Du thuyền cập cảng Campuchia sẽ đưa cuộc chiến chống dịch rẽ sang một “bước ngoặt”?

Tàu Westerdarm cập cảng Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: AFP.

Đây sẽ là một thách thức cực lớn nếu muốn kiểm soát Covid-19 không vươn ra ngoài Trung Quốc, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Vanderbilt nói.

Bước ngoặt lớn

Trái ngược với thực tế nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã từ chối cho du thuyền Westerdam cập cảng do lo ngại khả năng các hành khách trên tàu bị nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), nhà chức trách Campuchia đã cho phép con tàu cập cảng Sihanoukville sáng ngày 13/2.

Sau khi được xác nhận không có trường hợp nào nhiễm Covid-19, hàng trăm hành khách đã lần lượt rời tàu. Một số tranh thủ thời gian đi ngắm cảnh, thăm các bãi biển và trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Campuchia, số khác thì tiếp tục hành trình di chuyển sang những nước khác nhau.

Tuy nhiên, một hành khách người Mỹ trong số này sau đó đã bị phát hiện dương tính với Covid-19 tại Malaysia chỉ 2 ngày sau đó.

Ngay lập tức, quan chức y tế nhiều nước đã bắt đầu tập trung lên các kế hoạch phòng ngừa nhằm đối phó với những rủi ro liên quan, nhất là trong bối cảnh các hành khách đã lên đường di chuyển đến ít nhất là 3 châu lục trên thế giới.

“Chúng tôi có thể nghĩ đến các trường hợp xấu, nhưng những gì xảy ra có thể sẽ ở quy mô lớn”, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Y tế thuộc trường Đại học Vanderbilt nói.

Khi hơn 1.000 hành khách từ du thuyền Westerdam lên đường trở về nhà, đây sẽ là một thách thức cực lớn nếu muốn kiểm soát Covid-19 không vươn ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, ông Schaffner nói thêm. “Đây có thể là bước ngoặt vào thời điểm này”.

Các chuyên gia cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất vào thời điểm này nhằm ngăn dịch bệnh lan rộng là truy tìm toàn bộ các hành khách và tiến hành cách ly họ trong 2 tuần.

Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng.

Tiến sĩ Peter Rabinowitz, đồng Giám đốc Trung tâm Đối phó Dịch bệnh và An ninh y tế Toàn cầu tại trường Đại học Washington, cho rằng đây sẽ là đây sẽ là một bài toán nan giải khi “các hành khách đã tản mác ra nhiều nơi trên toàn thế giới”.

Được biết, đã có 140 hành khách di chuyển bằng máy bay đến Malaysia, trong đó toàn bộ đã được cho phép tiếp tục hành trình đến Mỹ, Hà Lan và Úc, ngoại trừ một người Mỹ bị xác định dương tính với Covid-19 và chồng của người này.

Ngoài ra, hơn 1.000 người khác đã di chuyển đến Phnom Penh và sau đó sử dụng nhiều hình thức di chuyển khác nhau để quay trở về nhà.

Du thuyền cập cảng Campuchia sẽ đưa cuộc chiến chống dịch rẽ sang một bước ngoặt? - Ảnh 2.

Một thành viên thủy thủ đoàn Westerdam nhìn ra bên ngoài Sihanoukville. Ảnh: Getty.

Vì sao du khách 85 tuổi “lọt” kiểm tra thân nhiệt?

Khi du thuyền Westerdam rời khỏi Hong Kong vào ngày 1/2 trong hành trình kéo dài 14 ngày, tổng số người trên thuyền vào lúc đó bao gồm 1.455 hành khách và 802 thuỷ thủ đoàn.

Tàu sau đó cập cảng Cao Hùng, Đài Loan vào ngày 4/2, nhưng sau đó các vấn đề bắt đầu nảy sinh. Khi sự chú ý của thế giới đang dồn vào Diamon Princess, một du thuyền khác đã cập cảng Yokohama, Nhật Bản, trong đó nhiều hành khách và nhân viên trên tàu bị xác định nhiễm Covid-19, tàu Westerdam đã bị nhà chức trách các Đài Loan, Nhật Bản, Philippin, Thái Lan và Guam từ chối cho cập cảng do lo ngại viễn cảnh tương tự.

Tuy nhiên, sau khi Holland America, công ty sở hữu con tàu, khẳng định không có ai trên tàu bị nhiễm Covid-19, Campuchia đã lên tiếng cho phép tàu cập cảng.

Tính đến chủ nhật tuần trước, 233 hànhk hách và 747 thuỷ thủ đoàn vẫn đang ở trên du thuyềnWesterdam, hiện đang đậu ở cảng Sihanoukville. Ngay sau tuyên bố từ phía Malaysia, toàn bộ những hành khách và thuỷ thủ đoàn còn lại đã bị tạm ngưng không cho rời tàu.

Hiện vẫn chưa rõ liệu nhà chức trách Campuchia có tiến hành việc cách ly các hành khách hiện vẫn đang ở nước này hay không, hay liệu những người đã lên máy bay trở về nước có bị các cơ quan chức năng sở tại cách ly.

Cũng trong ngày chủ nhật, Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismaild trong cuộc họp báo đã nói rằng nữ công dân Mỹ từng ở trên tàu Westerdam trong lần kiểm tra thứ 2 vẫn dương tính với virus Covid-19.

Người phụ nữ 83 tuổi này cùng chồng, 85 tuổi, cũng là công dân Mỹ, hiện đã được đưa vào viện và đang trong tình trạng được cách ly. Tuy nhiên, người chồng sau 2 lần kiểm tra đã cho thấy kết quả âm tính với virus. Nhưng hiện người đàn ông này đang bị viêm phế cầu khuẩn, một dấu hiệu cho thấy khả năng virus đã xuất hiện sau thời gian ủ bệnh.

