Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vừa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc

(Tổ Quốc) – Tâm dịch Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã được dỡ phong tỏa các chốt ra vào. Hơn 10.000 công dân của xã chính thức được tự do đi lại.

Gần 1 tháng đi cách ly

Ở phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà (Vĩnh Phúc), bà Phạm Thị Thơm nhiều ngày qua vẫn thường ra ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang, tay liên tục vuốt màn hình điện thoại smartphone xem tin tức, những gì vừa xảy ra ở xã nhà bà chỉ đọc, nghe chứ chưa tận mắt chứng kiến. 

Tới ngày 8/3 là tròn một tháng bà cùng chồng, con gái út rời nhà đi cách ly trị bệnh. Căn nhà cấp bốn nằm cuối đường thôn Ái Văn, bà gửi chìa khóa cho hàng xóm trông hộ, mỗi ngày họ sang mở cửa một lần.

Mười ngày trước, ông Vinh – chồng bà Thơm, bệnh nhân thứ 16 nhiễm Covid-19 được công bố xuất viện sau ba lần xét nghiệm âm tính.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 2.

Khu cách ly đặc biệt ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà tạm thời đóng của các phòng, chưa có bệnh nhân mới.

Nguyễn Thị Dự, con gái bà Thơm là một trong tám công nhân được cử sang Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn. Cô gái 23 tuổi cùng đồng nghiệp bay về nước ngày 17/1/2020 nhưng không có biểu hiện bị lây nhiễm, ngày sát tết vẫn vô tư đi chơi với họ hàng.

Hôm 30/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác nhận kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của nhóm công nhân. Dự và hai đồng nghiệp nằm trong danh sách dương tính với Covid-19. Những người từng tiếp xúc với cô lập tức được phân loại, đưa vào cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.

Lần lượt sau đó, hàng xóm, chị họ, bố, mẹ và em gái ruột mới 16 tuổi của Dự cũng nhận kết quả dương tính.

Năm nay là cái tết thứ tư không được trọn vẹn với gia đình bà Thơm. Những năm trước, Dự sang Nhật Bản làm việc, con gái rời nhà năm 19 tuổi đi  một mạch suốt ba năm nơi đất khách, mãi đầu 2019 mới về.

Giữa năm, Dự nộp hồ sơ ứng tuyển vào làm cho một doanh nghiệp Nhật Bản đóng trên địa bàn huyện Bình Xuyên, rồi cô được cử sang tập huấn tại Vũ Hán cùng bảy đồng nghiệp.

Chuyến đi hai tháng của nhóm công nhân đã vô tình mang theo mầm bệnh khi họ về quê, từ đó lây lan sang người thân khiến cuộc sống đảo lộn. “Ở bên ấy nó bảo chỉ đi làm rồi về phòng, sát ngày về nước mới tranh thủ ra chợ mua chút quà”, bà Thơm kể về những ngày con gái làm việc bên Trung Quốc.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 4.

Bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, âm tính với Covid-19 đang được giám sát sức khỏe.

Gần 30 ngày cách ly điều trị bệnh, bà Thơm bảo nhiều lúc thấy bí bách, thèm được ra ngoài dạo bộ cho thoải mái tinh thần nhưng quy định nghiêm ngặt, bà buộc phải chấp hành. “Bác sĩ bảo sao nghe vậy, cả nhà tôi khỏi bệnh nhưng chưa ai về hết”, bà nói nhưng ánh mắt hiện rõ sự lo lắng vì căn nhà vắng bóng người quét dọn đã lâu.

Ông Vinh, chồng bà Thơm hàng ngày chỉ ra hành lang đi dạo rồi vào giường nằm, thỉnh thoảng ông dậy cắm ấm nước đun sôi. Con gái út 16 tuổi tên Dung có chiếc điện thoại bầu bạn, cô dành phần lớn thời gian để xem phim, chat với bạn bè.

Ở cùng khu cách ly với gia đình bà Thơm còn có chị Bình (cháu họ), chị Nam (công nhân đi tập huấn về từ Vũ Hán) và một cháu bé 3 tháng tuổi cũng đang theo dõi sức khỏe, chưa ai được về nhà.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 5.

