Tác động về giá cả có thể được thấy rõ ngay trong tháng sau với chỉ số CPI, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính nhận định. Tuy nhiên, ông khẳng định những mục tiêu về lạm phát, tăng trưởng đã đề ra vẫn được đảm bảo.
Hôm 20/3, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36%. 13 ngày sau đó, ngày 3/3, giá xăng dầu cũng có sự điều chỉnh với mức tăng cao nhất là gần 1.500 đồng/lít (xăng RON95). Việc hai nguyên liệu đầu vào quan trọng này liên tiếp tăng giá khiến cho nhiều người lo ngại về áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất và bức tranh kinh tế vĩ mô chung.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra các quan điểm trái ngược. Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng với việc tăng giá xăng, điện, lạm phát có thể tăng nhưng mục tiêu khoảng 4% mà Chính phủ đặt ra là hoàn toàn thực hiện được.
“Hiện lạm phát vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu để ra. Quý I, chỉ số CPI bình quân tăng 2,63% so với cùng kỳ 2018, là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây”, ông cho biết.
Như vậy, vị chuyên gia này nhận định việc xăng, điện tăng có tác động đến vấn đề giá cả, lạm phát nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Đối với vấn đề tăng trưởng chung, ông Độ cho rằng có thể hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị tác động vì nguyên liệu đầu vào tăng, tuy nhiên, mục tiêu GDP của Việt Nam đề ra có đạt được hay phông phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế tế giới.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng có chung quan điểm này. Chia sẻ với chúng tôi, ông Long nhận định kinh tế vĩ mô chung sẽ không bị tác động. Ông cũng dẫn ra khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, hồi cuối tháng 3, rằng lạm phát hoàn toàn có thể kiểm soát được từ mức 3,3 – 3,9%, vượt trên yêu cầu của Quốc hội.
“Xăng dầu thì còn nhiều tiềm ẩn nên cứ 15 ngày có sự điều chỉnh 1 lần, còn giá điện thì được tính toán cả rồi”, ông Long nói.
Trong sáng nay (3/4), khi trả lời báo chí về tác động tăng giá điện, xăng liên tục, Giám đốc ADB Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, nhằm giảm tiêu cực đến ngân sách chính phủ.
Việc ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá là không tránh khỏi, tuy nhiên mức độ là không lớn. Thay vào đó, ông đề cập đến vấn đề cần theo dõi kỹ lưỡng tác động của các ngành công nghiệp khác vì đây là hai nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành sản xuất.
Theo thông tin từ ĐH Kinh tế Quốc dân, một số nhóm ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh từ việc tăng giá xăng gồm có: dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính; dịch vụ lưu trú và ăn uống, thủy sản; dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải; dịch vụ vận tải, kho bãi.
Các nhóm ngành chịu tác động nhưng có độ trễ hơn gồm: sản phẩm kim loại; sản xuất thực phẩm đồ uống và thuốc lá; sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa, thuốc, hóa và dược liệu, khoáng phi kim loại; sản xuất xe có động cơ, rơ mooc và khai khoáng.