(Tổ Quốc) – “Nếu Hoàng Dũng còn thời gian, còn sức khỏe thì kiến thức, tài năng, nhân cách của Dũng còn giúp cho sân khấu Việt Nam bớt đi sự chông chênh, bớt đi những dư luận không hay”, NSƯT Lê Chức nói.
NSND Hoàng Dũng vừa từ trần lúc 14 giờ 15 phút chiều mùng 3 Tết Tân Sửu 2021 (tức ngày 14/2/2021) tại bệnh viện sau một thời gian “chiến đấu” với bệnh tật.
Sự ra đi của ông tuy nằm trong “dự liệu” của nhiều đồng nghiệp nhưng lại không thể không khiến mọi người thương tiếc. NSƯT Lê Chức – người có khoảng thời gian cùng làm việc với NSND Hoàng Dũng tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có những chia sẻ đáng quý về ông trùm “Người phán xử”.
“Cho tôi cám ơn trước linh hồn của Hoàng Dũng…”
Việc Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng ra đi, đối với những người quan tâm và biết tình hình của Dũng trong những ngày gần đây, nếu nói đột ngột thì đó là của tình huống thôi, còn chúng tôi đã dự liệu một thời gian rồi.
Tôi có nhắn một cái tin cuối cùng cho Hoàng Dũng: “Tình hình của em thế nào” thì Hoàng Dũng nói “em đã qua một cơn phẫu thuật, em sẽ nhắn tin lại cho anh”. Rồi Dũng bị chìm trong tình hình sức khỏe của mình với những cơn đau.
Tôi nói với học trò của mình là Lê Thiện Tùng, “em chọn thời điểm nào vào thăm thầy Dũng thì đưa thầy Chức đi cùng” vì tôi mới đi xa về. Tùng vâng và báo là thầy Dũng đã không còn biết gì nữa.
Rồi dịch covid bùng phát nên chúng tôi không tiến hành thăm nom được. Dù biết do tình huống nhưng trong tôi có điều gì đó rất phân tâm ở chỗ không thực hiện được ý nguyện hết sức tốt đẹp đó của mình.
NSND Hoàng Dũng từ trần lúc 2h 15 phút chiều mùng 3 Tết Tân Sửu 2021 tại bệnh viện sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.
Tôi có dùng một chữ “Dũng chỉ đợi giờ” thôi và cái giờ đó đã đến với Dũng lúc 2 giờ 15 phút chiều mùng 3 Tết Tân Sửu. Thôi thì cứ cho rằng, đó là số phận, là định mệnh, là ân đức của tiên tổ và bản thân số mệnh của Hoàng Dũng đã được khép lại vào lúc đó.
Nhận được tin, tiếc thương thì vô cùng tiếc thương. Học trò của Dũng đã viết “thầy ơi, thầy không còn đau nữa, không còn phải chịu những cơn đau vật vã một mình nữa” thì tôi cho rằng, nỗi đau của Dũng ở phút cuối cùng ấy đã được biểu cảm ở những người xung quanh.
Ngay sau khi có tin Hoàng Dũng qua đời, lập tức trên mạng xã hội, tôi thấy bạn bè, học trò của chung chúng tôi, học Dũng ở lúc này, học tôi ở lúc khác đều đồng loạt chia buồn.
Nếu có bày tỏ một lời cám ơn với Dũng ở lúc này thì cũng không muộn. Cho tôi cám ơn trước linh hồn của Hoàng Dũng ở chỗ, anh ấy không “bao biện”, không ôm đồm công việc, anh ấy biết chia sẻ cho những người cộng sự hoặc học trò của những người bạn mình.
Có những vở diễn của Dũng ở phần đạo diễn làm chúng tôi sửng sốt. Hay có những vai diễn của Dũng làm chúng tôi ngỡ ngàng. Ví dụ, Dũng đã cùng diễn với Nguyễn Trung Hiếu ở vở “Cát bụi”. Sự tung hứng giữa Dũng và Hiếu, hay với Phùng Tiến Minh, Thu Hà tạo cho người xem chúng tôi sự thuyết phục gần như tuyệt đối.
Trong nghề này, để thuyết phục được đồng nghiệp khó lắm, bởi chúng tôi đều có một ngôn ngữ chung. Người Pháp có câu “đố kỵ như nghệ sĩ”, nghĩa là khi không thể đố kỵ được nữa thì là tâm phục khẩu phục. Trong trường hợp Hoàng Dũng, với tôi có thể đã có được biểu cảm của sự tâm phục khẩu phục đó.
Cả tôi và Dũng đều có những công việc như nhau vừa làm thầy vừa làm công việc đạo diễn vừa làm nghệ sĩ biểu diễn, dù tôi hơn Dũng tới 10 tuổi.
“Hoàng Dũng sống mãi ở trong chúng ta…”
Hoàng Dũng là một tài năng trên nhiều phương diện. Trong một lần tôi làm trưởng ban tổ chức liên hoan sân khấu ở Nam Định, Dũng được mời làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi cho các diễn viên tài năng sân khấu kịch.
