Văn hóa trang phục chụp ảnh khi đi du lịch

Trang phục truyền thống là sự hội tụ sắc màu văn hóa dân gian đặc trưng của từng dân tộc, đồng thời cũng là yếu tố góp phần quảng bá, phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, gần đây, nhiều du khách xuất hiện với trang phục lạ, ngoại lai chụp ảnh ở các địa danh nổi tiếng đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.

Du khách mặc trang phục dân tộc Dao Tiền chụp ảnh tại điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Các điểm du lịch miền núi phía Bắc ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước bởi sự tráng lệ, hùng vỹ, đậm đà bản sắc dân tộc. Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai… trở thành cái tên quen thuộc với cộng đồng những người đam mê khám phá, xê dịch. Song, cùng với sự phát triển, một số điểm du lịch vùng cao cũng đang phải đối mặt với vấn đề khai thác, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống bản địa, bắt đầu từ chính câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ: trang phục du khách mặc để chụp ảnh check in.

Nhiều du khách khi đến các điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thường có nhu cầu mặc trang phục dân tộc để chụp ảnh làm kỷ niệm. Đây là nhu cầu cá nhân chính đáng, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá du lịch. Nắm bắt xu hướng chụp ảnh “sống ảo” để đăng lên mạng xã hội của khách du lịch, các dịch vụ cho thuê trang phục nở rộ với đủ loại váy áo dân tộc truyền thống, trang phục nước ngoài, phụ kiện, trang điểm kèm theo… Mức giá cho thuê dao động từ 100 – 500 nghìn đồng/bộ, tùy theo sự lựa chọn của khách. Đa phần du khách lựa chọn theo tiêu chí đẹp, ấn tượng mà ít quan tâm tới vấn đề nguồn gốc hay văn hóa bản địa.

Thời gian qua, câu chuyện về du khách trẻ mặc đồ ngoại lai, không phải trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam… ở những điểm du lịch nổi tiếng, có tính nhận diện đã khiến nhiều người quan tâm. Trong khi không ít du khách nước ngoài đến Việt Nam rất yêu thích áo dài và trang phục thổ cẩm rực rỡ của đồng bào dân tộc thiểu số, thì chính người Việt lại quảng cáo cho những bộ đồ xa lạ trên quê hương mình.

Mới đây, blogger du lịch Khoai Lang Thang đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân cho biết, anh rất buồn vì thực trạng nhiều du khách trong nước diện trang phục truyền thống của người Mông Cổ, Tây Tạng khi đến tham quan tại sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Điều này đã khiến một số bạn bè người nước ngoài hiểu lầm về định danh của địa điểm. Bài viết của anh thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng Facebook và giới truyền thông. Nhiều bình luận cho rằng, mặc dù điều đó không sai trái về mặt luật pháp hay đạo đức, nhưng đáng lẽ du khách Việt nên trân trọng văn hóa điểm đến cũng như lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước, có thể chọn váy áo của người dân tộc bản địa hay áo dài, áo tứ thân, cổ phục Việt Nam…

Chị Trần Thị Nhật Lệ, phường Sông Bằng (Thành phố) bày tỏ: Sau ồn ào trên, tôi mới chú ý và nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì những hành động vô tình ấy mà gây hiểu lầm cho du khách nước ngoài cũng khiến tôi thấy rất buồn. Tin rằng, sau câu chuyện này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn và thay đổi tích cực để mang đến cho bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về người Việt, văn hóa Việt.

Anh Trần Thanh Tùng, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: Trang phục của các dân tộc thiểu số rất độc đáo, đẹp mắt. Đó là kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống cũng như đôi bàn tay khéo léo của bà con. Do đó, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân địa phương, du khách cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữa và phát huy trang phục dân tộc truyền thống. Đừng vì theo xu hướng, lợi ích cá nhân trước mắt mà đánh mất bản sắc, hồn cốt dân tộc.

Dẫu biết, việc mặc trang phục khi đi du lịch là hoàn toàn tự do, không ai có thể chỉ trích, đánh giá bộ đồ người khác mặc trừ khi nó quá phản cảm. Tuy nhiên, việc mặc thế nào để vừa đẹp, vừa trân trọng và lan tỏa văn hóa quê hương, đất nước là một vấn đề khác. Nếu cơ quan chức năng không có những biện pháp quản lý phù hợp, trang phục nước ngoài sẽ xuất hiện ngập tràn. Khi chúng trở thành trào lưu sẽ phần nào làm giảm sức tiêu thụ của thổ cẩm địa phương, làm mai một những giá trị truyền thống đã có từ lâu đời thậm chí làm mất đi định danh du lịch.

Linh An

Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/van-hoa-trang-phuc-chup-anh-khi-di-du-lich-3161638.html