“Sex Education” có lẽ sẽ là một cú sốc văn hóa dành cho những bậc phụ huynh bấy lâu nay vẫn nghĩ giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”, trò chuyện công khai về tình dục là dơ bẩn, xấu xa.
Đề tài giáo dục giới tính vẫn luôn là một điểm nóng nhạy cảm khi xuất hiện trên phim ảnh. Làm thế nào để những bộ phim khai thác chủ đề này đủ hấp dẫn, đầy đủ thông tin nhưng lại không bị phản cảm, thô tục vẫn luôn là điều khiến các nhà làm phim đau đầu. Đầu năm 2019 này, có một tác phẩm thực sự đã thổi một làn gió mới cho dòng phim giáo dục giới tính, tạo nên cơn sốt tìm kiếm cho lứa tuổi trưởng thành, đấy chính là Sex Education do Netflix sản xuất.
Giáo dục giới tính hay vẽ đường cho hươu chạy?
Vấn đề giáo dục giới tính hay vẽ đường cho hươu chạy vẫn luôn là chủ đề được đem ra tranh cãi, mổ xẻ từ nhiều năm nay. Chính vì lo sợ chuyện “vẽ đường” ấy mà chủ đề giáo dục giới tính vẫn thường được nói đến một cách dè dặt, thận trọng. Và Sex Education đã phá tan lối suy nghĩ bảo thủ đó.
Phim là câu chuyện về chàng trai 16 tuổi Otis (Asa Butterfield), một cậu học sinh cấp 3 nhút nhát. Otis sống với bà mẹ đơn thân vốn là một bác sĩ tâm lý chuyên trị liệu cho các bệnh nhân gặp vấn đề về tình dục. Thế nên Otis được tiếp xúc với những kiến thức về tình dục khi còn khá sớm. Dường như được thừa hưởng “gene” mẹ, cậu bé Otis cũng có khả năng tư vấn cực “đỉnh” những vấn đề liên quan đến giới tính, tình yêu, tình dục…
Thế nên bất chấp việc bản thân cũng đang phải đối mặt với những “khủng hoảng” của lứa tuổi, Otis đã kết hợp cùng cô bạn xinh đẹp, nổi loạn Meave (Emma Mackey) mở một “phòng khám” để tư vấn cho bạn bè đồng trang lứa, những cô cậu bé tuổi teen với hàng tá thắc mắc xoay quanh vấn đề giới tính, tình yêu, tình dục mà chẳng dám ngỏ cùng ai.
Ngay từ tập mở màn trong series 8 tập của mùa 1, Sex Education đã khiến khán giả phải choáng váng bởi độ “bạo” của những cảnh quay trong phim. Nhiều tập phim mở màn bằng cảnh ân ái nóng bỏng của các cặp đôi, có thể khác giới mà cũng có thể là tình dục đồng giới. Phim cũng không ngần ngại để các diễn viên khỏa thân, lộ hàng gây sốc.
Thế nhưng nếu để ý, thì có thể thấy dù tái hiện một cách trần trụi những cảnh quay nóng bỏng này, bộ phim vẫn khéo léo lồng ghép những chi tiết giáo dục giới tính đầy ý nhị. Bằng chứng là việc các đôi tình nhân khi quan hệ luôn nhắc nhở nhau mang… bao cao su. Thậm chí phim cũng không ngần ngại tái hiện cảnh một cô bé 16 tuổi đi phá thai đầy đau đớn, và giải đáp thắc mắc cho rất nhiều bạn trẻ thông qua lời vị bác sĩ giải thích với cô học trò: “Dùng bao cao su vẫn có thể mang thai bình thường!”.
Thay vì việc né tránh, “dằn mặt” các cô cậu tuổi teen rằng việc quan hệ trước hôn nhân là điều gì đó “kinh khủng” và cần phải tuyệt đối tránh, bộ phim lại chọn cách để cho các nhân vật rất thoải mái, tự do làm “chuyện ấy”, nhưng phải là khi họ thực sự đủ kiến thức và nhận thức về tình dục an toàn. Những hình ảnh mà các cô cậu tuổi teen học được từ video, hay các bộ phim sex sẽ chẳng giúp gì cho họ trong đời thực, nếu họ không thực sự hiểu cơ thể mình, hiểu về mối quan hệ của mình với đối phương.
Trần trụi thô tục hay bài học về cách trân trọng cơ thể của chính mình?
Sex Education cũng giống như một cuốn “cẩm nang” dành cho lứa tuổi trưởng thành khi bộ phim thoải mái đưa khán giả đi khám phá những điều “thầm kín” trong cơ thể. Phim không ngại phổ cập kiến thức về những bộ phận nhạy cảm mà rất nhiều bậc phụ huynh ngoài kia vẫn luôn né tránh nhắc đến với con cái mình.
