Theo chuyên gia từ Savills Việt Nam, Nghị định 86 trong ngành giáo dục đã phần nào giúp “rộng đường” cho dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực này, nhưng học phí cao khiến các trường quốc tế vẫn còn xa vời với học sinh trong nước.
Đầu tư FDI vào giáo dục “bèo bọt”
Năm 2018 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong ngành giáo dục khi Nghị định 86, với mục đích thúc đẩy thành lập các trường quốc tế tại Việt Nam có hiệu lực vào tháng 8.
Sau hơn một năm, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến giáo dục trong nước đã tăng đáng kể. FDI vào khu vực này trong hai tháng, từ 8/2019 – 10/2019 đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm đa số, chiếm 37% trong tổng FDI của giai đoạn.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, giáo dục vẫn chiếm chưa đến 2% tổng dòng FDI vào Việt Nam. Theo nhận định từ Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, vẫn còn nhiều rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc thành lập các trường học quốc tế.
Trước đó, trường quốc tế gặp khó khăn, phụ thuộc nhiều vào lượng học sinh nước ngoài do giới hạn tỷ lệ học sinh Việt Nam tham gia chỉ từ 10% – 20%.
Từ khi Nghị định 86 có hiệu lực, nhiều điều kiện đầu tư, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, hạn mức tuyển học sinh Việt Nam cũng được nới lỏng. Tuy nhiên, những yêu cầu về pháp nhân, giấy phép kinh doanh bị cho là vẫn còn phức tạp.
Trường học quốc tế còn quá xa vời
Khảo sát học phí trường quốc tế mới nhất của ExpatFinder cho thấy học phí trung bình hàng năm của khối trường này tại Việt Nam là 17.940 USD, xếp thứ 13 trên toàn thế giới và thứ 5 tại châu Á. Các nước có học phí cao hơn bao gồm Trung Quốc, Singapore, Hong Kong và Australia.
Số lượng trường quốc tế tại Việt Nam có học phí vừa túi tiền rất hạn chế. Mức học phí thấp nhất, khoảng 5.000 USD, vẫn bị cho là đắt đỏ so với khả năng chi trả của phần lớn các gia đình.
Do đó, các trường quốc tế tại Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ học sinh nước ngoài. Theo chuyên gia từ Savills, nhu cầu ứng tuyển của con em các chuyên gia người nước ngoài tại nước ta đang tăng lên.
Số lượng người nước ngoài đến làm việc ở Việt nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các thành phố thu hút nhiều FDI. Trong năm 2018, nước ta có hơn 320.000 lao động nước ngoài, tăng trung bình 8%/năm từ năm 2008.
Một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí 10 trên bảng xếp hạng các nước có “môi trường làm việc và sống hấp dẫn”, do chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên.
Thêm vào đó, Forbes dự báo ngành giáo dục sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỷ USD vào năm 2026. Nguồn cầu cho giáo dục chất lượng cao sẽ tiếp tục được duy trì nhờ điều kiện sống cao hơn và cơ cấu dân số vàng.
T.Dương, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/kinh-doanh/dau-tu-fdi-vao-giao-duc-viet-nam-chua-den-2-hoc-phi-truong-quoc-te-van-o-tren-troi-dat-thu-13-the-gioi-thu-5-tai-chau-a-52019211184325897.htm