“Nhiễm bệnh rồi đúng không?”: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh

Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, người Mỹ cảm thấy cảnh giác với những ai có khả năng mang bệnh. Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở sự sợ hãi, mà ẩn sau là vấn nạn phân biệt chủng tộc.

Ở Chinatown, Chicago – khu phố dành cho người Hoa, những chiếc đèn lồng đỏ vàng vẫn treo lấp lửng trên những con đường. Nhưng chiều hôm ấy, khu phố ấy vắng vẻ đến lạ, chỉ có vài người trên vỉa hè với những bước đi gấp gáp.

Nữ bồi bàn tại một nhà hàng tên Slurp Slurp Noodles chia sẻ, du khách cũng không còn ngồi chật kín vào ban trưa như trước. Trong túi cô là chiếc khẩu trang do một nhân viên bảo vệ nhét vào. Cô quàng nó lên miệng, đôi tay vẫn hơi run run.

Nhiễm bệnh rồi đúng không?: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh - Ảnh 1.

Khu phố người Hoa (Chinatown) vắng vẻ lạ thường tại thành phố Chicago

Chỉ một cái hắt hơi là đủ để gây hoảng loạn

Dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, cho đến thời điểm hiện tại có vẻ khá… nhân nhượng với nước Mỹ với chỉ 15 trường hợp được xác nhận, trong khi trên thế giới đã có hơn 1700 người thiệt mạng cùng 71.000 ca lây nhiễm, và hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh hay tử vong đều ở Trung Quốc. Đa số người Mỹ từng trải tỏ ra khá tự tin trong tình cảnh này, cho rằng họ không quá sợ hãi về dịch bệnh khi nó không bùng phát ở đất nước của họ.

Nhưng vẫn tồn tại một nhóm thiểu số. Những người đến từ Trung Quốc, hoặc đến Trung Quốc thường xuyên, hoặc những nhân viên y tế chịu trách nhiệm chống lại virus, cuộc sống của họ đã thay đổi. Hàng trăm người Mỹ từ Trung Quốc trở về hiện đang ở trong các trại cách ly do quân đội kiểm soát. 40 người Mỹ từ con tàu Diamond Princess cũng đã được xác nhận dương tính với Covid-19.

Nhiễm bệnh rồi đúng không?: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh - Ảnh 2.

Những người trở về từ tàu Diamond Princess, 40 trường hợp đã dương tính

Và với những người Mỹ gốc Á bây giờ, thứ chờ đợi họ nơi công cộng là những ánh nhìn đầy cảnh giác. Chỉ cần một cơn ho húng hắng, một cái hắt hơi, tất cả đều khiến những người xung quanh cảm thấy hoảng loạn.

“Thay vì nói “cô ổn không”, hoặc “Chúa phù hộ”*, phản ứng của họ là hoảng sợ,” – Aretha Deng, sinh viên năm nhất từ ĐH Bang Arizona chia sẻ.*Blessing you – câu người Mỹ thường nói khi có người hắt hơi

Phản ứng đối với dịch bệnh Covid-19 cũng đã được đưa vào trong một vài nghiên cứu. Trong khuôn viên các trường đại học, lớp học và tiệc tùng vẫn được tổ chức bình thường. Tuy nhiên, các sinh viên từ Trung Quốc trở về không được tham gia, mà buộc phải tự cách ly trong vòng 2 tuần.

Sự lo ngại và sự giễu cợt dành cho người gốc Á

Tháng 1/2020, Chicago – một trong những nơi có sân bay hoạt động nhộn nhịp nhất quốc gia đã rơi vào tình trạng cảnh giác cao độ, sau khi một người phụ nữ từ Trung Quốc trở về dương tính với virus corona chủng mới. Chồng của bà sau đó cũng nhiễm bệnh – chính là ca lây nhiễm từ người sang người đầu tiên được ghi nhận tại Hoa Kỳ.

