Phìn Chư 3 ngày trở lại

Ngày ấy, hành trình đến thôn Phìn Chư 3, xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai) rất gian nan, không dễ cho ai muốn đến.

1.jpg

Vậy mà đã hơn 8 năm kể từ khi tôi “chân ướt, chân ráo” vào nghề báo. Ở độ tuổi đôi mươi hừng hực khí thế, chẳng cung đường nào khiến tôi chùn bước, Phìn Chư 3 cũng không phải ngoại lệ.

Những người bạn ở Si Ma Cai kể tôi nghe về Phìn Chư 3, với dòng sông Chảy xanh ngắt 4 mùa. Ở nơi đó có thác nước 9 tầng hùng vĩ được bao bọc bởi cánh rừng già nguyên sinh. Và những câu chuyện về cuộc sống thanh bình của đồng bào Mông khiến tôi tò mò, thôi thúc lên đường.

Tôi may mắn khi gặp anh Tráng Seo Dân, Trưởng thôn Phìn Chư 3 vừa có công việc ngoài thị trấn Si Ma Cai hứa đưa tôi về thôn. Chúng tôi hẹn gặp ở ngã ba thôn Bản Kha, xã Sín Chéng để chiều xuất phát về Phìn Chư 3. Đoạn đầu đường phẳng, trải dài theo những cánh ruộng bậc thang uốn lượn. Trên đường đi, tôi đề nghị anh Dân dừng xe một vài điểm để chụp ảnh. Lúc đầu anh còn vui vẻ, nhưng rồi anh giục tôi nhanh hơn, kẻo sẽ muộn mới tới thôn. Tôi tò mò hỏi tuyến đường này dài bao nhiêu kilômét, anh bảo chỉ hơn 7 cây số. Tôi nghĩ thầm chắc chỉ tầm 30 phút là đến.

Trở lại Phìn Chư.jpg

Nhưng không đơn giản như vậy, càng đi, đường càng khó khăn và dần “thắt nút”. Đá lô nhô trên mặt đường khiến tôi phải cố gắng tránh. Đôi tay cố ghì chặt, uốn lái theo từng cung đường đầy trắc trở. Cảm giác bất an xuất hiện khi qua những đoạn xuống dốc gần như thẳng đứng, có đoạn toát mồ hôi vì nước mạch chảy, ngấm ra đường trơn trượt. Quãng đường ngắn nhưng mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến thôn, trời đã nhá nhem tối nên kế hoạch khám phá cuộc sống ven sông Chảy phải để sáng hôm sau.

Buổi tối, bên tách trà ấm, anh Dân tâm sự: Nơi đây còn nghèo lắm, cuộc sống chỉ quẩn quanh với nương ngô, nương lúa. Bà con sống tự cung, tự cấp, chấp nhận cái nghèo bởi họ chẳng biết sẽ làm gì và bắt đầu từ đâu.

Tôi đã hiểu phần nào những trăn trở của anh Dân khi đường vào thôn quá khó khăn.

pc 8.jpg

Buổi sáng hôm sau, tôi cùng anh Dân và một vài người dân di chuyển xuống sông Chảy. Phải mất 2 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới đến nơi. Không gian và cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đẹp. Sông núi hòa quyện khiến người ta quên đi mệt mỏi. Tôi muốn tìm hiểu thêm cuộc sống của người dân thì anh Dân thở dài: Chú nhìn xem xung quanh đây có bao nhiêu nhà. Đường không có mà giờ đi thăm các hộ thì chắc đến tối mới đi được vài ba nhà!

Từ sông Chảy nhìn hắt ngược lên thấy lác đác trên những sườn núi chỉ có vài hộ với những căn nhà lụp xụp. Bà con quanh quẩn ở nhà, sống khép kín với nương ngô mà không quan tâm cuộc sống bên ngoài.

Chiều hôm đó, chúng tôi chia tay, hẹn ngày gặp lại. Trong tôi còn nhiều bịn rịn vì chưa khám phá hết, chưa biết bao giờ trở lại…

2.jpg

Gặp lại những người bạn ở Si Ma Cai những ngày đầu xuân mới, tôi được nghe câu chuyện về Phìn Chư 3 khi họ vừa xuống đó du lịch trải nghiệm trở về. Vẫn là những khung cảnh và con người đó, nhưng cuộc sống, nếp sống nơi ấy là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong tôi lại rộn ràng ký ức, muốn tìm hiểu sự đổi thay ở mảnh đất ấy.

