Kinh tế Internet tại Việt Nam tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, thương mại điện tử gần như tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017, quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% mỗi năm.
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 – một nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật số (hay còn được gọi là kinh tế Internet) được thực hiện giữa Temasek (Singapore) và Google đánh giá mảng kinh tế này của Việt Nam như “con rồng chuyển mình”. Quy mô kinh tế Internet tại đây đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm, nhờ có thương mại điện tử và truyền thông online.
Theo ước tính của báo cáo, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á đã đạt 72 tỷ USD tổng giá trị (GMV) vào năm 2018 trên các lĩnh vực: Du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và dịch vụ gọi xe.
Mức tăng trưởng đạt 37% so với một năm trước đó, vượt ra ngoài tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 32% (CAGR) được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2018. Dự báo đến năm 2025, con số 72 tỷ này sẽ nâng lên thành 240 tỷ USD.
Nền kinh tế Internet ở Việt Nam đã ghi nhận tổng giá trị lên tới 9 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, thương mại điện tử gần như tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017, quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% mỗi năm, kinh tế online ở Việt Nam đang thực sự bùng nổ. Thị trường du lịch trực tuyến cũng còn rất nhiều khoảng trống để phát triển.
Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của kinh tế kỹ thuật số so với GDP là lớn nhất trong khu vực, con số này là 4% vào năm 2018. Đứng thứ 2 là Singapore với 3,2%.
Về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan. Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đuổi kịp Indonesia khi họ đang bỏ xa cả về quy mô (gấp 3 lần) lẫn tốc độ tăng trưởng. Dự báo đến năm 2025, tổng giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ là 33 tỷ USD.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam tuy vẫn xếp sau Indonesia về quy mô thị trường, nhưng đã vượt qua Thái Lan. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm kể từ 2015 được dự báo sẽ là 43%, đưa Việt Nam trở thành đất nước có ngành thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Lĩnh vực được quan tâm thứ hai trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện tại là dịch vụ du lịch trực tuyến. Ở hạng mục này, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 4. Dịch vụ du lịch trực tuyến bao gồm các hoạt động như: đặt vé máy bay online, thuê khách sạn hoặc các hình thức lưu trú tương tự online.
Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ gọi xe online. Giờ đây không còn gói gọn trong khuôn khổ là chở khách lấy tiền, các doanh nghiệp còn phát triển cả dịch vụ chuyển phát hàng hoá, ví dụ như đồ ăn.
Ở Việt Nam, người tiêu dùng đã quá quen thuộc với việc đi làm Grab, đi chơi Grab…Giới trẻ giờ không cần đến các quán ăn vì đã có các dịch vụ vận chuyển đồ ăn như Delivery Now, Loship, Now.vn,… Các cửa hàng có thể chuyển hàng đến tận nhà cho khách hàng qua dịch vụ Aha Move, Lala Move với chi phí cực rẻ.
Tuy nhiên nếu so sánh trong khu vực, Việt Nam chỉ xếp trên duy nhất Singapore. Rõ ràng thị trường này vẫn còn rất nhiều khoảng trống để khai thác tại Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng dự báo 29%, đến năm 2025 quy mô ngành này tại Việt Nam sẽ đạt 2 tỷ đô la, chỉ bằng một nửa Thái Lan và Singapore. Và bằng 1/7 Indonesia.
Về dịch vụ viễn thông, với những cải tiến liên tục trong cơ sở hạ tầng Internet và nỗ lực giảm giá, lượng người dùng Internet ở Đông Nam Á đã tăng từ 260 triệu trong năm 2015 lên 350 triệu vào năm 2018.
Đông Nam Á trở thành khu vực có Internet phát triển nhanh nhất trên thế giới. Xếp hạng về chi phí cho việc sử dụng Internet trên điện thoại, chi phí của 1 GB truy cập mobile Internet của Việt Nam chiếm 0,9% thu nhập bình quân đầu người. Con số này thấp hơn Thái Lan và Phillipines nhưng vẫn cao hơn 3 quốc gia còn lại là Indonesia, Malaysia và Singapore.
Cuối dùng là dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nhìn chung người Việt Nam vẫn còn quen với việc sử dụng tiền mặt. Do đó, cần nỗ lực rất nhiều để thay đổi thói quen chi tiêu và tiết kiệm của người dân để tận dụng được những lợi ích của việc phát triển thanh toán trực tuyến như: tiết kiệm thời gian, ngăn chặn “rửa tiền”,…
Xếp hạng về tỷ lệ thanh toán trực tuyến, Việt Nam chỉ xếp trên Phillipines và bị bỏ xa bởi các quốc gia còn lại trong khu vực.