“Tôi nói thật, cho đến giờ tôi chưa từng sợ bất cứ giọng hát nam nào, chỉ sợ Hoài Lâm” – Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Hoài Lâm đi lên từ một cậu bé nghèo khó, không được học hành trường lớp bài bản, lại là ca sĩ trẻ trưởng thành từ game show, nên hiển nhiên ít được đánh giá cao về năng lực chuyên môn.
Trong mắt nhiều người, Hoài Lâm vẫn chỉ là một ca sĩ Vpop bình thường, không có gì đáng nổi bật để phải chú ý.
Nhưng nếu theo dõi Hoài Lâm trong nhiều năm qua, sẽ thấy rõ anh thực sự là một tài năng của nhạc Việt, với giọng hát trời phú không phải ca sĩ nào cũng có được.
Đàm Vĩnh Hưng từng thừa nhận, anh trọng dụng Hoài Lâm không phải vì thân quen, mà vì đây là ca sĩ có tài. Anh nói: “Từ xưa tới giờ tôi làm nghề mà đụng tới chuyên môn là không bao giờ có chuyện tình cảm, tình thân. Phải là người có chất lượng, tôi mới mời làm việc chung.
Có nhiều người quen gửi gắm con cháu, anh em cho tôi, nhưng tôi không đồng ý vì không biết họ là ai. Thậm chí, có trả tôi một hai chục tỷ tôi cũng không làm.
Hoài Lâm và Dương Triệu Vũ là hai đàn em mà tôi đánh giá cao“.
Chưa dừng lại ở đó, Mr Đàm còn thừa nhận mình sợ Hoài Lâm vì những năng lực đáng kinh ngạc trong giọng hát của anh. Ông hoàng nhạc Việt chia sẻ: “Riêng về Hoài Lâm, khi anh Hoài Linh dắt nó đến gặp tôi, nó mới 13 tuổi, quần áo thì bẩn, người thì hôi. Nhưng nó lại có khả năng hát rất đặc biệt. Sau hai năm trời tôi dìu dắt, Hoài Lâm đã biết hết tất cả mọi thứ.
Tôi nói thật, cho đến giờ tôi chưa từng sợ bất cứ giọng hát nam nào, chỉ sợ Hoài Lâm. Ai muốn nói tôi sợ cũng được, chứ riêng tôi thì không. Thế mà sau khi thu âm chung bản đầu tiên với Hoài Lâm, tôi phải bảo nó đi về để thu lại toàn bộ phần của mình“.
Hoài Lâm hát Ballad ngọt ngào
Vậy, tài năng của Hoài Lâm “ghê gớm” tới đâu mà khiến Đàm Vĩnh Hưng phải sợ như vậy?
Giọng hát trời phú, đa dạng và phong phú
Xét về âm sắc, giọng Hoài Lâm không đặc biệt và ít gây ấn tượng với người nghe. Đó cũng không phải chất giọng quá đẹp. Tuy nhiên, Hoài Lâm lại may mắn được trời phú một giọng hát có nhiều năng lực và tố chất tiềm ẩn.
Hoài Lâm bẩm sinh là tenor 1 – loại giọng nam cao phổ biến ở Việt Nam, với hàng loạt đại diện tiêu biểu như Bằng Kiều, Trọng Tấn, Bùi Anh Tuấn, Hà Anh Tuấn, Trung Quân Idol…
Đặc trưng của loại giọng này là âm sắc sáng, mảnh, nhẹ và tessitura thuận lợi trên quãng cao nên dễ dàng lên nốt cao.
Loại giọng này còn được gọi một cách dân giã là giọng mái hoặc giọng nam mái. Ngược lại, nhược điểm của nó là ít có độ dày, lực và ấm.
Các giọng tenor 1 điển hình như Bằng Kiều hay Bùi Anh Tuấn thường hát khá nhẹ, bay và dễ mixed nốt cao hơn kiểu giọng tenor 2 như Tùng Dương, Tuấn Hưng, Cao Thái Sơn.
Hoài Lâm sở hữu đầy đủ lợi thế của tenor 1, với chất giọng sáng, bay bổng, hát quãng trung dễ chịu, êm ái. Anh có thể lên nốt cao dễ dàng và chuyển giọng nhẹ nhàng, lanh lợi.
