Nỗ lực để Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (*)

Lược trích bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ông Hà Kim Ngọc tại chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” tại Bắc Ninh)

Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Tôi rất vui mừng và xúc động được cùng với Quý vị về thăm Bắc Ninh – Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt. Xin chúc mừng tỉnh nhà với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội rất ngoạn mục và nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản văn hoá.

Từng tấc đất của Kinh Bắc đều khắc ghi những dấu tích văn hóa, lịch sử suốt chiều dài dựng nước và giữ nước vẻ vang, oai hùng của dân tộc Việt Nam. Đây là nơi hình thành nền văn minh Đại Việt với dấu tích Lăng mộ Kinh Dương Vương, ngôi Đền Lý Bát Đế thờ 8 vị vua triều  Lý, cũng là nơi ghi dấu sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt Nam với ngôi chùa Phật Tích nổi tiếng. Các di tích này, cùng với nhiều quần thể công trình có giá trị lịch sử, văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, đang cuốn hút mạnh mẽ du khách trong nước và quốc tế. Về với Kinh Bắc, chúng ta được đắm mình trong không gian văn hóa điển hình của Bắc Bộ Việt Nam, quê hương của những làn điệu Dân ca Quan họ ngọt ngào, da diết đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.

Biểu diễn Dân ca Quan họ chào mừng Đoàn đại biểu quan khách ngoại giao về thăm Bắc Ninh.

Thời chiến tranh có một câu nói rất phổ biến là: “Việt Nam ra ngõ gặp Anh hùng”. Tôi xin mượn ý câu nói đó và đổi thành “Bắc Ninh ra ngõ gặp Di sản”. Đến với Bắc Ninh, vùng đất tiêu biểu cho truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời của Việt Nam, chúng ta còn được khám phá một di sản văn hóa độc đáo, có tuổi đời hàng trăm năm, đó là nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Tranh Đông Hồ đã in sâu vào ký ức và tâm khảm của người Việt, là sự kết tinh tài hoa, sáng tạo của biết bao thế hệ nghệ nhân. Ngày còn bé, đối với tôi, thế giới trong tranh Đông Hồ thật sự sống động, lung linh, kỳ ảo. Từ Đám cưới chuột, Gà đàn, Gà trống hoa hồng; đến Chăn trâu thổi sáo, Vinh qui bái tổ, Vinh hoa Phú quý... và đến bây giờ, khi có dịp được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, tôi càng thấy tự hào và trân quý một giá trị văn hóa đặc sắc của Kinh Bắc.

Quan khách ngoại giao trải nghiệm in tranh Đông Hồ.

Một trong những nét độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ là các công đoạn sản xuất tranh đều làm thủ công, mọi nguyên liệu làm tranh đều gắn với các vật liệu tự nhiên tại làng quê Việt: màu trắng từ bột sò điệp, màu đen từ tro lá tre, màu vàng từ hoa hòe… Đối với người Bắc Ninh, những tấm ván khắc được gửi gắm trong đó tình yêu quê hương đất nước và đã trở thành đồ gia bảo, được truyền từ đời này qua đời khác.

Xin chân thành cảm ơn những nghệ nhân tài hoa, đã mang đến cho bạn bè quốc tế và chúng tôi những trải nghiệm và cảm xúc hết sức thú vị và độc đáo của quá trình công phu “thổi hồn lên giấy dó”, tạo nên những bức tranh dân gian Đông Hồ đẹp dung dị mà sâu sắc, phản ánh một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người lao động vùng thôn quê Bắc Bộ, khắc họa ước mơ ngàn đời của người Việt Nam về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Đây lại thêm một minh chứng sinh động cho thấy văn hóa là sức mạnh trường tồn của dân tộc, là sợi dây gắn kết bền chặt cộng đồng qua mọi biến cố thăng trầm của thời cuộc, là bản sắc độc đáo của người Việt qua hàng nghìn năm lịch sử.

Với tư cách là Chủ tịch UBQG Unesco Việt Nam, tôi đánh giá cao quyết tâm của nhân dân và chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của mình mà nổi bật là dân ca Quan họ và tranh dân gian Đông Hồ. Những nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian qua đã góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè, du khách quốc tế. Nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mà nổi bật là sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguy cơ mai một của thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đây cũng chính là lý do vì sao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chuyến về thăm, làm việc tại Thuận Thành chiều ngày 5-4, đã căn dặn phải tập trung sưu tầm, lưu giữ tài liệu, hiện vật quý; chú trọng đào tạo nghề làm tranh cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian Đông Hồ.

Ngày hôm nay, trên quê hương của tranh dân gian Đông Hồ, tôi vui mừng thông báo: Tháng 3/2020, Việt Nam đã đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh Dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNECO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2024. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với hồ sơ quan trọng và có ý nghĩa với việc bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Là một đất nước ngàn năm văn hiến, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, mong muốn phát huy các giá trị văn hóa của mình để phát triển bền vững đất nước và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục gìn giữ và giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc sắc của mình tới bạn bè quốc tế.

Để kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin mượn lời hát hết sức tinh tế và thấm đượm tình của người quan họ: Người ơi, người ở đừng về! Tới đây thì ở lại đây, bao giờ tốt rễ xanh cây hãy về. Xin cảm ơn các nghệ sĩ, liền anh, liền chị đã mang đến cho chúng tôi và các vị khách quý một bữa tiệc dân ca Quan họ đặc sắc.

Xin chúc cho sự kiện “Ngày tìm hiểu Việt Nam năm 2023” thành công tốt đẹp! Kính chúc Quý vị đại biểu và các vị khách quý sức khỏe, thành công và có những trải nghiệm ấn tượng trên mảnh đất mến khách và giàu truyền thống văn hóa, lịch sử – Bắc Ninh – Kinh Bắc.

(*) Đầu đề do Báo Bắc Ninh đặt

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-chinh-tri/-/details/20182/no-luc-e-ho-so-nghe-lam-tranh-dan-gian-ong-ho-uoc-unessco-ghi-danh-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-can-uoc-bao-ve-khan-cap-