Từ Bản Kha nhìn về, tôi hình dung lại con đường độc đạo ngày nào, có một chút e ngại bởi ký ức còn đó. Lần này, tôi được chị Bùi Thị Chung, Chủ tịch UBND xã Nàn Sín trực tiếp đưa vào thôn, chị đi đằng trước, ngoái lại phía sau hắng giọng: Chú cứ tự tin đi đi, đường giờ đẹp lắm!

Quả thật, đường vào Phìn Chư 3 giờ đã được đổ bê tông phẳng lỳ. Người dân chở nông sản ngược xuôi khiến ai cũng cảm thấy mừng cho cuộc sống mới. Con đường đi hàng tiếng đồng hồ năm nào nay rút ngắn chỉ còn chưa đầy 30 phút.

Trở lại Phìn Chư 3.jpg

Gặp lại anh Dân, trưởng thôn năm nào, giờ làm Bí thư Chi bộ thôn, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Anh bảo: Đã 8 năm rồi đấy! Nhưng chú nhìn xem, cuộc sống nơi đây giờ khác xưa nhiều lắm rồi!

Trước mắt tôi, khung cảnh hiện ra là diện mạo hoàn toàn mới với những ngôi nhà san sát, có hộ còn đang hoàn thiện căn biệt thự hai tầng to nhất, nhì xã.

Theo anh Dân, nhờ được mở đường mà Phìn Chư 3 có nhiều điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa. Bây giờ tuyến đường vào thôn có nhiều nhánh rẽ, ra nương sản xuất, thông ra huyện Bắc Hà. Bà con phấn khởi tăng gia, sản xuất mà không lo đầu ra.

Trở lại Phìn Chư 3 2.jpg

Từ trung tâm thôn đánh mắt về phía sông Chảy, anh Dân bảo tới đây sẽ có một cây cầu được xây dựng, kết nối Phìn Chư 3 với bên kia là huyện Mường Khương, cơ hội để người dân thay đổi cuộc sống.

Quãng đường từ thôn xuống bờ sông giờ thuận lợi hơn, có thể di chuyển bằng xe máy, không phải đi bộ như trước nhưng vẫn còn nhiều chỗ gập ghềnh, chị Bùi Thị Chung, Chủ tịch UBND xã bảo: Con đường này sẽ được đổ bê tông trong năm nay vì đã có chủ trương đầu tư.

pc 7.jpg

Những vạt đồi đầy lau lách dọc hai bên tuyến đường xuống sông năm nào đã được thay thế bằng triền quế. Khoảng 4 năm gần đây, người dân nhận thấy khí hậu ven sông ấm áp nên đã mua quế về trồng. Tôi đến gia đình anh Ngải Seo Lử, hộ mạnh dạn vay vốn chuyển đổi sản xuất sang trồng hơn 10 nghìn cây quế. “Tôi hy vọng trong tương lai cây quế sẽ giúp gia đình thoát nghèo”, anh Lử nói.

Trở lại Phìn Chư 3 5.jpg

Thôn Phìn Chư 3 hiện có 142 hộ, thì 60 hộ trồng quế. Người dân hy vọng một ngày không xa, cây quế sẽ mang lại nguồn thu lớn cho họ.

Tuy nhiên, trồng quế chưa đủ để làm giàu, theo anh Dân, trước đây người dân chỉ nuôi vài con gà, lợn phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, nhưng bây giờ, tất cả các hộ đều quan tâm xây chuồng nuôi nhốt. Một số hộ còn đầu tư nuôi trâu, bò, mang lại nguồn thu lớn.

pc 4.jpg

Xuống đến bờ sông Chảy, mặt sông tĩnh lặng năm nào đã nhấp nhô những lồng cá, đếm qua cũng đến 30 lồng nuôi. Phía xa xa, thác nước 9 tầng được người dân đầu tư làm đường bê tông, bậc cầu thang để đi lại thuận lợi. Anh Dân hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan, trải nghiệm du lịch lý tưởng với những người yêu thiên nhiên.

Sau nhiều năm trở lại, điều đặc biệt nhất mà cán bộ thôn, xã phấn khởi chính là ý thức vươn lên của bà con nơi đây, không cam chịu nghèo khổ. Tin tưởng một ngày không xa, ước mong của người dân Phìn Chư 3 sẽ thành hiện thực.

Hữu Huỳnh – Khánh Ly

Nguồn Báo Lào Cai điện tử: https://baolaocai.vn/phin-chu-3-ngay-tro-lai-post367197.html