Cuộc chiến toàn cầuchống Covid-19 đang trở nên ngày một phức tạp trước thực tế nhiều quốc gia có các mức độ giám sát dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa khác nhau. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn, việc áp dụng như thế nào sẽ tuỳ thuộc ở mỗi quốc gia, bao gồm việc liệu có cách ly những người có khả năng tiếp xúc với virus hay không.

Chính phủ Campuchia khẳng định các hành khách và nhân viên đã được tiến hành kiểm tra sức khoẻ theo quy trình của WHO và Cơ quan Ngăn Ngừa và Phòng chống Dịch bệnh (CDC), Mỹ trước khi cho phép họ rời tàu.

Một hành khách nói rằng nhà chức trách Campuchia đã kiểm tra thân nhiệt của tất cả mọi người.

Khoảng 20 người được ghi nhận có sốt hoặc ốm trên hành trình đã được kiểm tra về lây nhiễm virus Covid-19, thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia công bố, và tất nhiên là toàn bộ đều âm tính.

Tuy nhiên, nữ công dân người Mỹ nhiễm Covid-19 lại không nằm trong số này. Bà đã không đến kiểm tra tại trung tâm y tế trên tàu để thông báo về bất cứ dấu hiệu nghi vấn nào về sức khoẻ, Holland America nói trong một thông cáo được phát đi vào ngày chủ nhật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quan chức hiện chưa có đủ bằng chứng để xác định thời điểm và bối cảnh người này đã tiếp xúc với virus.

Tiến sĩ Schaffner cho rằng điều nên làm là kiểm tra toàn bộ những hành khách rời tàu, thay vì chọn lựa một nhóm bất kỳ, bởi các phương thức như bảng câu hỏi hay kiểm tra thân nhiệt đều có thể không hiệu quả.

Tất cả mọi người đều muốn rời tàu và có thể đã không trả lời một cách chân thật các câu hỏi, trong khi thân nhiệt của những người bị bệnh sẽ thay đổi trong ngày, và thường là ở mức thấp vào buổi sáng.

Khi nữ công dân Mỹ bị xác định dương tính với Covid-19, cả Holland America và Campuchia đều đặt nghi vấn về kết quả, đồng thời đòi hỏi việc tiếp tục xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần 2 vẫn không thay đổi.

Hiện nay, Phó Thủ tướng Malaysia cho biết nước này sẽ không cho phép các hành khách từ Westerdam nhập cảnh. Trong khi đó, việc phối hợp giữa Malaysia và Campuchia dường như không hiệu quả. Trong bức thư gửi phía Malaysia để yêu cầu cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng nói rằng ông chỉ được biết thông tin về ca nhiễm Covid-19 thông qua truyền thông.

Công ty Holland America khẳng định tất cả các hành khách trở về nhà sẽ được nhà chức trách liên hệ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ điều đó sẽ được thực hiện như thế nào. “Chúng tôi hiện đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới”, Tiến sĩ Grant Tarling, người đứng đầu bộ phận y tế của Holland America nói. “Những chuyên gia này đang làm việc với nhà chức trách của các nước liên quan và theo dõi tiến trình dic huyển của những người có thể đã tiếp xúc với hành khách trên”.

Công ty cũng cho biết trước khi tàu rời Hong Kong, tất cả hộ chiếu của các hành khách đều được kiểm tra để đảm bảo chưa ai từng đến Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày trước thời điểm lên tàu. Nhưng ở ngay chính Hong Kong, dịch bệnh cũng đang lây lan.

Công ty cũng lên tiếng bảo vệ tính hiệu quả của các biện pháp kiểm tra y tế trước khi đến Campuchia, nhưng không trả lời câu hỏi liệu đáng ra có nên cách ly họ trước khi khi cho phép di chuyển đến các nước khác nhau.

Một trong số đó là Christina Kerby, 41 tuổi, giám đốc truyền thông của BlueShield tại Calìornia, nói rằng cô đã ở trong nhóm hành khách đến Phnompenh có dấu hiệu bị sổ mũi và đau họng. Kerby sau đó lên máy bay đến Singapore và sau đó quá cảnh về San Francisco.

“Tôi cảm thấy cực kỳ căng thẳng trong những ngày qua”, cô nói.

Kerby nói rằng mỗi ngày các hành khách được kiểm tra thân nhiện 2 đến 3 ngày trong suốt thời gian trên tàu, đồng thời phải trả lời cụ thể các câu hỏi về sức khoẻ như liệu họ có bị sốt, ho hay tiêu chảy.

“Tôi không thể nói rằng sao việc đó lại có thể xảy ra, nhưng tôi thấy rằng mình đã rất an toàn trên tàu và được chăm sóc rất cẩn thận”, cô nói thêm, và cho rằng Holland America đã phản ứng phù hợp trong bối cảnh vào lúc đó.

Kerby nói thêm cô đã thảo luận những rủi ro khi thực hiện chuyến du lịch với các thành viên trong gia đình.

“Bỏ ra ngoài mọi nỗi sợ, chúng tôi đã quyết định thực hiện chuyến đi, để được thư giãn và du lịch. Tôi nghĩ rằng mọi hành khách khác đều có suy nghĩ tương tự”.

Minh Khôi , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/doi-song/du-thuyen-cap-cang-campuchia-se-dua-cuoc-chien-chong-dich-re-sang-mot-buoc-ngoat-82020172193036516.htm