Lần đầu tiên Quang Lê bước vào phòng thu, người thu âm cho anh thắc mắc: “Sao em hát mà lấy hơi như… con trâu vậy?”.
Trước liveshow “Sầu tím thiệp hồng – Lệ Quyên, Quang Lê cùng những người bạn” diễn ra tối 8-3 tới tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), Quang Lê đã có nhiều tiết lộ thú vị về quãng thời gian nhọc nhằn khi bén duyên nghề hát.
Theo lời kể của chàng ca sĩ gốc Huế, gia đình anh không có ai làm gì liên quan đến âm nhạc, chỉ có ông nội làm nhà thơ là dính dáng đến nghệ thuật.
“Máu” yêu thơ cũng ngấm trong bố Quang Lê và các bác, các cô dì bên nội, vì thế mà từ nhỏ Quang Lê đã thường xuyên được nghe cả nhà ngâm thơ. Còn mẹ anh tuy không phải là ca sĩ nhưng hát rất hay và say mê hát.
Ca sĩ Quang Lê
Có lẽ vì thế mà Quang Lê yêu những gì thuộc về thơ ca, âm nhạc từ tấm bé, cứ mê mẩn nghe và hát theo các bài hát từ băng cát-sét.
Năm 7 tuổi, Quang Lê theo gia đình vào Sài Gòn chờ phỏng vấn đề chuẩn bị sang nước ngoài định cư. Trong thời gian này, cả gia đình anh ở trong khu Đầm Sen. Một lần, tại đó tổ chức 1 cuộc thi hát, Quang Lê không đủ tuổi nhưng vẫn muốn xin thi.
Sau khi bị từ chối, anh được hai người lớn tốt bụng đứng ra xin giúp: “Cho cháu nó thi, nhỏ tuổi kệ nó“. Nghe Quang Lê ghép nhạc, nhiều thí sinh anh chị tỏ vẻ lo lắng vì thấy đối thủ của mình nhỏ tuổi, nhỏ con nhưng có vẻ không vừa. Rốt cuộc, anh giành giải thật, tuy chỉ là giải nhì chứ không phải giải cao nhất.
Chính bởi đam mê âm nhạc nên khi chuẩn bị lên đường sang Mỹ, người họ hàng hỏi Quang Lê thích gì để tặng, anh vui mừng xin luôn một cuốn băng cát-sét thu tiếng hát của ca sĩ Bảo Yến. Đó là món đồ quý giá nhất trong hành trang mà Quang Lê mang theo ra nước ngoài.
Ở Mỹ, thi thoảng có buổi sinh hoạt cộng đồng và lần nào Quang Lê cũng đến thỏ thẻ với ban nhạc: “Chú ơi, chú cho con hát 1 bài được không?”.
Cuối cùng, anh được cho lên sân khấu hát đúng 1 bài là “Em đi chùa Hương”. May mắn thay, trong lần thể hiện đó, một vị khán giả lớn tuổi thích thú liền xin số điện thoại rồi nói: “Cô thích giọng hát của con, cô có nhiều hội và sẽ chở con đi hát cho cô”.
Sau đó, mỗi lần có sự kiện, vị khán giả này lại gọi điện xin phép bố mẹ Quang Lê rồi qua tận nhà chở anh đi hát. Lúc này, Quang Lê 14 tuổi và bắt đầu kiếm được tiền từ việc đi hát.
Đang ở lúc “hăng” hát nhất thì Quang Lê gặp phải sự cố: Giọng bị vỡ, hát lên cao không nổi, giọng bị ngoạc ra, cố giữ nốt cho chuẩn nhưng không được.
Đem lo lắng này hỏi người lớn, anh được giải thích là đến tuổi dậy thì nên “vỡ giọng”. Dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng Quang Lê quyết tâm tập luyện chứ không bỏ cuộc.
Tự luyện tập ở nhà một thời gian, đến năm lớp 9 thì anh theo học một lớp luyện giọng kéo dài tới 6 năm sau đó. Học xong, anh tự tin bước ra sân khấu hát những nốt cao vút nhưng vẫn rất ngọt lịm.
Có một kỷ niệm mà tới giờ mỗi lần nhắc lại, Quang Lê đều phì cười. Đó là lần đầu tiên anh bước vào phòng thu, người thu âm cho anh thắc mắc: “Sao em hát mà lấy hơi như… con trâu vậy?”.
Kỳ thực, khi học lớp luyện giọng, Quang Lê được dạy cách lấy hơi mạnh rồi bung ra bằng cách đứng trên bục hát không có micro nhưng phải làm sao để tất cả mọi người ngồi trong lớp đều nghe được. Thế nên khi vào phòng thu hát Bolero, anh quen cách lấy hơi kiểu đó nên làm mọi người hết hồn.
Thời gian đầu bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, Quang Lê cũng thường bị các nghệ sĩ lớn nhắc nhở vì cách hát nhấn nhá không giống ai.
Trong khi các ca sĩ khác hát chỉn chu và chính quy thì Quang Lê lại có suy nghĩ muốn làm gì đó lạ và khác đi, bởi vậy mỗi lần cầm trên tay bản nhạc nào đó, anh lại ngồi nghiên cứu xem hát chỗ này thế nào, ngân chỗ kia ra sao cho mới lạ.
Như cách đây hai mươi mấy năm, khi hát bài “Duyên kiếp”, Quang Lê nghĩ ra cách hát luyến khác đi khi hát câu “Em ơi nếu mộng không thành thì sao…” và thế là anh bị nhiều người la hát dở vì dám luyến chữ “mộng” thế nào mà nghe thành ra…”mông”.
Những lúc như thế, Quang Lê đành phải cười trừ nhưng vẫn kiên định với sự phá cách đó với suy nghĩ “có bị rầy la cũng không sao cả, chỉ cần khán giả thích là được rồi”.