Những kiến thức đến tự nhiên thông qua các bài tập sinh học, hay những câu chuyện bi hài về các cô, cậu tuổi teen và ảo tưởng trở nên “hoàn hảo” trong mắt người khác mà không nhận ra rằng nếu ngay chính bạn cũng không yêu, không trân trọng bản thân mình thì sẽ chẳng ai trân trọng nó thay bạn.
Trong mắt nhiều người, câu chuyện về một nam sinh mặc cảm vì không thể “cương cứng” trước bạn gái, hay chuyện một nữ sinh chẳng dám bật đèn khỏa thân trước bạn trai vì e ngại cơ thể xấu xí… có lẽ là trần trụi thô tục, nhưng sẽ ra sao nếu như những nam sinh, nữ sinh ấy, thay vì có đủ kiến thức để biết yêu những điều tạo hóa ban tặng cho mình, lại tiếp tục sống với nỗi mặc cảm để rồi tìm đến những giải pháp sai lầm với mong ước trở nên hoàn hảo trong mắt bạn tình?
Bên cạnh các bài học trực quan ấy, Sex Education cũng dành thời lượng đề cập tới vấn đề thiên hướng tính dục của con người. Phim không ngại khai thác các câu chuyện tình yêu đồng giới, xây dựng các nhân vật đồng tính và truyền tải bức thông điệp, dù bạn là ai, giới tính thế nào, cũng hãy yêu và trân trọng bản thân mình.
Bên cạnh các nhân vật chính, thì câu chuyện về chàng gay Eric – bạn thân của Otis và trong phim cũng thu hút sự chú ý của nhiều khán giả trẻ. So với nhiều người có cùng hoản cảnh khác, Eric may mắn hơn vì có một người cha luôn hiểu, yêu thương, chấp nhận và lo lắng cho cậu. Thế nhưng ngay cả khi rất yêu thương, thấu hiểu con trai mình, ông vẫn cứ lo lắng khi thấy con trở nên quá nổi bật, quá khác biệt trong cộng đồng. “Bố lo lằng con sẽ bị tổn thương!” – ông nói khi thấy con trai ăn vận như “nữ hoàng” tham gia vũ hội trường. Thế nhưng lời nói của Eric đã thức tỉnh người cha: “Trước sau gì cũng sẽ tổn thương, nên sẽ tốt hơn khi con là chính con chứ!”.
Tình dục dơ bẩn hay hiểu biết để trưởng thành?
Có một quan điểm bảo thủ từ lâu vẫn tồn tại đấy là việc có nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc trò chuyện công khai về tình dục là một điều gì đấy… dơ bẩn, xấu xa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Với những người có suy nghĩ như vậy thì Sex Education có lẽ chính là một “cú sốc văn hóa”. Phim chẳng ngại để cho các nhân vật trong phim thoải mái trò chuyện, bàn luận về sex, về những vấn đề thầm kín, khó nói trong cơ thể mỗi người.
Một nhân vật phụ huynh khá thú vị trong phim chính là mẹ của Otis – một bác sĩ trị liệu tình dục. Mẹ Otis luôn cố gắng động viên con trai mình nói ra những vấn đề của bản thân và tôn trọng nguyên tắc “không phán xét” trong cuộc trò chuyện 2 người. Với tâm lý của nhiều đứa trẻ luôn ngại ngùng khi bàn luận “chuyện ấy” với bố mẹ, thì câu thoại của mẹ Otis chính là một lối thoát: “Thế hệ của con thật quá tự ái, hiểu biết là điều cần thiết!”.
Thế nên có phải là dơ bẩn hay không khi một cậu bé thú nhận không thể thủ dâm? Có là dơ bẩn hay không nếu một cô bé ngày này qua tháng khác đi tìm kiếm một ai đó có thể giúp cô thoát kiếp “còn zin”, để rồi khi tìm được thì trải nghiệm ban đầu lại thất bại toàn tập vì bản thân cô còn chưa đủ hiểu hết về cơ thể mình?
Nếu coi những điều ấy là dơ bẩn, thì ai sẽ giúp những cô bé, cậu bé mù mờ ngụp lặn trong biển kiến thức giới tính ấy giải quyết khúc mắc của bản thân, để hiểu rằng mỗi người có quá trình phát triển khác nhau, mình không giống người khác không phải là một nỗi thất bại?
Không chỉ tái hiện lại câu chuyện của Otis – Meave và “phòng khám” thú vị của cặp đôi để qua đó truyền tải những bài học giáo dục giới tính một cách nhẹ nhàng, không khô cứng, Sex Education còn lồng ghép những câu chuyện thú vị về tình bạn, tình yêu tuổi “ô mai me” đầy dễ thương, giàu cảm xúc mà không chỉ lứa tuổi trưởng thành, cả các bậc phụ huynh cũng sẽ cảm thấy hấp dẫn khi theo dõi.
Phim hiện đã kết thúc phát sóng 8 tập của mùa 1 và Netflix cũng đã công bố kế hoạch sản xuất mùa 2 vào đầu tháng 2 năm nay.