Đền Đồng Cổ và hội thề cổ xưa nhất nước ta

Hội thề Trung hiếu gắn liền với ngôi đền Đồng Cổ thuộc phường Bưởi (Tây Hồ – Hà Nội). Đây là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nét đặc sắc của hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian.

qq.jpgĐền thần Đồng Cổ (Ảnh: LT)

Đền Đồng Cổ bên Hồ Tây có vị trí quan trọng, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” độc đáo và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cho đến nay, ngôi đền ấy đã ngót nghét nghìn năm tuổi, hội thề cũng ngần ấy thời gian tồn tại – là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động thời Lý.

Tích kể rằng, xưa do đặc điểm điều kiện khí hậu tự nhiên xưa kia, công việc trị thủy bảo vệ phía Tây thành Thăng Long rất khó khăn, thần Đồng Cổ đã góp công trong việc phù trợ, giúp dân trị thủy thời đó.

Đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ) được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử năm 1992.

Đền Đồng Cổ gắn liền với Hội thề Trung hiếu là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Mặc dù đền Đồng Cổ (phường Bưởi) không phải là nơi gốc tích thờ thần Đồng Cổ, bởi nơi thờ thần Đồng Cổ ở Núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên chỉ ở đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) mới có Hội thề Trung hiếu. Hội thề nghiêng theo thể thức của một hội thề non nước, với câu thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt” do chính các quan trong triều đọc.

Xưa kia, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại Lý, kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.

Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Hội thề đền Đồng Cổ thực sự là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long, không chỉ đời Lý và các đời Trần, Lê, mà cho đến ngày nay cũng vẫn được duy trì, tiếp nối. Nét đặc sắc của hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa, hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình, đất nước.

Đền được trùng tu lại năm 2009 – 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn, bao gồm: Tam quan, Đền chính, Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị – áo mũ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể đến 12 đạo sắc phong qua các thời Lê – Tây Sơn – Nguyễn.

Trên trụ biểu ở cửa đền ghi câu đối: Tám đời vua, Đồng Cổ núi vang, hậu thế phong thần lưu sắc ngọc/ Ngàn năm trải, Đàn Thề biển tạc, một lòng trung hiếu tỏa ánh vàng.

Trên bức ván mê nối giữa gian Trung tế và Tiền tế có bức hoành phi đề bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ”. Đền hiện còn giữ được 12 đạo sắc phong từ năm 1741 đến 1855.

Nhà khoa bảng Trần Bá Lãm từng có bài “Vịnh Đồng Cổ đàn”: Hoa sen tám cánh, mộng không thành/ Thần núi nơi nào tự hiển linh?/ Trần Cảnh năm xưa dời trống thánh/ Đàn thề xa ngắm cỏ màu xanh.

Lễ hội sắp được tổ chức tới đây sẽ là lễ hội thứ 995 và chỉ còn 5 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến lễ hội tròn thứ 1.000 với kỳ vọng lễ hội vẫn giữ được các giá trị truyền thống nhưng lại thật sự đổi mới và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển, biến đổi của Thủ đô, đất nước và thời đại

Kim Thoa

Nguồn Người Hà Nội: https://nguoihanoi.com.vn/den-dong-co-va-hoi-the-co-xua-nhat-nuoc-ta-68830.html