Nhưng ngay cả khi điều trị thành công và cho cả 2 xuất viện, mối lo ngại vẫn còn ở đó. Các hành khách đến sân bay quốc tế O’Hare, ai cũng đeo khẩu trang. Khu Chinatown phía Nam thành phố, các cửa hàng dán biển hiệu cấm những người từng đến Trung Quốc thời gian gần đây đặt chân vào cửa hàng (dù chẳng ai biết họ kiểm soát điều ấy như thế nào). Còn tại San Francisco, những người mới nhập cư từ Trung Quốc cho biết họ thực sự lo lắng cho người thân tại quê hương, nhưng đồng thời phải đối mặt với ánh nhìn cảnh giác từ mọi người xung quanh ngay lúc này.

Yihao Xie – nhà nghiên cứu môi trường tại một tổ chức phi lợi nhuận mới quay lại Mỹ từ Lan Châu (Trung Quốc) vào ngày 30/1 chia sẻ, ông chỉ vừa kịp lọt qua cổng kiểm soát trước khi lệnh đóng cửa nhập cảnh có hiệu lực. Và dù Lan Châu cách Vũ Hán – nơi dịch bệnh bùng phát – rất xa, các đồng nghiệp cũng đồng loạt yêu cầu ông phải tự cách ly trong 14 ngày. Xie nhất trí với điều đó.

Nhiễm bệnh rồi đúng không?: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh - Ảnh 4.

Yihao Xie – nhà nghiên cứu môi trường từ Lan Châu (Trung Quốc)

Trong thời gian cách ly, Xie đi dạo quanh nhà để tự trấn tĩnh bản thân – dĩ nhiên là với một chiếc khẩu trang. Nhưng tại một cửa hàng tạp hóa, ông có thể cảm nhận mọi ánh mắt đổ dồn vào mình.

“Một số người soi tôi rất kỹ. Tôi không nghĩ họ có ý thù địch gì đâu, nhưng kiểu “Tại sao phải đeo khẩu trang – bị bệnh nhỉ?” – Xie chia sẻ.

Robert Li, một cư dân gốc Hoa tại San Francisco lại có trải nghiệm khác. Đầu tuần trước, Li đang lướt điện thoại tại một cửa hàng máy tính, và anh nghe thấy một nhân viên trò chuyện với khách hàng về dịch bệnh. Đại khái là: “Dĩ nhiên rồi, ăn thịt dơi thì sẽ nhiễm virus corona thôi,” – Li hồi tưởng.

“Họ đang giễu cợt người châu Á. Đây là một kiểu phân biệt chủng tộc, khi cho rằng người Trung Quốc ăn tất cả mọi thứ.”

Nhiễm bệnh rồi đúng không?: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh - Ảnh 5.

Trong quá khứ, những người nhập cư từ Trung Quốc đã từng bị ngăn cản bởi một lệnh cấm vào năm 1882 – cũng là điều luật chống nhập cư đầu tiên của Trung Quốc. Khi đạo luật được nới lỏng vào năm 1965, dân số Trung Quốc tại Mỹ cũng tăng lên, và đạt ngưỡng “bùng nổ” vào năm 1980.

Ở thời điểm ấy, chỉ có khoảng 500.000 người Hoa sống tại Mỹ. Còn hiện tại là 5 triệu, chủ yếu tập trung ở những thành phố đông dân cư như New York, Los Angeles, San Francisco, San Jose. Và bởi tập trung đông mà khi thông tin dịch bệnh nổ ra, đây cũng là những nơi cảm thấy lo lắng nhất cả về sức khỏe lẫn kinh tế, bởi nó đến ngay sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Dịch bệnh thực sự là một thế lực cực mạnh để khiến các nhóm người chống lại nhau,” – trích lời Vincent Pan, đồng giám đốc điều hành của tổ chức quyền công dân Trung Hoa Affirmative Action tại San Francisco. “Trong lịch sử, các dịch bệnh thực sự gây chia rẽ trong các cộng đồng một cách rất nhanh chóng.”

Tại nước Mỹ những tuần qua, cơ quan y tế đã đưa ra những cảnh báo một cách hết sức tế nhị, cố gắng bảo vệ công chúng mà không gây hoang mang, đồng thời ngăn chặn thái độ bài ngoại một cách không cần thiết. Từ tháng 1/2020, thông điệp duy nhất được nhắc đi nhắc lại rằng rủi ro nhiễm virus tại Mỹ vẫn đang là rất thấp.