Nhân viên y tế vẫn phun thuốc khử trùng đều đặn hàng ngày ở nơi cách ly.

Khi chưa có quyết định của Sở Y tế thì không được ra viện

Bác sĩ Lê Thị Xuân, Trường Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà giải thích, dù 6 bệnh nhân đã âm tính với Covid-19 nhưng vẫn phải giám sát sức khỏe thêm một thời gian nữa, khi có quyết định chính thức của Sở Y tế tỉnh mới được phép ra viện.

Suất ăn, nước uống hàng ngày của họ được phục vụ miễn phí theo quy định trợ cấp của nhà nước, bình quân 25.000 đồng/suất.

Qua theo dõi nhiều ngày, bác sĩ Xuân nhận xét tinh thần của nhóm nhóm bệnh nhân tương đối ổn định, không ho, sốt. Tâm lý thoải mái hơn, cũng không căng thẳng, hoang mang như hồi đầu mới nhập viện.

Ngoài 6 bệnh nhân âm tính, Phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà vừa tiếp nhận thêm ba mẹ con mới trở về từ Hàn Quốc vào cách ly tạm thời.

Nhân viên y tế hàng ngày vẫn thực hiện đều đặn việc phun thuốc khử trùng các dãy phòng, một cán bộ công an được cử đến làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự 24/24.

Ngay cổng ra vào phòng khám, chiếc bàn inox đặt sẵn hai hộp khẩu trang cùng chai dịch rửa tay sát trùng. Phía trong khoảng sân rộng, hai tấm biển để dòng chữ “khu vực cách ly đặc biệt” vẫn nguyên vị trí, hàng dây băng cách ly sọc đỏ trắng chưa gỡ bỏ.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 7.

Người Sơn Lôi thoải mái ra đường làng trước thời điểm gỡ các chốt cách ly chỉ vài giờ.

“Chống dịch như chống giặc….chúng em chấp hành tốt”

15h chiều 3/3, vài giờ trước khi chốt phong tỏa cách ly ra vào xã Sơn Lôi chính thức tháo dỡ, gần 30 thanh niên chia thành hai đội dầm mưa đá bóng trên sân cỏ nhân tạo ở thôn Ngọc Bảo. “Rảnh lắm, chả có gì làm bọn em ra đá sớm”, một thanh niên tươi cười khi thấy chúng tôi chĩa ống kính vào sân xin phép chụp vài bức ảnh.

Bên kia thôn An Lão, anh Nguyễn Văn Hòa (30 tuổi) ôm cặp gà chọi sang rủ mấy thanh niên trong xóm ra ô đất trống rồi quây rào, xem chúng chọi.

Ngày thường, anh Hòa làm công nhân, thời gian rảnh cũng kiếm thêm thu nhập từ nhiều việc khác như xây dựng, chạy chợ. 20 ngày lập chốt cách ly, cuộc sống của anh giống như người thất nghiệp, hàng xóm ai có việc nhờ thì sang giúp đỡ.

0h00 ngày 4/3, lực lượng an ninh chính thức tháo gỡ các chốt cách ly, hàng trăm người dân Sơn Lôi đi bộ, xe máy túa ra các nhánh đường lớn nhỏ giống hệt thời khắc đón giao thừa chuyển giao năm mới.

Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trì xuống các chốt bắt tay từng cán bộ công an, quân đội, y bác sĩ và cảm ơn họ đã góp công hoàn thành tốt nhiệm vụ, cảm ơn cả người dân Sơn Lôi đã chấp hành nghiêp túc cách ly.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 9.

Anh Hòa (trái) cùng nhóm thanh niên trong xóm mang gà ra chọi.

Rạng sáng cùng ngày, trời ở huyện Bình Xuyên đổ cơn mưa lớn, người dân Sơn Lôi tươi cười bàn tán việc vừa gỡ chốt là mưa, “chắc mưa để rửa khuẩn”, một người nói.