Hoài Lâm có thể belt cao từ F4 tới C5 và chạm hẳn tới D5 bằng giọng thật (chest voice hoặc mixed voice). Anh cũng bắt tông cao một cách dễ dàng và hát treo thoải mái liên tục. Trong phần quãng cao, Hoài Lâm tương đương với Bằng Kiều, Bùi Anh Tuấn.
Cũng giống như các tenor 1 khác, Hoài Lâm không phát triển quãng trầm nên xuống trầm bị mờ.
Nhưng với năng lực bẩm sinh riêng có, Hoài Lâm có thể thay đổi sắc thái giọng hát một cách linh hoạt, theo kiểu chuyển giao qua lại liên tục giữa tenor 1 và tenor 2 chứ không cố định ở ngưỡng tenor 1.
Giọng hát của anh có thể thay đổi màu sắc theo từng ca khúc, lúc dày lúc mảnh, lúc nhẹ nhàng, mềm mại, lúc lại đầy cứng cáp, rắn rỏi đầy nam tính.
Bởi vậy, màu giọng của Hoài Lâm khi bắt tông rất đa dạng, lúc cao vút như Bằng Kiều, Bùi Anh Tuấn, lúc lại đầy đặn, hơi tối như Cao Thái Sơn, Noo Phước Thịnh.
Hoài Lâm ngẫu hứng Thành phố buồn
Về sắc thái giọng hát, Hoài Lâm càng tỏ ra biến ảo hơn, thay đổi đến khó nắm bắt. Anh như con tắc kè trong âm nhạc, khoác hàng trăm lớp áo với đủ mọi họa tiết. Ở mỗi lần xuất hiện hoặc mỗi ca khúc thể hiện, Hoài Lâm đều tạo ra chất sắc hoàn toàn khác mà ít ai ngờ tới. Nói cách khác, ít ai có thể đoán được Hoài Lâm sẽ hát như thế nào, với kiểu giọng ra sao.
Có khi, Hoài Lâm hát rất bay bổng, đẹp thuần khiết, đầy lãng mạn, nhưng sau đó lại phong trần, bụi bặm, rồi nổi loạn, man dại, hay rền rĩ, mùi mẫn… Anh thể hiện được rất nhiều màu sắc, sắc thái khác nhau.
Nhờ đó, Hoài Lâm hát bất cứ thể loại nào cũng ra chất và dù hát rất nhiều loại nhạc, nhưng không hề bị lẫn vào nhau. Sự biến ảo này, chỉ một số ít người làm được, như Bảo Yến.
Chẳng hạn, khi hát Ballad Hoài Lâm ngọt và buồn đến tái tê, lại bay bổng, nhưng sau đó lại đầy ngẫu hứng, man dại ở các thể loại mang hơi hướm R&B/Blues, rồi mùi mẫn đến hơi “sến” ở Bolero, dân ca… Rất hiếm người có thể vừa hát Bolero mùi mẫn xong lại chuyển sang ngẫu hứng đậm màu R&B với những cú phiêu man dại, khỏe khoắn như Hoài Lâm.
Chính Đàm Vĩnh Hưng phải thừa nhận: “Hoài Lâm có rất nhiều tài năng đặc biệt, khiến tôi phải nghĩ. Nó giống như một thiên tài, hát cải lương, vọng cổ cũng được, nhạc trẻ cũng hay“.
Độ khàn bẩm sinh trong giọng nói của Hoài Lâm hoàn toàn biến mất khi anh hát, để tạo được sự trong trẻo. Đây là điều hiếm thấy.
Quãng giọng của Hoài Lâm khá rộng, từ D3 tới tận D5 giọng thật và lên tới A5 giả thanh. Anh có thể vừa belt giọng ngực căng tràn, lại vừa mixed voice nhảy nốt treo liên tục.
Điều đáng nói là, Hoài Lâm không hề được học hành nhiều. Tất cả những gì anh có được phần lớn là tự học và nhìn các ca sĩ khác hát để học theo. Với một ca sĩ tự học, để có được giọng hát linh hoạt, giàu màu sắc, nhiều năng lực như vậy thực sự là thiên bẩm.
Những kĩ thuật tự học đáng nể
Nếu nghe Hoài Lâm nhiều, khán giả sẽ thấy, anh đúng là ca sĩ tự học, vì ở chàng ca sĩ này vẫn còn khá nhiều thô ráp, chưa được mài dũa.
