Đất vật Hoằng Lưu

Hoằng Lưu là một trong những “sới vật” nổi tiếng, thu hút nhiều người tham gia ở huyện Hoằng Hóa. Sới vật thường được tổ chức vào dịp đầu xuân.

Chùa Trào Âm, một địa danh ở xã Hoằng Lưu thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Ảnh: Phong Vân

Hoằng Lưu được tách ra từ xã Hoằng Phong năm 1953, ổn định và phát triển đến ngày nay. Bên cạnh những giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời, thu hút du khách như chùa Trào Âm… Hoằng Lưu còn được biết đến là mảnh đất đã giữ gìn và đang phát huy rất tốt môn thể thao truyền thống đấu vật. Cùng với xã Hoằng Phong, đây là một trong hai địa phương thường niên tổ chức hội đấu vật đầu xuân. Xuân Quý Mão vừa qua, hội vật được tổ chức ở xã Hoằng Lưu vào mùng 3, ở xã Hoằng Phong vào mùng 4 tết. Trải qua 2 năm dịch bệnh bùng phát, hội vật năm nay đã thu hút hàng trăm người đến tham dự và cổ vũ. Tham gia sới vật cũng là cách để các thanh niên trong xã phô diễn sức mạnh, thể hiện tinh thần thượng võ của làng vật truyền thống.

Theo người dân địa phương kể lại, hội vật có từ thời Hậu Lê. Trước năm 1950, hội vật được tổ chức từ mùng 1 đến hết ngày 6 tết. Người dân trong xã từ già trẻ, gái trai và nhất là những người con xa quê đều tụ tập đông đủ xem và tham gia lễ hội. Xưa, làng có lễ hội Kỳ Phúc được tổ chức quy mô lớn nhất, con cháu tứ phương tề tựu trẩy hội, tạo nên một vùng nhộn nhịp đông vui. Không chỉ là dịp dâng hương tỏ lòng thành kính tiền nhân đã có công khai sinh lập làng, mà còn là nơi để người dân được đắm mình trong các trò chơi, trò diễn dân gian hư cờ người, nấu cơm thi, đu cây, đu tiên… Nổi tiếng hơn cả là hội vật đầu xuân. Dù trải qua thăng trầm của lịch sử, hội vật có một vài thay đổi để phù hợp với tình hình mới, nhưng không gian văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ vẫn được người dân nơi đây giữ đến ngày nay.

Hội vật truyền thống xã Hoằng Lưu áp dụng luật thi đấu vật dân tộc. Để thắng, các đô vật phải nhấc đối phương lên sao cho hai chân lên khỏi mặt đất hoặc vật cho đối phương ngã ngửa sao cho lưng và vai chạm đất gọi là “lấm lưng trắng bụng”. Thể thức thi đấu loại trực tiếp, không phân theo hạng cân. Trong đó, trai đấu với trai, gái đấu với gái, trẻ em đấu với trẻ em. Đô vật chiến thắng là đô vật thắng liên tiếp 3 trận. Phần thưởng chỉ mang tính khích lệ nhưng các đô vật rất hào hứng. Thường giải vật bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc muộn, dưới sự cổ vũ của hàng trăm khán giả đến từ khắp nơi trong huyện. Hội vật xã Hoằng Lưu rất chú trọng tinh thần thượng võ, vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt..

Anh Lê Văn Ngân, một đô vật trong xã cho biết: “Thanh niên chúng tôi rất hào hứng với hội vật đầu xuân. Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích, mà còn là dịp để anh em giao lưu, gắn kết tinh thần cộng đồng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước”.

Nói về vai trò của hội vật trong đời sống tinh thần của Nhân dân Hoằng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Trương Ngọc Thảo cho biết: “Sới vật tổ chức như một hoạt động vui xuân nên ai cũng có thể đăng ký tham gia, không phân biệt già trẻ. Vì vậy mà giải vật này không nặng tính ăn thua, tranh giành giải thưởng, chủ yếu đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe. Qua sới vật đã có nhiều đô vật tiềm năng được tuyển chọn tham gia đội tuyển của huyện, của tỉnh”.

Phong Vân

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/dat-vat-hoang-luu/183053.htm