Hội thảo phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Chiều 19.5, tại TP Quy Nhơn, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội thảo phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì có các đồng chí: Hoàng Đăng Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.

Quang cảnh hội nghị.

Dự Hội thảo có các đồng chí đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy; phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy một số tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đồng chí Phan Thăng An – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Lân Hải – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DN Trung ương; lãnh đạo các DN trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, ngày 29.7.2010, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW trong tình hình mới, mở rộng đối tượng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các DN.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Đến năm 2017, Ban Bí thư có Thông báo số 22-TB/TW, ngày 11.4.2017 về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3.6.2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó xác định rõ chủ trương đẩy mạnh phát triển Đảng, các đoàn thể trong DNTN.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tham luận về vai trò của tổ chức Công đoàn trong phát triển đảng viên.

Tiếp đó, năm 2019, Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, với 10 nội dung trọng tâm, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Ngoài ra, để tạo cơ sở cho việc kết nạp chủ DNTN vào Đảng, bắt đầu từ năm 2013, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW về thí điểm kết nạp chủ DNTN đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Và, sau 8 năm thực hiện, Ban Tổ chức Trung ương đã tổng kết, ban hành Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW, ngày 27.9.2021 về kết nạp chủ DNTN vào Đảng thay thế Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW trước đây.

Đồng chí Lại Thế Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận.

Gần đây, Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã tiếp tục khẳng định chủ trương: Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng trong DNTN, bảo đảm chất lượng, phát huy được vai trò lãnh đạo, định hướng hoạt động của DN. Từ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã quan tâm cụ thể hóa, ban hành các quy định, nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đinh Thị Hồng Minh tham luận về công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước tại địa phương.

Có thể nói, những nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương là những căn cứ rất quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tham luận về công tác phát triển đảng viên tại các khu kinh tế ở địa phương.

Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước đã được các cấp ủy quan tâm hơn, chú trọng xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng và kết nạp vào Đảng đối với những quần chúng ưu tú; số lượng và chất lượng đảng viên mới tăng liên tục qua các năm. Cơ cấu đảng viên mới có sự chuyển biến tích cực hơn; tỷ lệ đảng viên là chủ DNTN ngày càng tăng.

Thực tế cho thấy, có tổ chức đảng và đảng viên trong DNTN không chỉ tạo thuận lợi cho chính người lao động là đảng viên được sinh hoạt đảng tập trung, mà còn là cầu nối gắn kết DN với cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người lao động với chủ DN; đồng thời, động viên người lao động phát huy sáng kiến, trách nhiệm để nâng cao năng suất lao động, tham gia các phong trào thi đua tốt hơn, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

DN có tổ chức đảng cũng sẽ có ý thức cao hơn trong việc thực hiện các hoạt động của mình, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh; góp phần bảo đảm ANTT, sản xuất phát triển, giải quyết các vấn đề phát sinh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế các vụ tranh chấp hợp đồng lao động, tình trạng đình công, lãn công, bảo đảm ổn định tình hình ANTT.

Ông Phan Văn Phước – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước (Bình Định) chia sẻ về công tác phát triển đảng viên tại đơn vị.

Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng đảng viên mới kết nạp còn ít so với nguồn hiện có. Việc phân công, theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng còn lúng túng, nhiều nơi thiếu quan tâm, không có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, nên việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới gặp khó khăn.

Hiện có nhiều đảng viên làm việc trong các khu, cụm công nghiệp nhưng lại chưa có chi bộ do DN thiếu mặn mà, quan tâm. Những đảng viên làm việc tại nhiều DN không có tổ chức đảng cũng phải sinh hoạt phân tán tại địa phương, thậm chí bỏ sinh hoạt Đảng. Nhiều chi bộ hiện nay số lượng đảng viên ít, có chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên mới; số lượng đảng viên không giữ vị trí lãnh đạo trong DN cũng khiến chi bộ không phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong DN. Đặc biệt, công nhân lao động lại phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động nên việc bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng còn khó khăn, dẫn đến nhận thức, động cơ và mục tiêu phấn đấu vào Đảng còn hạn chế. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là những DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có yếu tố liên quan đến nước ngoài chưa có tổ chức đảng, thậm chí có đơn vị có đảng viên làm việc nhưng lại không dám công khai.

Trước tình hình đó, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên trong DN khu vực ngoài Nhà nước, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp khả thi trong công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước là yêu cầu cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, cơ sở thực tiễn, phân tích đánh giá một cách toàn diện thực trạng tình hình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên trong khu vực DN ngoài Nhà nước.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề:

Thứ nhất, làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên trong khu vực DN ngoài Nhà nước nhằm góp phần tạo cho khu vực này trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thứ hai, cần phân tích đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt đạt được, chưa đạt được, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, nhất là đối với chủ DNTN; đồng thời, chỉ ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; trao đổi, giới thiệu cách làm mới, hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên.

Thứ ba, tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong đó, chú trọng các giải pháp về kết nạp đảng viên là chủ DNTN, về thành lập, củng cố tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong các DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cần xác định rõ trách nhiệm cam kết của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước với quyết tâm chính trị cao nhất.

Thứ tư, thông qua Hội thảo, cần kiến nghị, đề xuất với Trung ương và các cơ quan liên quan tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đảng viên trong các DN ngoài Nhà nước nhằm hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Tại Hội thảo đã có 14 tham luận phát biểu nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài Nhà nước khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Các tham luận đã làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên trong khu vực DN ngoài Nhà nước, phân tích đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt đạt được, chưa đạt được, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, nhất là đối với chủ DNTN.

Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; trao đổi, chia sẻ những cách làm mới, hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên. Bên cạnh đó, Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong công tác tạo nguồn, đánh giá phân tích chất lượng quần chúng ưu tú, bồi dưỡng nhận thức về Đảng để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; trong đó, chú trọng các giải pháp về kết nạp đảng viên là chủ DNTN, về thành lập, củng cố tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong các DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ các địa phương, đơn vị để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như tham luận trình bày tại hội thảo. Qua đó cung cấp cho Ban Tổ chức Trung ương những góc nhìn đa chiều trong công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài khu vực Nhà nước hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đặt câu hỏi làm gì để các DN “mặn mà” hơn với công tác đảng, đoàn thể và nhấn mạnh rằng đây vẫn là một bài toán không dễ giải nếu cấp ủy không “xắn tay” thực sự vào cuộc.

Thực tế cho thấy khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cho kinh tế ngoài nhà nước phát triển, trong đó có việc khuyến khích phát triển đảng ở khu vực này và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân đã thể hiện nội dung cốt lõi của yêu cầu này.

Tại hội thảo lần này đã cho thấy những tồn tại hiện hữu trong công tác phát triển đảng ở DN ngoài nhà nước; để tạo bước đột phá, trong thời gian tới phải chú trọng khắc phục nhanh những tồn tại, trong đó tập trung giải pháp để mỗi DN ngoài nhà nước thấy được lợi ích khi có tổ chức Đảng trong DN.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu đáp từ, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã chọn Bình Định là nơi tổ chức hai hội thảo lớn về công tác phát triển đảng viên.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh trong khu vực quan tâm đến sự phát triển Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước hơn nữa.

“Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, vấn đề của Đảng, Nhà nước các cấp là tạo mọi điều kiện để DN phát triển, hòa chung vào dòng chảy của đất nước, của Đảng và mỗi một công nhân phải thật sự thấy tự hào khi mình trở thành đảng viên, mỗi DN thấy được lợi ích khi vào Đảng, có như vậy công tác phát triển đảng mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

NGUYỄN HÂN – HỒNG PHÚC

Nguồn Báo Bình Định: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=258936