Ngày Tết là thời điểm các bệnh lý viêm tuỵ cấp, xuất huyết tiêu hoá do rượu bia gia tăng rất cao.
Viêm tụy cấp
Ngày Tết, mọi người đều có cảm giác gặp nhau là vui ai cũng uống rượu bia và coi đây là dịp để chúc mừng nhau. Ai cũng cho rằng uống rượu bia chỉ cần vui còn bệnh tật thì ở phía sau. Cũng chính quan niệm này, sau Tết số bệnh nhân nhập viện lại càng tăng lên.
Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, uống rượu bia nhiều ngày Tết chính là nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp. 1/5 bệnh nhân viêm tụy cấp có thể suy đa tạng, suy gan, suy thận và có thể tử vong nhanh chóng.
Tụy là một cơ quan trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy hay còn gọi là dịch tiêu hóa giúp cho tiêu hóa thức ăn. Chức năng thứ hai là tiết ra một số hoóc môn, quan trọng nhất là tiết ra insulin. Nếu cơ thể không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân vào cấp cứu tại khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai
Bác sĩ Minh cho biết, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là: Sau khi uống bia rượu, từ 1-3 ngày, người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Một số trường hợp chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày.
Người bệnh viêm tụy cấp nặng có thể suy đa cơ quan như: suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong.
“Khi có các triệu chứng viêm tụy cấp (như trên), bệnh nhân đều phải nhập viện để điều trị, không thể điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Minh, có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu bia và sỏi mật. Trong đó, những người uống rượu bia thường xuyên có khả năng bệnh viêm tụy cấp rất cao. Đặc biệt, trường hợp, đã bị viêm tụy cấp do rượu bia đã điều trị khỏi nhưng tiếp tục uống rượu bia thì khả năng tái phát cao và lần sau sẽ nặng hơn những lần trước.
Ngoài viêm tụy cấp, uống rượu bia còn làm gia tăng bệnh xuất huyết tiêu hoá. Đây là cấp cứu thường gặp, bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
Dấu hiệu xuất huyết tiêu hoá
TS.BS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết vào dịp trước và sau Tết Nguyên Đán năm nào khoa cũng tiếp nhận số ca bệnh xuất huyết tiêu hóa tăng lên nhanh chóng.
Các bác sĩ cho rằng viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa là hai bệnh nguy hiểm nhất của “ma men” ngày Tết.
Những bệnh nhân này đều có tiền sử uống rượu bia. Đặc biệt, có những người uống rượu nhiều dẫn tới xơ gan. Bệnh nhân vào viện với đủ các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, vàng da, cổ trướng, viêm tụy… khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Bác sĩ Khanh cho biết, có những bệnh nhân nôn ra cả lít máu tươi do vỡ tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như: Mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê.
Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch chậm, huyết áp tụt, thở nhanh.
TS Khanh chia sẻ, không ở đâu như người Việt cứ đón xong Tết là lại vào viện trong tình trạng bệnh lý, cấp cứu với đủ thứ bệnh tật và bệnh tiêu hóa gan mật do bia rượu khiến bác sĩ cũng lắc đầu ngao ngán. Nhiều người quan niệm uống bia lành, không hại gan nhưng thực chất nếu bỏ chén rượu để uống cả lon bia thì đều hại như nhau cả.
Tiểu Nhã, theo Trí Thức Trẻ