Niềm tin vào búp bê ma cũng giống như tin vào Hội thánh Đức Chúa Trời, người buôn bán sẽ lợi dụng niềm tin đó để mưu cầu lợi ích cá nhân. Những người nuôi búp bê này nên đi khám, tư vấn tâm thần nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và xã hội…
Cần đi khám tâm thần để không sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống
Chia sẻ trong buổi giao lưu Phật pháp tại chùa Ba Vàng, B.B tâm sự: “Do gặp nhiều trắc trở trong công việc và tình duyên nên chị mình đã quyết định sang Thái Lan để rước một em Kumathong về, mong sao mọi điều may mắn sẽ đến.
Chị gọi nó là con, đặt tên cho nó là Mi Mi. Ngày nào chị cũng mua bim bim, sữa, coca cho nó uống, còn tự tay may những chiếc váy đính đá lộng lẫy, mua vòng vàng, vòng ngọc cho nó đeo.
Từ ngày có nó, chị ấy tươi tỉnh hẳn lên. Chị không sợ ai giận mà chỉ sợ nó giận, vì chị nghĩ nó không chỉ đem lại tiền tài mà còn giúp chủ nhân tránh được những tai nạn bất ngờ và đề phòng kẻ xấu. Nhưng khi nó giận thì nó phá cho tan cửa nát nhà.
Bốn tháng gần đây, chị không giao tiếp với gia đình, đặc biệt với mình, chị nhìn mình với ánh mắt đầy căm hận. Chị không thiết ăn uống, cũng không đi làm.
Mẹ hỏi thì chị ấy bảo công việc đang trục trặc do con Kumanthong nó giận, nó ghen, nó sẽ phá công danh của chị nếu cứ quan tâm mình. Cả gia đình đều lo lắng và không biết phải làm gì để thoát khỏi Kumanthong”.
Cô Phan Thị Yến, Phật tử, Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hoà, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) cho biết: “Kumanthong trong Phật pháp còn gọi là quỷ Cưu Bàn Trà. Thầy phép lấy những linh hồn, thần thức của thai nhi chết non và luyện cho nó vào thân búp bê.
Người ta thỉnh con búp bê đó về nhận làm con mình, coi như thần tài để nó phù hộ cho mọi việc. Theo tôi, những ai đã thờ và có tâm ý muốn thờ Kumanthong thì tốt hơn hết là mang về chùa cầu siêu cho các vong linh đó”.
Bàn luận về hiện tượng trên, bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng khoa Cấp tính nữ (khoa A), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng: “Mỗi con người đều có hoạt động thể chất và tâm thần.
Hoạt động tâm thần thì vô cùng phức tạp, mang tính chất riêng biệt, nó tuân theo một số quy luật nhưng không giống nhau. Chính vì vậy mà có những người có hành vi không phù hợp khi họ sống trong cảnh tưởng tượng, cảnh mộng, không có trong thực tế.
Có khả năng đó chính là bệnh hoang tưởng, cũng có khả năng đó là một dạng rối loạn khác nhẹ hơn.
Những đối tượng buôn thần bán thánh họ sẽ tập trung đặc biệt vào phụ nữ bởi khí chất của họ rất dễ bị ám thị, họ rất dễ tin vào những thứ không thực tế và dễ bị người khác lợi dụng lòng tin. Đó là những cái bất thường của người tâm thần, dựa trên những nhân cách bất thường.
Những người nuôi búp bê này nên đi khám, tư vấn tâm thần nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và xã hội.”
Người xấu lợi dụng để trục lợi
Thượng tọa Thích Thanh Huân, chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho biết: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, Kumathong là niềm tin trong dân gian của người Thái Lan, bắt nguồn từ việc người mẹ mang thai nhưng không giữ được thai nhi.
Khi thai nhi bị chết non, những người cha, người mẹ mang đi làm khô rồi để trong nhà thể hiện niềm thương tiếc.
Đó được coi là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tình mẫu tử. Khi có Kumanthong (đứa con vàng ngọc, quí báu), người ta tin rằng nó sẽ phù hộ cho cha mẹ và đem đến cho gia đình sự may mắn, tốt lành.