Chẳng hạn, falsetto của Hoài Lâm đẹp, ngọt ngào nhưng chưa mượt. Anh rung chưa đều và thiếu support, ở nhiều nốt vẫn strain và cao thanh quản, khả năng cộng minh và support hơi thở chưa cao.
Nhưng bằng tư duy, cảm nhạc bẩm sinh và tinh thần tự học cao cùng khả năng nắm bắt nhanh, Hoài Lâm đã nhanh chóng tiếp thu và thực hiện được những kĩ thuật đáng nể trong ca hát.
Là tenor 1 nên Hoài Lâm xuống F3 hơi mờ, nhưng vẫn vibrato được. Anh nhả chữ dễ dàng trên A#3 và hát trầm khá sáng, tạo được sự nhẹ nhàng cho câu hát.
Quãng trung và cận cao của Hoài Lâm khá phát triển và đa màu sắc. Anh có thể belt G4 dày, lực với trường hơi dài, belt A4 đầy đặn, vang và lên tới Bb4, B4 dễ dàng, linh hoạt và căng tràn.
F4, F#4, G4 có thể xem là điểm G trong giọng hát của Hoài Lâm, với những kĩ năng không tưởng và đáng gờm. Hoài Lâm belt F4, G4 rất to, dày với nguồn âm lượng lớn. Khi hát âm đóng trên G4, anh tạo được luồng thanh âm đanh, dày, sắc và full, không hề strain.
Quãng giọng của Hoài Lâm
Không chỉ belt dài, Hoài Lâm còn có thể vocal runs trên F#4 đầy ngẫu hứng như Tùng Dương.
Đáng nể hơn cả là dù không hề được học hành trường lớp, nhưng Hoài Lâm vẫn có thể belt F4 căng tràn đậm màu sắc kịch tính, với tần số vibrato nhanh theo lối cổ điển, cuồn cuộn vũ bão, khiến ai cũng phải choáng ngợp. Lối hát này được tìm thấy ở những diva lớn như Whitney Houston.
Nhờ quãng giọng rộng nên Hoài Lâm có thể mixed cao một cách dễ dàng. Anh có thể hát treo liên tục từ A4 tới C5 trong mọi phrase, belt C5 căng tràn. Thậm chí, anh còn có thể growl C#5 nhưng vẫn hold nốt để chạy âm lượng to nhỏ rồi vẫn gằn liên tục trong một làn hơi.
Hoài Lâm từng khiến Đàm Vĩnh Hưng phải thốt lên: “Hoài Lâm hát quá hay, nhưng nốt cao của nó bay và sáng. Tôi rất tự hào khi nhắc đến nó”.
Nhưng trên hết phải nhắc tới bản lĩnh và thẩm mỹ âm nhạc tiến bộ, thiên bẩm của Hoài Lâm. Dù không hề được đào tạo mà chỉ học từ các ca sĩ đi trước, nhưng anh lại có được lối biểu diễn đầy chất nghệ sĩ.
Khi biểu diễn, Hoài Lâm phát huy được “máu điên” của mình. Anh biết phiêu, biết làm chủ giai điệu và thể hiện ca khúc sáng tạo. Lối hát đặc trưng của Hoài Lâm là belt cao rồi melisma theo màu R&B rất bản năng.
Lối hát của Hoài Lâm đậm chất nhạc tính, ngẫu hứng và thể hiện sự cảm nhạc tốt. Anh bẻ nhịp, ngắt nhịp, nghỉ nhịp bản năng nhưng rất hay, cảm xúc.
Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
– Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
– Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
– Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
– Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
– Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
– Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
– Vibrato: Ngân rung.
– Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
– Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
– Diminuendo: Hát nhỏ dần.
– Fortissimo: Hát to dần.
– Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
– Subito forte: Hát to đột ngột.
– Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
– Messa di voce: Hát nhỏ – to – nhỏ liên tiếp.
– Airy voice: Âm hơi.
– Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
– Falsetto: Giọng gió.
– Head voice: Giọng đầu.
– Chest voice: Giọng ngực.
– Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
– Strain: Hát căng thẳng.
– Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
– Staccato: Hát ngắt.
– Trillo: Rung láy.
– Legato: Hát liền giọng.
– Voice project: Phóng âm.
– Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
– Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
– Throaty: Hát dính cổ
– High larynx: Cao thanh quản.
– Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
– Run/riff: Chạy note phức tạp.
– Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.
– Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.