Danh sách khách mời đến cuộc tọa đàm do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 1/11 hé lộ nhiều tín hiệu về tầm nhìn của nhà lãnh đạo với tương lai đất nước.
Theo danh sách khách mời mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) có được, 52 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân và 13 bộ trưởng Quốc vụ viện Trung Quốc đã có mặt trong buổi tọa đàm ngày 1/11.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập mở diễn đàn thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế với khối doanh nghiệp tư nhân.
Dù có nhiều cái tên nổi bật như CEO Pony Ma cũ Tencent, Robin Li của Baidu và Lei Jun của hãng Xiaomi, các doanh nghiệp được mời không hoàn toàn chỉ là các “ông lớn”, nhiều người cũng không phải là đại biểu Quốc hội Trung Quốc hay thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân.
Ông Tập Cận Bình khẳng định chính quyền các địa phương sẽ hỗ trợ hết mình để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển thuận lợi (Ảnh: Bloomberg)
Theo SCMP, 10 chủ nhân các công ty tư nhân phát biểu trong cuộc họp hầu như là những người không được công chúng biết đến quá nhiều. Nhưng các đơn vị này đều có một điểm chung, đó là doanh nghiệp sở hữu những kỹ năng xác định được cho là quan trọng với đất nước, hoặc công ty đã phát triển được công nghệ có thể tạo ra khác biệt trong tương lai.
Theo một quan chức chính phủ liên quan đến công đoạn lên danh sách khách mời, chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ muốn nghe ý kiến từ các “doanh nghiệp ngôi sao”, mà ông muốn nghe nhiều hơn ý kiến của những chủ doanh nghiệp nắm giữ thị phần đáng kể trong nền kinh tế và sự thành công hay thất bại của họ có tác động đến nền kinh tế.
Khía cạnh đáng chú ý khác trong danh sách khách mời là trong đó không có nhà phát triển bất động sản hay đầu tư tài chính nào.
Một số người phát biểu ở hội thảo là lãnh đạo các sản nghiệp truyền thống nhưng thành công – như chủ tịch Liu Jiren của Neusoft, nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật phần mềm; và Lu Weiding, CEO của hãng sản xuất linh kiện ô tô Wanxiang.
Ngoài ra, còn có đại diện từ khu vực công nghệ cao như Tian Xiao’ou – nhà sáng lập SenseTime, công ty dẫn đầu Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI); và Tan Jianfeng – chủ tịch PeopleNet, một công ty về công nghệ mã hóa.
“Danh sách cho thấy nhà chức trách [Trung Quốc] vẫn quan tâm cao độ đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khu vực công nghệ,” nhà kinh tế trưởng của Orient Securities Shao Yu nói với SCMP.
Theo Shao, danh sách này chứng minh Trung Quốc đang nỗ lực phát triển những công nghệ của riêng mình và giảm thiểu phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang và chính quyền tổng thống Donald Trump đe dọa cắt nguồn cung công nghệ cao cho Trung Quốc.
Bản tin phát trên các kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc cho thấy đại diện các công ty công nghệ, gồm Chen Tianshi của công ty AI Cambricon Technologies, ngồi ở hàng đầu tiên ngay bên tay phải ông Tập.
Trước ngày tổ chức hội thảo, hội nghị của Bộ chính trị Trung Quốc đã xác định nước này phải phát triển, kiểm soát và sử dụng công nghệ AI nhằm bảo đảm tương lai đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tiếp theo.
Phát biểu trong sự kiện ngày 1/11, ông Tập Cận Bình đánh giá cao các công ty tư nhân và cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp nội địa, cũng như cung cấp tài chính nếu cần thiết.
Kết thúc buổi họp, ông Tập bắt tay các đại biểu, và đáp lại khi một giám đốc nói rằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo đã khiến ông tự tin hơn.
“Tôi đến đây hôm nay để củng cố lòng tin của các vị,” truyền hình trung ương phát đi câu nói của ông Tập.