“Hát mệt thật nhưng lúc nhận tiền thì rất sướng, một va ly đầy nhóc.Tiền nhiều quá, để khách sạn thì không yên tâm nên hát xong tôi thường cho người đi mua vàng trữ”, Vũ Luân kể
Vừa bước chân vào nghề, Vũ Luân đã trở thành hiện tượng được khán giả chú ý vì anh quá giống ông hoàng cải lương Hồ Quảng – NSƯT Vũ Linh cả về ngoại hình cũng như giọng hát. Cùng với sự dìu dắt của nghệ sĩ Bạch Long, Vũ Luân sớm toả sáng và trở thành cái tên bán vé của giới mộ điệu cải lương.
Hộc tủ ti-vi để đầy vàng
Nhắc lại thời hoàng kim khoảng cuối thập niên 90, NSƯT Vũ Luân chia sẻ: “Hồi đó tên Vũ Luân ở dưới tỉnh được người dân biết tới nhiều, may mắn ấy đến từ việc tôi quá giống Vũ Linh nên khiến mọi người chú ý.
Thời điểm ấy, tôi làm ra rất nhiều tiền. Có lần tôi được bầu show mời đi hát ở đảo Phú Quốc. Dân ở đó tiền nhiều mà ít khi đi đâu xem văn nghệ nên khi có đoàn cải lương về thì họ thích lắm. Một đêm diễn có tới 7000, 8000 người xem. Đoàn có hai vở chủ lực định hát hai đêm ở hai điểm nhưng rút cuộc tăng lên tới 10 đêm vì khán giả mê quá.
Vũ Luân một thời được coi là “ông hoàng video cải lương” cùng với nhiều tài danh khác như Minh Vương, Vũ Linh…
Thời hoàng kim, anh quay video cải lương sáng đêm, chạy show đúng kiểu… mì ăn liền.
Đảo nhỏ quá nên mình hát ở điểm này, dân ở điểm kia cũng chạy qua xem. Vậy là phải thay đổi tuồng mỗi đêm. Tôi mới thuộc hai tuồng, bầu show nói khó, chi phí về đất liền đón nghệ sĩ rất cao, chi bằng nhờ tôi ngày học tuồng, tối lên hát.
Vậy là ban ngày bầu show đưa băng cassette cho tôi nghe và tập để tối lên hát. Tối diễn chỗ nào chưa thuộc thì có người nhắc tuồng. Cứ diễn xong tuồng này là buông kịch bản, cầm băng cassette khác học tiếp, ngày nào cũng thế.
Cũng may là hồi mới vào nghề tôi đã được thầy Bạch Long tập kiểu “mì ăn liền” này nên làm được. Thực sự, lúc đầu tôi định từ chối nhưng bầu show trả nhiều tiền quá, không hát thì uổng nên ráng.
Cỡ năm 1998, cát xê của tôi một đêm là 4, 5 triệu đồng. Vàng lúc đó chỉ 3, 4 triệu một cây. Người trong nghề có luật bất thành văn, hát ngoài đảo thì lương gấp đôi. Vậy là một đêm diễn tôi được 10 triệu đồng, cỡ 2 cây rưỡi 3 cây vàng.
Hồi đó cát xê nhiều lắm. Hát mệt thật nhưng lúc nhận tiền thì rất sướng, một va ly đầy nhóc. Tiền nhiều quá, để khách sạn thì không yên tâm nên hát xong tôi thường cho người đi mua vàng về trữ. Tôi mua vàng nhiều tới nỗi chủ tiệm vàng biết mặt.
Nghệ sĩ ngày đó chưa biết gửi tiền vào ngân hàng cũng không có két sắt nên đều trữ vàng tại nhà trong các tủ gỗ. Tủ ti vi của nhà tôi lúc đó có mấy hộc ngăn kéo để đầy vàng”.