“Chủng tộc là thứ không liên quan đến việc lây lan virus corona chủng mới,” – Jeanne Ayers, công chức y tế ở bang Wisconsin chia sẻ sau thông tin một công dân tại thành phố Madison nhiễm virus. “Nó nằm ở lịch sử di chuyển và việc tiếp xúc gần với nguồn bệnh.”

Đơn giản là kỳ thị?

Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra đã được kiểm soát một cách chặt chẽ tại Mỹ sau quyết định siết chặt nhập cảnh với các chuyến bay từ Trung Quốc, đồng thời đặt những người từng đến đại lục vào khu vực cách ly của quân đội trong vòng 2 tuần, hoặc yêu cầu cách ly tại gia. Những người bị cách ly, họ cho biết bản thân cảm thấy cũng khá mơ hồ. Một số thấy buồn chán, lo lắng và đơn độc, nhưng tất cả đều thấu hiểu nỗi sợ của công chúng.

Jeffrey Ho – một kỹ sư máy tại California trở về Mỹ từ tỉnh Hồ Bắc sau chuyến thăm gia đình. Hiện tại, anh đang bị cách ly cùng 170 hành khách khác từ Vũ Hán tại căn cứ không quân Travis Air Force, phía đông bắc San Francisco. Ho cho biết, anh không trách cứ gì mọi người vì nỗi sợ lây nhiễm, bởi ngay tại tỉnh Hồ Bắc, mọi người cũng như vậy. Tất cả đều tránh phải ra ngoài, giữ khoảng cách với người khác.

Nhiễm bệnh rồi đúng không?: Tình cảnh chung của người Trung Quốc tại Mỹ vào lúc này, chỉ 1 cái hắt hơi cũng bị nghi ngờ, xa lánh - Ảnh 7.

Chẳng cần đến hắt hơi, người Hoa tại Mỹ đang bị kỳ thị vì ngoại hình

“Ai cũng lo sợ cho tính mạng của bản thân. Mọi người đều cảm thấy nghi ngờ bất kỳ ai ra vào nơi sống hoặc làm việc của họ.”

Nhưng mặt khác, Ho cảm nhận rằng nỗi sợ virus của người Mỹ thực chất lại gắn với vấn nạn phân biệt chủng tộc hết sức nặng nề. “Tôi có cảm giác mình là một mục tiêu bị nhắm đến vậy,” – anh chia sẻ.

Eileen Wong – một nhà tư vấn doanh nghiệp từ New York với gia đình tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng có trải nghiệm tương tự. Trên chuyến tàu tại Philadelphia cùng đồng nghiệp, cô đứng ở một góc, lặng lẽ suốt 90 phút di chuyển. Một người phụ nữ ngồi gần đó đang xem điện thoại ngước mắt lên. Bà lập tức thốt lên “Chúa ơi!” ngay khi nhìn thấy Wong, rồi lật đật trùm áo, che kín người.

Liếc trộm qua màn hình, Wong thấy người này gõ lên… Google: “Virus corona chết chóc đến mức nào?”

Manhattan – nơi Wong hiện đang sinh sống, là một thành phố đa chủng tộc với nhiều người đến từ Trung Quốc. Nhưng với Wong, chưa khi nào cô cảm thấy cô lập như bây giờ.

“Tôi lớn lên ở đây, thậm chí tiếng Anh còn không bị lai giọng,” – Wong chia sẻ. “Đây là Mỹ, tại sao chuyện này lại xảy ra chứ.”

“Trải nghiệm ấy thực sự đáng giá. Chúng tôi chẳng có chút dấu hiệu nhiễm bệnh nào như ho hay hắt hơi cả. Đơn giản chỉ là phân biệt thôi.”

Tham khảo: NY Times

J.D , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/gioi-tre/nhiem-benh-roi-dung-khong-tinh-canh-chung-cua-nguoi-trung-quoc-tai-my-vao-luc-nay-chi-1-cai-hat-hoi-cung-bi-nghi-ngo-xa-lanh-2202018201028320.htm