Khi cần ý kiến của chúng tôi về công tác tổ chức, chỉ đạo kết hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn để dự liệu một danh sách những người tham gia Hội đồng giám khảo, ban tổ chức, MC… và đặc biệt là Chủ tịch hội đồng giám khảo thì cái tên Hoàng Dũng được mọi người rất tin tưởng.
Chúng tôi tin ở năng lực chuyên môn, tin ở phẩm chất một người nghệ sĩ nơi Hoàng Dũng. Dũng không có điều tiếng trong phạm vi về vật chất. Những người như vậy, rất được tôn trọng. Bởi vì, không thể phủ nhận rằng, thế lực của đồng tiền ngày hôm nay, trong tất cả các lĩnh vực đã làm thay đổi đi tư cách, nhân cách của con người.
Khi Hoàng Dũng ngồi ghế Chủ tịch hội đồng giám khảo thì người ta tin vào chuyên môn, tin vào phẩm chất không làm sai lệch đi kết quả thẩm định.
Thành ra, khi Hoàng Dũng làm Chủ tịch hội đồng cùng các thành viên trong hội đồng chấm thi thì khi công bố kết quả giải thưởng, rất ít ý kiến phản bác kết luận của hội đồng. Đó là điều mà rất ít các cuộc thi liên hoan có thể có được.
Hoàng Dũng tạo cho đồng nghiệp niềm tin, an tâm để mà thi. Bởi hiện nay, những chuyện mua giải, chạy giải vẫn xuất hiện trên truyền thông nhưng với Hoàng Dũng thì những ý kiến như vậy sau mỗi cuộc thi là rất ít.
Nói cách khác, Hoàng Dũng có uy tín cao về nhân cách, nghề nghiệp trong đồng nghiệp, trong học trò và trong công chúng. Mọi người tôn trọng Hoàng Dũng thật sự.
Tôi và Hoàng Dũng còn có một nơi làm việc chung là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tôi là Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng ban sáng tác thì Hoàng Dũng là Ủy viên ban chấp hành, gần đây mới nhận thêm trách nhiệm Ủy viên ban thường vụ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật.
Rất tiếc là với những trách nhiệm đó ở tuổi 65, cái tuổi đã đi vào trạng thái của sự chiêm nghiệm, soi xét lại mình thì Dũng lại kết thúc. Nếu Dũng còn thời gian, còn sức khỏe thì kiến thức, tài năng, nhân cách của Dũng còn giúp cho sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu thủ đô nói riêng bớt đi sự chông chênh, bớt đi những dư luận không hay.
Dĩ nhiên, dư luận bao giờ cũng có khi mà nó đáp ứng được cho người này mà không đáp ứng được cho người khác.
Đã là nghệ sĩ thì dù nhân dân, hay ưu tú, hay chưa có danh hiệu hay thậm chí những người mới đang học nghề diễn viên thôi nhưng đặc biệt của nghề này, lòng tự trọng và sự tự nhìn nhận về mình có khi cao hơn thực tế rất nhiều.
Cho nên rất cần những người cầm cân nảy mực để cùng giúp nhau nhận ra thực chất của tình huống và thực chất của mỗi cá nhân. Dũng là một trong những người có thể tạo cho sân khấu và đồng nghiệp, học trò niềm tin ấy.
Rất tiếc là sân khấu lại mất đi một người như Hoàng Dũng. So với các bậc thầy vẫn còn đây, có người 90, có người 80 tuổi thì ở tuổi 65 đi lúc này là sớm khi tài năng đang rất rực rỡ. Chúng ta mất đi một người mà người đó sẽ để lại khoảng trống lớn trong sân khấu Việt Nam đương đại.
Cách đây mấy hôm, chúng ta vừa mất đi một nhà viết kịch được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, tác giả Nguyễn Ngọc Thụ, sáng mùng 6 tới sẽ làm tang cho ông và hôm nay, chúng ta lại mất đi một người làm nghề, nghệ sĩ thật sự được tôn trọng – NSND Hoàng Dũng.
NSƯT Lê Chức và nhạc sĩ Quốc Trung.
Bùi Thanh Lê đã viết trên facebook cá nhân “thầy sống mãi ở trong chúng ta”. Cho tôi lấy chữ này của Bùi Thanh Lê để tạm kết lại những chia sẻ về Hoàng Dũng. Đó là sự trân trọng, chân thành, không gượng ép.
Hàng loạt các trang facebook của anh chị em nghệ sĩ đã đưa chân dung của Dũng ở nhiều tình huống khác nhau, có thể một mình Dũng, có thể cùng học trò hay bên cạnh bạn diễn.
Tôi cho rằng, Dũng được quyền không ân hận gì về 65 năm sống của mình, với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp. Và Dũng không phải băn khoăn gì về phần Dũng cống hiến cho sân khấu, điện ảnh. Trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh, uy tín của Dũng có ảnh hưởng lớn với thế hệ chúng tôi và 2, 3 thế hệ sau.
Theo Cao Thanh Hương (ghi) (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/nsut-le-chuc-he-lo-ve-cuoc-doi-huy-hoang-dang-song-cua-nsnd-hoang-dung-va-dieu-phan-tam-cua-ban-than-82021142215713860.htm