Giữa tâm dịch Vũ Hán, nhiều bệnh nhân “ngoài lề” khốn khổ vì bệnh viện quá tải, thiếu thốn vật tư y tế

Ảnh minh họa: NYTimes

Nhiều ca bệnh trầm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng hơn tại Vũ Hán không được điều trị kịp thời do chính quyền ưu tiên giải quyết dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát tại tâm dịch Vũ Hán đã khiến các cơ sở y tế tại thành phố này và tại tỉnh Hồ Bắc nói chung chịu sức ép rất lớn. Mặc dù chính quyền địa phương đã xây dựng các bệnh viện dã chiến, và hàng ngàn bác sĩ và y tá đã được điều động thêm tới vùng tâm dịch, nhưng dường như điều này vẫn chưa đủ.

Việc các bệnh viện quá tải và thiếu thốn vật tư y tế không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, mà còn khiến những ca bệnh trầm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng hơn như bệnh nhân ung thư, suy thận… không được điều trị kịp thời, do ưu tiên lớn nhất tại Vũ Hán hiện nay là kiểm soát dịch bệnh, theo Al Jazeera.

Wan Ruyi là một trong số các bệnh nhân “ngoài lề” như vậy.

Tháng 5 năm ngoái, cô gái 20 tuổi này đã được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, nhưng bệnh tình của cô vẫn chưa có tiến triển dù cô đã trải qua 3 đợt hóa trị.

“Những cơn đau của con tôi cứ kéo dài mãi. Việc hóa trị khiến con bé nôn mửa, nổi ung nhọt, và rụng tóc”, bà Wan Juan, mẹ của bệnh nhân cho biết.

“Con bé không sợ những điều đó, nhưng lại rất sợ đau. Cẳng chân, lồng ngực, và dạ dày của con tôi đều đau đớn. Con bé đã đau đến mức không thể đứng dậy nổi hay tự mình đi vào nhà vệ sinh”, bà Wan Juan nói.

Tháng 12 năm ngoái, các bác sĩ đã đề nghị Wan thử chữa trị bằng liệu pháp tế bào lympho T mang thụ thể kháng nguyên (CAR), trong đó bệnh nhân sẽ được ghép tủy xương. Tuy nhiên, hồi tháng 1 vừa qua, các bác sĩ đã thông báo cho gia đình cô gái này một tin xấu: đó là ngân hàng tủy xương ở Vũ Hán đã bị đóng cửa do dịch bệnh virus COVID-19 bùng phát.

Tạm ngừng điều trị

Bố mẹ của Wan đã cố gắng hỏi han các bệnh viện lân cận thuộc tỉnh Hồ Bắc, nhưng các bệnh viện này đều từ chối bệnh nhân đến từ Vũ Hán.

Mẹ của Wan cho biết, con gái bà đã rất suy sụp khi biết điều đó.

“Bố mẹ hãy cho con chết đi! Con không chịu nổi nữa!” – cô gái trẻ tuyệt vọng.

Những điều xảy ra với Wan không phải là điều hiếm thấy ở Vũ Hán. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus COVID-19, 28/146 bệnh viện của Vũ Hán đã được sắp xếp dành riêng cho các bệnh nhân nhiễm loại virus này.

Một bác sĩ tại bệnh viện Tongji của Vũ Hán yêu cầu giấu tên chia sẻ với Al Jazeera rằng việc dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến việc điều trị cho hầu hết các ca bệnh khác.

“Hầu hết các ca phẫu thuật đã bị hoãn lại do số lượng lớn những người nhiễm virus COVID-19 chưa được xác nhận, và chúng tôi phải mặc cả bộ đồ bảo hộ nếu muốn thực hiện các ca phẫu thuật thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ vật tư y tế”, bác sĩ này nói. “Kết quả là, nhiều bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân ung thư, không nhận được sự chữa trị phù hợp”.

Không chỉ các bệnh nhân ung thư, mà những bệnh nhân cần chạy thận cũng phải “chịu thiệt” vì COVID-19.