Nhưng sau đó, điều thiêng liêng này lại có mục đích thương mại hóa vì họ tin rằng Kumanthong là một vị thần có thể đem lại may mắn, tài lộc. Những năm gần đây, người ta đã làm Kumanthong giống như búp bê để thờ cúng.
Khi du nhập vào Việt Nam, nó biến tướng trở thành một loại bùa ngải và là một cách kiếm tiền phục vụ lợi ích cá nhân.
Nhìn từ triết lý của Phật giáo, thờ như vậy không mang lại lợi ích gì. Việc yểm linh hồn vào thân búp bê là do các đối tượng tự sáng chế rồi bịa đặt cho nó có tính linh thiêng.
Thực tế thì không có một vong hồn nào nhập vào vật vô tri vô giác. Những thứ vô tri vô giác không thể đem lại tài lộc cho chúng ta.
Thế nên việc nhập hồn cho búp bê để nuôi, để cầu tài lộc chỉ là một sự đắp vẽ, mê hoặc quần chúng, nhằm vào những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ để trục lợi là chính.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của Việt Nam. Đó là một sự du nhập không có chọn lọc và để lại những hệ lụy cho xã hội.
Mọi người nên có lý trí và trí tuệ để nhìn nhận rõ việc này, chớ bị mê hoặc bởi niềm tin không sáng suốt rồi mất tiền của và thời gian. Sự tốt lành sẽ đến với chúng ta qua hành động, lời nói và việc làm đạo đức, đúng đắn của mình. Hãy tin vào luật nhân quả, những may rủi hay phúc họa, tốt xấu đều đặt trên nền tảng cuộc sống hiện tại của mình”.
Đúng như lời Thượng toạ Thích Thanh Huân, lợi dụng sự huyền bí của Kumanthong, nhiều người dùng facebook đã dựa vào sự mê tín và ham muốn làm giàu của người khác mà tung ra các chiêu trò dụ dỗ để mua bán.
Nickname Vy Hồng chia sẻ: “Mình cũng thỉnh một em Kumanthong dạng búp bê cỡ 22 inch thuộc dòng phép đen với giá 8 triệu về nuôi nhưng chẳng thấy có gì khác biệt, cũng chẳng nằm mơ thấy gì.
Mình nghĩ là họ tâng bốc lên với mục đích làm giàu nhờ sự mê tín của người khác chứ thực sự thì nó chỉ là một con búp bê đồ chơi bình thường thôi, chẳng có bùa phép gì trong đó cả”.
Không chỉ rao bán búp bê ma, họ còn đánh vào tâm lý tò mò và sự cả tin của các chị em phụ nữ, họ đăng tải các bài viết về bùa ngải, sáp thơm, tinh dầu, son môi, được cho là có “phép thuật” của thầy cao tay Thái Lan. Các loại này được bán trên facebook với giá từ 1 đến 3 triệu đồng (có thể hơn).
Theo lời họ, sử dụng tinh dầu, người dùng có thể “mang người đầu ấp tay gối quay trở về, giúp người bạn đời bớt lăng nhăng bên ngoài, giúp cho chồng yêu vợ, vợ thương chồng, không phải lo gia đình đổ vỡ, giúp cho những cặp đôi yêu nhau vững bền, thắm thiết hơn…”.
Tinh dầu yêu độc quyền của “thầy phép Thái Lan”
Hay có những loại son môi “trai nghe, gái thấy đều bị cuốn hút, gây cảm tình, tạo nhớ nhung, tiền tài, danh vọng, hạnh phúc tiến triển theo hướng có lợi, muốn gì được nấy”.
Luật pháp Thái Lan đã ban bố lệnh cấm việc “chế tạo” và sử dụng Kumanthong. Thế nhưng, những đồn thổi truyền tai nhau vẫn làm cho nó là một thứ hàng chợ đen đắt giá.
Theo chúng tôi, tất cả đều là trò huyễn hoặc, bày ra để mọi người tin theo, biến nó trở thành một phương tiện trục lợi, một con đường đưa những người cả tin đến “mộ huyệt” của sự mê tín dị đoan.