Vũ Luân và Thoại Mỹ trong lễ giỗ Tổ nghề sân khấu vừa qua.
Giúp bầu show mua mấy miếng đất, sắm cả tàu lớn
Vũ Luân trưởng thành từ thành phố, được nghệ sĩ Bạch Long mến chân mến tay tập cho rồi thành kép chính, bởi vậy con đường vào nghề của anh dường như không phải trải qua khó khăn gì. Nhưng không vì quá may mắn và sung sướng mà Vũ Luân không thương đồng nghiệp, không chia sẻ khó khăn cực khổ với họ.
Vũ Luân kể: “Trong cuộc đời đi hát, tôi tự hào một điều là mình rất thương anh em nghệ sĩ đoàn tỉnh. Có đi hát tăng cường mới cảm nhận được cuộc sống của anh em khổ cực và thương thế nào.
Niềm vui của tôi là được Tổ nghiệp cho hào quang quá lớn. Mỗi khi tôi hát, khán giả tới xem rất đông. Chính vì vậy, với các đoàn tỉnh, tên tôi là tên bán vé. Họ thường mời tôi về hát tăng cường để hút khán giả.
Tôi từng đi tăng cường cho đoàn Đất Mũi ở Cà Mau gần 3 năm. Cát xê của tôi lúc đó là 4 triệu một đêm. Trong nghề có quy định, khi mời nghệ sĩ tên tuổi về tăng cường thì bầu show phải trả trước 50% lương để lỡ xảy ra chuyện nghệ sĩ còn có tiền bù chi phí di duyển.
Họ trả trước tôi 2 triệu mà cũng không có, phải đi vay mượn rồi chính anh em trong đoàn mỗi người gộp vào cho đủ. Khi tôi xuống hát, anh em kể lại mới biết.
Vũ Luân và ông hoàng cải lương Hồ Quảng – Vũ Linh giống như từ ngoại hình tới giọng ca.
Biết chuyện, tôi rất thương anh em và ở lại hát vài năm cho đoàn. Hồi đó các đoàn hát đều di chuyển bằng ghe nhỏ nên gọi là gánh hát. Đoàn mướn ghe thuyền để đi từ bến này tới bến hát kia.
Tôi hát có lương là bình thường nhưng đời sống anh em cũng được cải thiện rất nhiều vì vé bán được thì lương họ cũng đều đặn và cao hơn, mọi người ai cũng ăn nên làm ra.
Bầu show mua được mấy miếng đất và cả một con tàu lớn chở được hơn 100 hành khách và để tên tàu là Vũ Luân. Tôi ngại thì bầu show nói đó là kỷ niệm Vũ Luân hát với đoàn.
Trong nghề này, có một số nghệ sĩ khi hát tăng cường thấy đông khán giả thường đòi lên lương nhưng tôi tự hào là chưa bao giờ làm vậy.
Tôi hát trường kỳ kháng chiến cho họ gần 3 năm mà luôn giữ mức lương đó“.
Nhờ đi hát, Vũ Luân còn mua được cho các anh chị em ruột mỗi người một căn nhà trị giá cả trăm cây vàng.
Anh bảo: “May mắn là Tổ nghiệp thương nên cho tôi làm được những việc mình mơ ước. Hát là niềm đam mê của tôi. Tối tối được đi hát là tôi vui, chẳng bao giờ quan tâm xem mình được bao nhiêu tiền vì có một người cô chuyên đi theo để làm việc với bầu show.
Cho tới một ngày ngồi nhìn lại, thấy mình quá nhiều vàng mới nghĩ sao mình có nhiều tiền thế vậy là tôi đi mua nhà cho hai ông anh, một bà chị và một cô em gái. Mỗi căn nhà lúc đó khoảng 70 đến 100 cây vàng.
Có lẽ vì mình kiếm tiền dễ quá nên tôi mua nhà cho anh chị em cũng dễ như người ta mua cái bánh”, Vũ Luân kể.