Đời sống văn hóa tinh thần của người Lô Lô đen

Dân tộc Lô Lô có tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn. Có hai nhóm Lô Lô hoa và Lô Lô đen, cư trú chủ yếu tại 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng). Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. 

Vòng múa trong lễ “gùa mủ” của người Lô Lô đen huyện Bảo Lạc.

Người Lô Lô đen ở huyện Bảo Lạc có trên 2.000 người, sinh sống chủ yếu tại các xã: Hồng Trị, Kim Cúc, Cô Ba. Trên địa bàn huyện Bảo Lạc có 20 bộ trống đồng cổ, mỗi bộ gồm 2 chiếc, 1 trống đực nhỏ bằng 1/3 trống cái. Trống đồng là tài sản quý nhất của các dòng họ người Lô Lô, mỗi dòng họ sở hữu từ 1 – 3 bộ. Trống đồng được cất cẩn thận trên gác bếp của người trưởng họ và chỉ được phép mang xuống sử dụng trong 2 nghi lễ chính của người Lô Lô, đó là lễ “ma tươi” tiếng Lô Lô gọi là “slỉa tò mủ” và lễ “ma khô” gọi là “gùa mủ”.

Trước đây, trống đồng của người Lô Lô được cất giữ ngoài nương rẫy trong các chòi chứa thóc, ngô nhưng trống đồng bị mất trộm nên người Lô Lô mới đem chôn giấu xuống lòng đất trong khu rừng thiêng. Có một lần đào lên không thấy trống đồng đâu cả, người Lô Lô huy động cả làng cùng đào bới trên phạm vi rộng hơn thì phát hiện đôi trống đồng cổ ở cách xa chỗ chôn cũ gần 50 bước chân. Cho là trống đồng biết chạy nên từ đấy tất cả trống đồng được người Lô Lô đem cất kỹ trên gác bếp của nhà ông trưởng họ cho đến tận bây giờ.

Khi trong làng có người chết, người Lô Lô gọi là “ma tươi”, gia đình thông báo cho tất cả các làng người Lô Lô biết, ông trưởng họ của “ma tươi” trực tiếp mổ con bò của gia đình (người trưởng họ của người Lô Lô thường giữ vai trò là thầy mo chính), ông thầy mo thứ hai có trách nhiệm mổ con bê của người con gái trong gia đình (trong lễ “ma tươi”, “ma khô” của người Lô Lô, các cô con gái đi lấy chồng phải mang theo về một con bê). Hai cặp trống đồng của dòng họ được treo lên trong nhà. Sau khi mổ bò xong, trống đồng được đánh lên để dẫn đường cho “ma tươi” đem chôn tại cánh rừng thiêng của dòng họ.

Thầy mo chính hay gọi là thầy mo cả, tiếng Lô Lô gọi là “phẩy toòng te” rì rầm khấn, đọc những câu thần chú cho đến khi chôn xong “ma tươi” – thời gian khoảng một ngày. Đến đêm thứ nhất, con cháu, anh em, họ hàng đến tập trung tại nhà “ma tươi”. Đàn ông đánh 2 bài trống (ma tươi có 2 bài), phụ nữ múa 2 điệu múa chậm (múa trong nhà) vừa múa vừa hát tiếng Lô Lô gọi là “chỏ chế”. Người Lô Lô có 2 làn điệu hát, 1 là hát giao duyên gọi là hát “lả chế”, hát cho “ma tươi”, “ma khô” là khóc “chỏ chế”. Tiếng hát “chỏ chế” nhỏ tiếng hơn, bi thảm, buồn bã kéo dài suốt đêm. Hai điệu múa theo nhịp trống đồng hòa lẫn trong tiếng hát “chỏ chế” kéo dài suốt 8 đêm liền nếu “ma tươi” là phụ nữ, liên tục 9 đêm liền nếu “ma tươi” là đàn ông. Đến sáng thứ 10 mới cất trống đồng đi để chờ đến lúc làm lễ “ma khô” mới tiếp tục sử dụng. Thời gian chuẩn bị cho lễ “ma khô” thường là từ 1 – 3 năm sau.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật chất, người Lô Lô tổ chức lễ “ma khô” gọi là “gùa mủ” thường diễn ra trong 3 ngày, khu vực tổ chức lễ “ma khô” là ngoài sân dưới nhà sàn. Những cặp trống đồng được treo lên trên một cái giá bằng cây tre mai dài từ 5 – 9 m, thường mỗi đám lễ “ma khô” treo từ 2 – 6 cặp trống đồng. Trống đực và trống cái quay úp mặt trống vào nhau cách nhau khoảng 20 – 30 cm, người đánh trống dùng một cây tre nhỏ bằng ngón tay cái người lớn dài 40 cm, một đầu bọc một miếng vải chàm, bên ngoài dùng miếng cao su buộc chắc chắn tròn như một hòn sỏi để gõ vào hai mặt trống đực và trống cái. Một thanh tre nhỏ hơn đánh phách nhịp vào tai trống. Có 5 bài đánh trống đồng để tạo nhịp cho 12 điệu múa gọi là “cá rủy chì”.

Khi tổ chức lễ “gùa mủ”, mỗi gia đình anh em, họ hàng người Lô Lô hay gọi chung là “cậu lớn”, “cậu bé” mang đến một cây nêu bằng tre hoặc trúc dài khoảng 3 m, một đầu buộc một miếng vải hoa đỏ kèm theo 5 lít rượu ngô, 5 bơ gạo nương, 1 con lợn nhỏ hoặc 1 con gà. Còn con rể, con gái thì mang đến 1 con bê hoặc 1 con nghé.

