Ảnh minh họa: Gett Images
Để đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã đặt những mục tiêu lớn về kinh tế và quản lí xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đồng tình với cách làm này.
30 năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài, xung quanh là những cánh đồng lúa trải dài.
Sau đó, Trung Quốc quyết định xây dựng một vùng đặc quyền kinh tế đầu tiên để tăng cường đầu tư nước ngoài, biến một vùng nông thôn yên bình trở thành một thành phố với hàng loạt nhà máy và doanh nghiệp tư nhân.
Hiện tại, Thâm Quyến, với dân số 12 triệu dân, đã trở thành một phần của khu vực hiện đại và rộng lớn nằm dọc đồng bằng Châu Giang.
Trung Quốc có tham vọng rất lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Nhưng hiện tại, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu những công nghệ giám sát của nước này sẽ được dùng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân hay chỉ dùng để tăng cường theo dõi và quản lí dân cư.
Thành phố sạch
Tới năm 2050, sẽ có thêm 292 triệu người Trung Quốc sống trong các thành phố. Hiện tại hơn 58% dân số Trung Quốc đã là cư dân thành thị, trong khi con số này hồi năm 1980 chỉ là 18%.
Theo số liệu của chính quyền Trung Quốc, nước này hiện có 662 thành phố, trong đó hơn 160 thành phố có quy mô từ 1 triệu người trở lên.
Một trong những ứng dụng công nghệ ở Thâm Quyến là nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông. Ảnh: BBC
Trả lời BBC, một chuyên viên công nghệ của thành phố Jiang Wei Dong trả lời về cách Thâm Quyến sử dụng năng lượng.
Theo đó, thành phố này “tập trung nghiêm túc vào vấn đề xử lí ô nhiễm”.
“So với các thành phố khác, Thâm Quyến rất sạch,” ông nói.
Thâm Quyến là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng toàn bộ xe buýt và taxi chạy bằng điện. Ngoài phương tiện thông minh, nơi đây cũng có hệ thống y tế thông minh. Khi bất kì ai tới thành phố, các cơ sở y tế tại đây sẽ ngay lập tức có được bệnh án của họ.
Thu thập dữ liệu
Trung Quốc đang xây dựng thành phố thông minh với tốc độ đáng kinh ngạc, thay đổi cảnh quan đô thị với kế hoạch tạo ra 19 cụm đô thị “khổng lồ” và siêu thành phố đầu tiên trên thế giới với hơn 40 triệu cư dân.
Phát triển đô thị ở quy mô này sẽ cần tới tính hiệu quả cao. Giao thông cần phải được kiểm soát để tránh tắc đường, phương tiện cần phải thân thiện với môi trường để người dân không bị ngột ngạt bởi lượng khí CO2 tăng cao.
Hồi năm 2014, ý tưởng về hệ thống tín nhiệm xã hội đã được công bố trước công chúng. Về mặt cơ bản, hệ thống này sẽ thưởng những công dân có hành vi tốt và phạt những người làm điều không chuẩn mực. Hồi tháng 3 năm nay, hàng triệu người đã bị cấm mua vé máy bay hoặc vé tàu vì những vi phạm như sử dụng vé hết hạn hoặc hút thuốc trên tàu hỏa.
“Hệ thống thí nghiệm đánh giá điểm tín nhiệm xã hội ở Trung Quốc rất thú vị nhưng tôi cảm thấy may mắn vì không phải sống trong hệ thống như vậy,”nhà tư vấn thành phố thông minh Charles Reed Anderson nói.
Hiện tại, Trung Quốc chưa có có hệ thống tín nhiệm xã hội đồng bộ. Thay vào đó, chính quyền địa phương áp dụng ý tưởng theo cách riêng, và đôi lúc điều đó gây ra những vấn đề phức tạp đối với khách du lịch nước ngoài.
Ông Anderson kể một câu chuyện về người bạn của ông khi tới thăm một thành phố ở Trung Quốc.
“Khi trở về khách sạn, bạn tôi chợt nhận ra rằng đã bỏ quên điện thoại trên taxi, vậy nên nhân viên khách sạn dẫn ông ấy tới đồn cảnh sát.
Một sĩ quan xin thông tin về phương tiện nhưng họ không có camera giao thông nên người cảnh sát đưa bạn tôi tới một văn phòng khác ở gần đó.
Tại đây, họ nhanh chóng tìm được vị trí hiện tại của chiếc taxi và gọi điện yêu cầu tài xế đem chiếc điện thoại quay trở lại,” ông Anderson kể.
“Chỉ 2 giờ sau, ông ấy đã nhận lại được điện thoại của mình. Có lẽ người tài xế lo ngại sẽ nhận điểm trừ nếu không trả lại đồ.”
Hệ thống tín nhiệm xã hội đã nhận nhiều chỉ trích, nhưng ông Anderson cho rằng người Trung Quốc đã quen với điều đó.
“Tôi không đồng tình hoàn toàn với những điểm tiêu cực của hệ thống này. Nhưng nếu có người lạm dụng nó thì đây là một vấn đề lớn,” ông Anderson kết luận.
Tất Đạt, theo Trí Thức Trẻ