Chiều hôm ấy, chị Chị Đào Thị Tâm (30 tuổi, thôn An Lão) cùng chồng đến phòng tiếp công dân UBND xã Sơn Lôi xin vài loại giấy tờ chuẩn bị cho việc đi làm trở lại.

Công ty của chị mãi tận trên thành phố Phúc Yên, cách nhà 10km, sáng đi xe máy, tối chị lại về với hai đứa con nhỏ. Trước khi nghỉ cách ly chống dịch, thu nhập bình quân mỗi tháng của chị Tâm khoảng 8-10 triệu đồng, sau khi nghỉ công ty vẫn hỗ trợ 50% lương cơ bản.

20 ngày qua, chị Tâm chỉ ở nhà trông con, thỉnh thoảng ra đồng giúp mẹ chồng chăm sóc hơn hai mẫu ruộng vừa gieo trước tết, thực phẩm trong nhà thiếu thì ra chốt mua. “Chống dịch như chống giặc, cách ly như thế là để an toàn, chúng em chấp hành tốt chứ không gây khó khăn gì”, chị cười nói.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 11.

Thời điểm 0h ngày 4/3 chốt cách ly chính thức được gỡ bỏ, người dân Sơn Lôi đi bộ túa ra các con đường.

Đám tang chỉ làm 3 người đưa đi hỏa táng

Ông Nguyễn Như Tâm, Bí thư đảng ủy xã Sơn Lôi vẫn nhớ từng khoảng khắc người dân thu gom củi ôm ra chốt cho bộ đội, công an đốt lửa sưởi ấm trong những ngày đầu lập chốt, trời mưa, lạnh. Người thì mang khoai, mang trứng, buổi tối họ nấu thêm xôi động viên. 

Một vài trường hợp đi đẻ, đi cấp cứu phát sinh trong thời gian cách ly nhưng ông Tâm nói, “mắc đến đâu, gỡ đến đó, cái khó quá thì xin ý kiến cấp trên, chứ việc đẻ thì xin giấy của trạm xá, rồi bên xã đóng dấu là ra ngoài”. 

Hai ngày trước thời điểm dỡ chốt, Sơn Lôi có đến ba người mất vì bệnh tật hoặc người già sức khỏe yếu. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Tâm tổ chức họp chính quyền xã để bàn phân công nhiệm vụ.

Đám tang của họ được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ hỏa táng, ma chay dù có tổ chức nhưng không có người địa phương khác đến dự, chỉ nhân dân trong xã. Cả ba đám tang trong mùa dịch Covid-19 hơi đặc biệt, thôn phải thiết lập bộ phận y tế chuẩn bị thuốc sát trùng khô, khẩu trang cho người đến viếng.

Tâm sự se thắt của những người trong khu cách ly vửa được dỡ bỏ tại Vĩnh Phúc - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Như Tâm, Bí thư đảng ủy xã Sơn Lôi.

Nếu như trước đây, tang lễ thường phải đọc diễn văn của các đoàn thể, tổ chức chính trị thì nay thủ tục đã được rút gọn, tuyệt đối không ăn uống. Gia đình chỉ làm vài mâm cỗ cho con cháu, họ hàng thân thiết.

Số lượng người đưa thi hài đi hỏa táng trung bình khoảng hơn 20 thân nhân, nhưng trong thời gian cách ly, xã chỉ cấp phép cho 3 người đi.

Ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận thêm một ca dương tính với Covid-19, bệnh nhân là một cô gái trẻ tên Nguyễn Hồng N. (SN 1993, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên con số 17.

Hiện bệnh nhân Nguyễn Hồng N. đang được theo dõi, cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Sức khỏe vẫn ổn định, chưa có biến chứng bất thường.

Trước đó, 16 ca nhiễm với Covid-19 đã điều trị khỏi bệnh, người cuối cùng xuất viện vào ngày 25/2 là ông Nguyễn Văn Vinh (cha đẻ nữ công nhân Nguyễn Thị Dự, sang Vũ Hán tập huấn).

Hoàng An – Hoàng Hải, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/doi-song/tam-su-se-that-cua-nhung-nguoi-trong-khu-cach-ly-vua-duoc-do-bo-tai-vinh-phuc-8202083183755728.htm