Luật lệ thời dịch bệnh

Gần 2 năm nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra làm thay đổi thế giới rất mạnh mẽ và sâu sắc.
maske-dunya-4009

Cho dù chính quyền nhà nước ở mọi nơi trên thế giới ứng phó dịch bệnh này như thế nào thì các đối sách cũng luôn động chạm tới chuyện lập pháp và tư pháp cũng như tới các quyền mà cho tới trước khi dịch bệnh bùng phát được người dân coi như là đương nhiên. Dịch bệnh như thể cũng không tha cho luật và lệ.

Trước tiên là chuyện chính quyền có quyền hạn hợp pháp đến đâu trong việc ban hành và áp dụng những biện pháp quyết liệt cần thiết để ứng phó dịch bệnh như hạn chế đi lại, bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, hạn chế tụ tập… cho tới những liệu pháp mạnh như giãn cách xã hội, cách ly xã hội, phong toả hay giới nghiêm…

Ở những nơi người dân tin tưởng vào chính quyền thì vấn đề này không đặt ra, vì thế mà việc người dân chấp hành các biện pháp chính sách nghiêm chỉnh tới mức nào thì cũng tương đương với việc họ tin tưởng vào chính quyền như thế.

Nhưng ở những nơi không có sự đồng hành của người dân và chính quyền thì ngay lập tức có chuyện lệ chống luật, hoặc luật đấu luật. Chính quyền viện dẫn sự ủy thác quyền lực hợp pháp để ban bố và triển khai thực hiện những biện pháp chính sách chống dịch bệnh, tức là vận dụng luật. Trong khi đó, nhiều người dân không chịu tự khép mình vào khuôn khổ chế tài của các biện pháp chống dịch bệnh đã viện dẫn những quyền cơ bản của công dân quy định trong hiến pháp để phản đối chính quyền.

Ở đây có cái lệ là chẳng thể có hệ thống luật pháp và tư pháp nào làm hài lòng tất cả các thành viên của xã hội nên những người không hài lòng luôn trong tình trạng phản xạ có điều kiện. Như trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện tại, nhà nước buộc phải hành động vì lợi ích và sức khoẻ của số đông, phải dùng luật để khắc chế lệ.

Hiện tại, ở nhiều quốc gia trên thế giới có cuộc tranh luận rất sôi động về bắt buộc phải tiêm chủng hay tự nguyện tiêm chủng, trong thực chất vẫn là chuyện quan hệ giữa chính quyền và người dân, giữa quyền hạn hành chính của chính quyền và quyền tự quyết của người dân. Nhưng dịch bệnh tạo ra bối cảnh tình hình và tình huống đặc biệt khi người dân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới cả cộng đồng và xã hội nếu như không tiêm chủng hay không chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp của chính quyền nhằm chống dịch bệnh.

Ở nước Mỹ chẳng hạn, chính quyền khuyến khích người dân đi tiêm chủng và thậm chí có hẳn chương trình tài chính thưởng tiền cho người tự nguyện đi tiêm chủng. Ở nhiều nước châu Âu, chính quyền đã tính đến việc thông qua luật bắt buộc người dân phải đi tiêm chủng.

Để khắc phục sự đối kháng giữa luật với luật và giữa luật với lệ trên phương diện này, các nơi có nhiều cách làm khác nhau nhưng giống nhau ở hai điểm là dùng luật chứ không dùng biện pháp hành chính và làm lấn dần từng bước.

Chẳng hạn như Pháp có luật bắt buộc tất cả nhân viên lao động làm trong ngành y phải đi tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh và những ai không tuân thủ sẽ bị mất việc. Ở Italy lúc đầu có luật cho phép những ai đã đi tiêm chủng 1 mũi hoặc 2 mũi được tự do đi lại, vào quán ăn uống, xem phim, du lịch… Tới đây, Italy sẽ ban hành luật bắt buộc tất cả những người làm việc trong cơ quan công quyền nhà nước phải đi tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh.

Dịch bệnh gây ra tình huống đặc biệt và có thể so sánh với khủng hoảng mà để đối phó thì cần luật pháp đặc biệt. Những luật pháp đặc biệt này phải có đủ tính hợp pháp, hợp hiến và uy quyền thực tế để khắc chế mọi cái lệ dựa trên luật pháp bình thường gây cản trở cho việc xử lý và vượt qua khủng hoảng.

 

Theo Hạ Nham (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/luat-le-thoi-dich-benh-d162338.html