Sau chuyến thăm và làm việc tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan viết bài báo lay động lòng người – “Cánh bướm Lục Ngạn – Lan tỏa thương hiệu nông sản Bắc Giang” – đăng báo Bắc Giang số ra hôm nay. Trong bài tác giả dùng rất nhiều cụm từ “trải nghiệm” và nhấn mạnh tầng cao nhất của nấc thang giá trị là “kinh tế trải nghiệm”.
Kinh tế trải nghiệm là gì? Trong cuốn sách “Nền kinh tế trải nghiệm” của hai tác giả người Mỹ (từng có độc giả đánh giá là “một cuốn sách khôn ngoan, sâu sắc và đầy tính khai sáng”) viết, sau kinh tế số sẽ đến kinh tế dịch vụ và sau kinh tế dịch vụ thì sẽ đến nền kinh tế trải nghiệm.
Lý giải về xu hướng này, tác giả cuốn sách cho rằng, khi công nghệ phát triển, nhu cầu con người ngày một thay đổi thì khoảng thời gian của chúng ta dành cho cuộc sống là hữu hạn, tiền bạc cũng là hữu hạn vậy thì cuộc chiến giành thời gian của khách hàng cho sản phẩm của mình, cho trải nghiệm của mình, cho dịch vụ của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do vì sao “Nền kinh tế trải nghiệm” lại xuất sắc đến như vậy.
Thực tiễn “kinh tế vải thiều” đang là minh chứng sống động cho “Nền kinh tế trải nghiệm” và nó được làm sáng tỏ, có sức thuyết phục hơn bằng sự trải nghiệm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan qua bài “Cánh bướm Lục Ngạn – Lan tỏa thương hiệu nông sản Bắc Giang”.
Hiện nay, tại Lục Ngạn có khoảng 30 hợp tác xã tiếp cận “du lịch nông nghiệp”, hoặc “nông nghiệp du lịch”, tuỳ theo cấp độ, để đem đến hoạt động trải nghiệm đặc sản vải thiều và thưởng thức nhiều sản vật khác mà theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan đó là cách “đưa chợ về vườn”.
Khi trực tiếp đi chợ tại vườn, Bộ trưởng đã cảm nhận: “Người tiêu dùng gần xa đến vườn không chỉ thưởng thức và mang về những quả vải làm quà, mà còn mang cả chất đất, tình người Lục Ngạn về nơi phố thị. Du khách gần xa góp thêm sự tươi mới cho đời sống làng quê, để cuộc sống của nông dân và người dân nông thôn vốn lặng lẽ thêm phần năng động, văn minh”.
Đánh giá cao hướng đi mới của Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan viết: “Thật ấn tượng với cách thức lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Lục Ngạn đồng hành với bà con nông dân, khởi tạo và chăm chút cho mô hình hợp tác xã ở vùng đất này sau bao ngày đêm trăn trở”… “Đó là con đường chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp, đơn giản là, tạo ra giá trị nhiều hơn, cao hơn, bằng cách tiếp cận đa mục tiêu để nhận lại đa giá trị”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, “nông nghiệp du lịch” là một gợi mở thú vị. Tầng đầu tiên là kinh tế hàng hoá, tạo ra, sản xuất và mua bán đơn thuần. Tầng tiếp theo quan tâm thương mại hóa, đến dịch vụ, để tạo ra giá trị tăng thêm. Kế đến trong tầng cao nhất của nấc thang giá trị là kinh tế trải nghiệm, đem đến sự độc đáo, nét khác biệt, bằng cách “chạm” đến cảm xúc của khách hàng, của người tiêu dùng một cách tự nhiên và gần gũi.
Qua bài báo trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã truyền cảm hứng cho chúng ta về “kinh tế trải nghiệm”. Qua đây, chúng ta thấy sự trăn trở, tấm lòng của Bộ trưởng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chúng ta tin tưởng rằng, Bộ trưởng đang thúc đẩy những cách làm mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp để cả những người làm nông và người trải nghiệm, hưởng thụ những thành quả từ nông nghiệp đều no ấm, hạnh phúc.
Trần Anh
Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/theo-dong-su-kien/406372/kinh-te-trai-nghiem.html