Sức hút của Bắc Ninh với nhà đầu tư Hàn Quốc

Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” và “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2023” tại Bắc Ninh sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 này.

Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. 2 Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm nỗ lực hướng tới nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng. Thiết thực thực hiện mục tiêu này, năm 2023 có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác thương mại giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như giữa các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hàn Quốc với các địa phương của Việt Nam.
Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2023” tổ chức tại Bắc Ninh là sự kiện quy mô lớn, nhằm tập trung trao đổi tình hình, biện pháp và đề xuất thúc đẩy phát triển thương mại – đầu tư giữa các địa phương Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời là không gian kết nối để các bên gặp gỡ, giao lưu nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh mới của cả nước nói chung, Bắc Ninh nói riêng.

Vốn đầu tư các dự án của Samsung tại Bắc Ninh lên tới hơn 9,3 tỷ USD.

Sau hơn 30 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Hàn Quốc, hợp tác kinh tế song phương giữa 2 quốc gia đạt nhiều thành tựu. Cả nước hiện thu hút được 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký hơn 81,3 tỷ USD. Tại tỉnh Bắc Ninh có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại tác động sâu sắc đến quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư và làm suy thoái kinh tế, song tỉnh Bắc Ninh vẫn hấp thụ được nhiều nguồn vốn FDI. Năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là hơn 1,441 tỷ USD (trong đó vốn FDI là gần 1.19 tỷ USD). 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 667,79 triệu USD (trong vốn FDI là 615,74 triệu USD). Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.852 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh khoảng 24,2 tỷ USD (trong đó có 1.267 dự án thứ cấp FDI, tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ USD).
Trong các KCN của Bắc Ninh, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về quy mô vốn đầu tư với 589 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13,68 tỷ USD (chiếm khoảng 65% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN). Suất đầu tư khoảng 23,22 triệu USD/dự án, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, cơ khí chính xác, chế biến nông sản thực phẩm, các ngành dịch vụ phục vụ và công nghiệp dân dụng; tạo việc làm cho gần 152.500 lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2022, mặc dù vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng số tiền nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 30.372 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp 10.461 tỷ đồng, chiếm khoảng 34,5% nguồn thu ngân sách toàn tỉnh.

SEV tại Bắc Ninh là 1 trong 2 máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp ưu tú của Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh thời gian qua đều có sự đóng góp vào sự phát triển của địa phương và cả nước nói chung, điển hình như Tập đoàn Samsung, Intops, Hanwha Techwin, Amkor, Hana Micron, CrucialTec, Hyosung… Sau 15 năm, Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gấp gần 30 lần, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022, riêng tại Bắc Ninh là hơn 9,3 tỷ USD. Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy, 1 trung tâm Nghiên cứu và Phát triển và 1 pháp nhân bán hàng. SEV (Bắc Ninh) là 1 trong 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.
Là một doanh nghiệp mới đầu tư vào Bắc Ninh, Amkor Technology đánh giá cao về sự phát triển, tiềm năng của Việt Nam; sự quyết tâm và hỗ trợ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thu hút hiệu quả FDI nhằm thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam cho tới các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh giúp cho Công ty triển khai xây dựng nhà máy theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn, các KCN Bắc Ninh vẫn còn nhiều dư địa để thu hút đầu tư, vì vậy tỉnh đặc biệt quan tâm và rất vinh dự khi Bắc Ninh được lựa chọn tổ chức chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2023”. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu,… Khẳng định, tỉnh Bắc Ninh sẽ quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đáp ứng các yêu cầu tổ chức thành công chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2023” tại tỉnh nhà. Qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong thời gian tới; là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Ninh nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung tiếp tục đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Thái Uyên

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/suc-hut-cua-bac-ninh-voi-nha-au-tu-han-quoc