Vào khoảng giờ Thìn (8 giờ sáng) của ngày lễ thứ nhất bắt đầu buổi lễ. Thầy mo cả (ông trưởng họ) mặc áo hoa màu đỏ, tay cầm 1 cành lá bưởi (có từ 7 – 9 lá) đi ra ngoài ngã ba đường làng để làm lễ khấn gọi là “phẩy toòng te” đọc câu thần chú dẫn đường cho “ma khô” trở về nhà con cháu cúng dâng. Trong lúc đó, ở trong làng ông thầy mo thứ 2 tay cầm con dao nhọn xẻo 1 miếng thịt bò, 1 miếng thịt lợn đem nấu chín múc ra 1 cái bát (loại bát ăn cơm) cầm ra ngã ba nơi ông thầy mo cả đang ngồi khấn “phẩy toòng te”, cả 2 thầy dùng tay ăn hết bát thịt, thầy mo thứ 2 đọc câu mời thầy mo cả trở về làng làm lễ. Thầy mo cả đứng lên theo thầy mo thứ 2 vừa đi vừa khấn chầm chậm để “ma khô” theo kịp. Khi về đến làng, thầy mo thứ 2 gọi là thầy “vù rá pỉ” gọi các con, cháu thường là phụ nữ vào trong nhà múa 3 vòng, mỗi vòng 1 điệu theo lời khấn của thầy “vù rá pỉ”. Điệu vòng 1 gọi là “phề tế mía”, vòng 2 là “minh tế mía”, vòng 3 là “lề tế mía”. Cả 3 vòng múa trong nhà là múa khan, không có nhịp trống. Kết thúc 3 vòng múa nghỉ ăn cơm trưa. Sau đó bước sang những điệu múa ngoài sân gọi là “sỉ pú mía”.

Những vòng múa được thầy “phẩy toòng te” dẫn đầu, tiếp theo là những thầy mo mặc áo xanh, đỏ. Thông thường có từ 5 – 10 thầy mo bước theo thầy mo chính, vừa đi vừa hát “chỏ chế”, theo sau là 20 – 40 chị em, phụ nữ mặc váy áo mới truyền thống, trên đầu đội 1 – 5 cái áo mới để dâng lên cho “ma khô”. Đàn ông hát, phụ nữ chỉ múa, tiếng hát “chỏ chế” liên tục kéo dài không dứt…; các bài múa, điệu múa của chị em, phụ nữ nhún nhảy những bước chân, 2 tay đung đưa nhịp nhàng theo nhịp trống đồng. Vòng múa quanh 1 cây vải cổ thụ chất đầy cây nêu. Bên ngoài vòng múa có 2 – 3 người phụ nữ bưng 1 khay chén và chai rượu ngô lần lượt mời từng người tham gia vòng múa uống cạn chén rượu.

Sau lễ mo chính, tất cả các con vật tế được giết mổ ngay cạnh dàn trống đồng. Mỗi con vật sau khi cắt tiết được đặt nằm úp trên một tấm liếp tre vuông rộng khoảng 40 – 60 cm, đặt trên đầu con vật tế là một chén rượu đầy (loại chén sành to) và một bát gạo tẻ. Ngồi sau con vật tế là 1 thầy mo tay trái cầm 1 cành lá bưởi, tay phải cầm con dao nhọn (thầy mo là con cháu, anh em họ hàng với “ma khô” mang những con vật tế đến thì phải tự giết mổ và tự khấn, mo cho con vật tế của mình). Riêng con bò to nhất phải do ông “phẩy toòng te” trực tiếp mổ. Những tiếng khấn rì rầm 4 nhịp đều đều như đọc thơ, người Lô Lô gọi là những câu thần chú “cồng thá pỉ”…

Trong lúc này, 3 điệu múa của bài thứ 8 nhịp nhàng, đôi chân bước nhanh hơn, vòng tay múa tròn hơn, tiếng trống dồn dập, thôi thúc (thường trong lễ “gùa mủ” có từ 15 – 40 người phụ nữ mặc áo mới tham gia, riêng đám lễ của dòng họ lớn vòng múa có đến hơn trăm người tham gia.
Trong lễ “ma khô”, người Lô Lô sử dụng 5 bài trống đồng 12 điệu múa (vũ điệu) và 7 bài mo thần chú kéo dài suốt đêm không ngủ. Đến sáng ngày thứ 3 các thầy mo hạ trống. Lúc này con cháu, anh em, cậu lớn, cậu bé… quây quần bên những tấm lá rừng, lá chuối bầy đầy thịt nướng mọi người chia sẻ, tâm sự uống rượu suốt cả ngày đến tận đêm khuya. Hôm sau mới trở về với gia đình.

Qua các điệu múa trong 2 nghi lễ “ma tươi” và “ma khô” của dân tộc Lô Lô đen cho thấy những nét văn hóa không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Người Lô Lô gửi tiếng nói, tiếng hát vào những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, những điệu múa, tiếng trống đồng đã trở thành giá trị văn hóa xuyên suốt thời gian mà người Lô Lô luôn trân trọng và gìn giữ.

Dương Bình Luận

Nguồn Báo Bắc Giang: https://baocaobang.vn/doi-song-van-hoa-tinh-than-cua-nguoi-lo-lo-den-3161022.html