng hồi sức cấp cứu cho thấy, số người nhập viện cấp cứu vì tất cả các nguyên nhân đang là hơn 6.400 người. Con số này vẫn còn vượt quá khả năng vốn có của nước Pháp là 5.000 giường bệnh cấp cứu trên toàn quốc. Ở một số vùng, số người bệnh cấp cứu vì Covid-19 vẫn rất cao, đặc biệt là Thủ đô Paris và các tỉnh lân cận, nơi chiếm tới khoảng 41% số ca cấp cứu vì Covid-19 trên toàn quốc.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, nước Pháp sẽ bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, trước tình hình y tế vẫn còn khó khăn, phức tạp, Chính phủ nước này quyết định sẽ kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng nữa.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Pháp – ông Olivier Véran cho biết, theo ý kiến đồng thuận của Hội đồng khoa học, dự Luật được đệ trình trong phiên làm việc sáng 2/5 của Hội đồng Bộ trưởng, đề xuất gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng, tới ngày 24/7.
“Hội đồng khoa học thống nhất rằng, toàn bộ các biện pháp đấu tranh chống dịch Covid-19, trong đó có các biện pháp nằm trong luật tình trạng y tế khẩn cấp, tiếp tục cần thiết trong bối cảnh y tế hiện nay”.
Luật tình trạng y tế khẩn cấp tại Pháp được Quốc hội nước này thông qua hôm 24/3 khi dịch Covid-19 đang trong giai đoạn cao trào. Sau khi được đệ trình tại Hội đồng Bộ trưởng, dự Luật gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp sẽ được Thượng viện và Quốc hội nước này thảo luận vào đầu tuần sau.
Khi dỡ bỏ dần hạn chế đi lại của người dân, với việc tình trạng y tế khẩn cấp được gia hạn thêm 2 tháng, nước Pháp sẽ áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh chống dịch Covid-19 dựa trên phương châm được Tổng thống Pháp đưa ra là “bảo vệ, xét nghiệm và cách ly”.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tình trạng y tế khẩn cấp tiếp tục được gia hạn, nước Pháp sẽ tiến hành cách ly tất cả những người đến từ nước ngoài và chỉ những đối tượng này mới bị cách ly bắt buộc. Đối với những người được xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 nhưng đã có mặt trên lãnh thổ Pháp, việc cách ly là không bắt buộc nhưng Chính phủ nước này kêu gọi tinh thần tự giác và trách nhiệm các nhân của mỗi người.
Bên cạnh đó, Pháp tiến hành theo dõi chặt chẽ lộ trình di chuyển và tiếp xúc của những người nhiễm virus, từ đó xác định danh tính và thông báo cho những người đã tiếp xúc với người bệnh biết, để áp dụng các biện pháp cần thiết (tự cách ly hoặc liên hệ bác sĩ để được thăm khám khi cần).
Ngoài ra, người dân Pháp mặc dù được đi lại tự do sau ngày 11/5 nhưng vẫn bị giới hạn trong khoảng cách 00 km tính từ nơi cư trú. Để đảm bảo người dân tuân thủ biện pháp này, Bộ Nội vụ Pháp sẽ triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, đặc biệt trong các phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như tàu cao tốc (TGV)./.
-
4 giờ trước
Xe buýt TPHCM hoạt động lại từ 4/5
69 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ hoạt động lại từ ngày 4/5 sau hơn 1 tháng tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chiều 2/5, Văn phòng UBND TPHCM cho biết Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chấp thuận phương án của Sở Giao thông Vận tải thành phố về tổ chức hoạt động vận tải ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, dự kiến sẽ có 69 tuyến xe buýt có trợ giá bắt đầu hoạt động trở lại kể từ ngày 4/5 với công suất tối đa 50% số chuyến theo biểu đồ ngày thường. 27 tuyến xe buýt trợ giá còn lại tiếp tục ngưng do ít khách, phần lớn là các xe phục vụ học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên thành phố bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 kéo dài. Tuyến buýt sông dự kiến cũng hoạt động lại vào ngày 4/5 tới.
Riêng các tuyến xe buýt không trợ giá và liên tỉnh liền kề, hoạt động trở lại bình thường theo biểu đồ chạy xe do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng công bố trên cơ sở phương án hoạt động đã được thống nhất.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng nghìn xe buýt ở TPHCM “đắp chiếu” từ ngày 1/4
-
4 giờ trước
Thế giới có gần 3,5 triệu ca nhiễm COVID-19
Tính tới sáng ngày 3/5 (giờ VN), Mỹ có ít nhất hơn 1.159.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 67.000 ca tử vong do căn bệnh này. Số liệu đã bao gồm 50 bang, Washington, các lãnh thổ khác của Mỹ cũng như những trường hợp trở về từ nước ngoài và những bệnh nhân trong quân đội, bệnh viện quân y và nhà tù liên bang.
Trong 24h vừa qua, Pháp có thêm 166 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số tử vong lên 24.760 người. Số lượng bệnh nhân phải điều trị tích cực tiếp tục giảm, chỉ còn 3.827 người.
Tổng cộng, Pháp hiện đang điều trị cho 25.827 nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện trên khắp cả nước.