Dù bạn đã uống đủ nước và cơ thể cũng không hoạt động quá nhiều nhưng miệng và cổ họng lúc nào cũng như “sa mạc Sahara”. Hãy cẩn thận với dấu hiệu luôn cảm thấy khát nước!
Sau khi tập thể dục khoảng 1 tiếng hoặc hoạt động ở dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, bạn cần bổ sung nước ngay. Nếu không, bạn sẽ trải qua một số triệu chứng như mất nước, mệt mỏi và chuột rút. Do đó, việc uống nhiều nước là hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng có những thời điểm, bạn liên tục cảm thấy khô không khốc trong miệng và cổ, luôn khát nước dù cơ thể không phải hoạt động gì nhiều.
Tiến sĩ Laura M. Hahn, một bác sĩ chăm sóc tại Trung tâm y tế Mercy ở Baltimore cho biết bạn không nên phớt lờ dấu hiệu này. Miệng và cổ họng như “sa mạc Sahara” dù đã bổ sung lượng nước nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nghiêm trọng.
“Bất kỳ vấn đề nào làm thay đổi nước hoặc cân bằng muối trong cơ thể có thể gây ra cơn khát nước. Khát nước nhiều có thể báo hiệu vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong một số trường hợp”.
1. Tiểu đường
Cả tiểu đường týp 1 và týp 2 đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể gây áp lực đến thận dẫn tới sản xuất nước tiểu nhiều hơn để giảm lượng glucose dư thừa.
“Nếu thấy uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, đồng thời giảm cân, mệt mỏi, cáu gắt không lý do, bạn nên đi xét nghiệm tiểu đường để có phương pháp điều trị kịp thời “, tiến sĩ Heather Rosen, Giám đốc y tế của UPMC Urgent Care Bắc Huntingdon ở Pennsylvania nói.
2. Khô miệng
Bệnh khô miệng thường bị nhầm lẫn với việc khát nước quá mức. “Đó là một tình trạng khô bất thường của màng nhầy trong miệng, do sự suy giảm của tuyến nước bọt”, tiến sĩ Heather Rosen giải thích.
Nếu tuyến này không tiết đủ nước bọt, có thể dẫn đến các triệu chứng khác như hôi miệng, nhai khó khăn, nước bọt xơ…
Một số nguyên nhân phổ biển gây ra khô miệng bao gồm hút thuốc, căng thẳng, lo lắng và đơn giản là do tuổi tác. Tuy nhiên, khô miệng có thể là do tác dụng phụ của các loại thuốc theo toa, thuốc dị ứng và thuốc chóng mặt.
“Ngoài ra còn có một số bệnh có thể gây khô miệng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để được tư vấn và điều trị“, cô nói thêm.
3. Chu kỳ kinh nguyệt
Vào thời kỳ “đèn đỏ”, phụ nữ thường cảm thấy khát nước hơn. Đừng lo lắng, điều này hoàn toàn bình thường.
“Nồng độ estrogen và progesterone có thể ảnh hưởng đến chất lượng chất lỏng. Thêm vào đó, sự mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt hơn mức bình thường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn rất nhiều. Tốt nhất, chị em hãy bổ sung nước nhiều hơn vào những ngày này để cân bằng cơ thể“, bác sĩ Rosen nói.
4. Tuyến giáp có vấn đề
Tuyến có hình cánh bướm nằm ở phía dưới cổ chịu trách nhiệm sản sinh ra hóc-môn tuyến giáp, tức là giúp điều chỉnh sự thèm ăn, năng lượng, nhiệt độ bên trong và các chức năng quan trọng khác của cơ thể. Phụ nữ hay gặp các vấn đề về tuyến giáp hơn.
Khi tuyến này sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hóc-môn, nó có thể gây ra một số triệu chứng khó xác định như lo lắng, bốc hỏa, miệng khô…. Tất cả dấu hiệu này đều có khiến bạn cảm thấy khát nước.
Theo Học Viện Quốc Gia Bệnh Tiểu Đường-Tiêu Hóa và Thận (Mỹ), những người mắc bệnh suy giáp cũng có thể bị những căn bệnh vốn gây ra tình trạng luôn khát nước như tiểu đường tuýp 1, hội chứng Sjorgren, và thiếu máu do thiếu B12.
5. Căng thẳng mãn tính
“Căng thẳng mãn tính làm cho tuyến thượng thận hoạt động kém, điều này có thể dẫn đến huyết áp thấp khi căng thẳng nghiêm trọng. Từ đó, bạn có thể sẽ bị chóng mặt, trầm cảm, lo lắng và rất khát nước“, tiến sĩ Hall nói.
Cảm giác khát nước là cách của cơ thể bổ sung nước vào máu với một nỗ lực để làm tăng huyết áp. Thực sự, các giải pháp dài hạn chỉ cho việc này là giảm và cân bằng mức độ căng thẳng mà thôi.
6. Thực phẩm lợi tiểu
“Một số loại thực phẩm có tác dụng lợi tiểu có thể làm cho bạn khát vì chúng làm bạn đi tiểu nhiều hơn“, bác sĩ Jessica Cording, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York cho biết.
Các loại thực phẩm đó là cần tây, măng tây, củ cải đường, chanh, dưa hấu, gừng, rau mùi tây…
“Mặc dù những thực phẩm này có lợi cho sức khỏe, bạn cần xem xét tác dụng phụ mà chúng gây nên để cân bằng chế độ dinh dưỡng và kết hợp với nhiều thực phẩm khác“.
7. Chế độ dinh dưỡng ít carb
Cảm thấy khát nước là một tác dụng phụ của chế độ ăn keto, là phương thức ăn uống nhiều chất béo, ít carbohydrate, vừa phải protein. Đơn giản là vì chế độ ăn kiêng đòi hỏi giảm lượng carbohydrate, giữ nhiều nước hơn chất béo và protein.
Mặc dù được một số người nổi tiếng ủng hộ vì nỗ lực giảm cân nhưng chế độ ăn keto lại bị xếp ở vị trí thấp kém trong danh sách chế độ ăn uống tốt nhất năm 2019.
8. Thiếu máu
Triệu chứng đột ngột mất máu như kinh nguyệt nặng hoặc chảy máu là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu máu. Cơ thể bạn bị mất nhiều tế bào hồng cầu nhanh hơn thời gian chúng được tái tạo và sẽ cố gắng bù đắp cho sự mất mát chất lỏng bằng cách kích hoạt cơn khát, Rosen nói.
70% phụ nữ bị suy giáp thường xuyên luôn có cảm giác khát nước. Một xét nghiệm máu và vật lý sẽ xác định xem bạn có thiếu máu hay không để có các phương án điều trị phù hợp.
9. Đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt là một rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến sự hấp thụ nước, không liên quan đến bệnh tiểu đường nhưng nó có một vài triệu chứng tương tự như mất nước và bàng quang hoạt động bận rộn.
Bởi vì bạn thường xuyên mất nước qua đường nước tiểu, cơn khát thường xuyên xuất hiện. Khi thấy dấu hiệu này, bạn nên gặp bác sĩ để được thực hiện một loạt các xét nghiệm để xác định và điều trị phù hợp.
* Theo Prevention