Min Xiaozhong, một người phụ nữ vừa mắc bệnh tiểu đường, vừa phải điều trị suy thận và lại nhiễm cả virus COVID-19, đã chia sẻ với một nhóm hỗ trợ trên WeChat hôm 8/2 vừa qua rằng cô không biết mình còn chịu đựng được “bao lâu”.

Theo lời người phụ nữ này, cô chỉ có những triệu chứng rất nhẹ của người nhiễm virus COVID-19. Điều đang đe dọa tính mạng của cô không phải là loại virus này, mà chính là việc cô không được chạy thận.

“Không bệnh viện nào chấp nhận điều trị cho người nhiễm virus COVID-19, ngoại trừ những nơi được chỉ định. Nhưng tất cả những chỗ đó đều quá đông, đến nỗi tôi phải chờ đến 6 ngày mới được nhập viện”, Min chia sẻ.

“Triệu chứng viêm phổi của tôi không nghiêm trọng lắm, nhưng đã lâu tôi không được chạy thận, và các chất độc đã tích tụ trong cơ thể tôi gần 1 tuần rồi. 4 ngày nay tôi cũng không ăn gì cả… Tôi không cần được nằm viện, tôi chỉ cần được chạy thận 1 lần để trụ thêm được 3 hay 4 ngày nữa”, Min viết.

Giữa tâm dịch Vũ Hán, nhiều bệnh nhân ngoài lề khốn khổ vì bệnh viện quá tải, thiếu thốn vật tư y tế - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: SCMP

Cuối cùng, sau 9 ngày không được chạy thận, hôm 11/2 vừa qua, Min đã được tiếp nhận điều trị ở Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán.

Trường hợp của Min cũng là điều thường thấy trong những ngày nay, khi các bác sĩ phải tập trung chữa trị cho số lượng lớn bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, trong khi số ca xác nhận nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm.

“Tôi đã cố gắng liên hệ với các bệnh viện khác sau khi trung tâm chạy thận của chúng tôi phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh”, Ding Ling, y tá trưởng tại trung tâm chạy thận của bệnh viện Hanyang, Vũ Hán, cho biết. “Nhưng chỗ nào cũng hết chỗ, nên tình hình quả thực vô cùng khó khăn”.

Hy vọng vào điều kỳ diệu

Al Jazeera đã liên hệ với Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, tuy nhiên các quan chức của thành phố này vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Ông Wang Jianhua, Phó trưởng khoa Thận tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cho biết “chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trung tâm chạy thận tại các bệnh viện được chỉ định nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo”.

“Chúng tôi biết có rất nhiều bệnh nhân cần chạy thận, và đang nỗ lực hết sức để họ có thể được chữa trị mà vẫn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus”, ông Wang nói.

Bên cạnh đó, các phương tiện công cộng bị đình chỉ hoạt động cũng ảnh hưởng tới những người mắc bệnh mãn tính cần được bác sĩ kê đơn thuốc thường xuyên, bao gồm những người nhiễm virus HIV.

“Tôi đã không mua được thuốc 3 ngày rồi, vì giao thông công cộng bị đình chỉ. Tôi chẳng biết mua thuốc ở đâu nữa”, một người lấy tên là Xiaohui chia sẻ trên Wechat.

Trong khi Min đã được chạy thận, thì bệnh nhân Wan Ruyi mắc bệnh bạch cầu vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi trong đau đớn.

“Con bé đã yếu lắm rồi, không thể di chuyển được. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi và hy vọng vào một phép màu, bởi Ruyi còn quá trẻ, con bé còn quá nhiều ước mơ dang dở. Chúng tôi không thể buông tay con bé”, mẹ bệnh nhân chia sẻ.

Hồng Anh , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/doi-song/giua-tam-dich-vu-han-nhieu-benh-nhan-ngoai-le-khon-kho-vi-benh-vien-qua-tai-thieu-thon-vat-tu-y-te-8202013223275672.htm