Đại tướng Võ Nguyên Giáp và kỷ niệm với chùa Sủi

Trong một lần đến thăm chùa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cung tiến, ủng hộ nhà chùa 2 triệu đồng để tôn tạo chùa. Khi trao số tiền này cho thầy Phương, Đại tướng bảo: “Đây là số tiền trích ra từ tiền lương của tôi, là tấm lòng của tôi, mong nhà chùa hãy nhận”.
Anh75.

Chùa Sủi thuộc xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Ngôi chùa đặt bài vị Đại tướng

Chùa Sủi (thuộc Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) là một ngôi chùa thiêng, có từ thế kỷ XI, xưa có tên Đại Dương Sùng Phúc Tự, là quê hương của Linh nhâm Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Bà chính là người lập nên và có công xây dựng ngôi chùa này.

Trong những năm tháng chiến tranh, chùa Sủi là nơi sơ tán của nhiều tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể, trong đó có Trường đào tạo kiểm sát viên. Tuy bị bom đạn cày phá nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những pho tượng cổ có tuổi đời 500-600 năm. Ngay sát đó là ngôi đền thiêng thời Linh nhâm Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Phương, trụ trì chùa: Sùng Phúc Tự, hương thổ lỗi, ghép lại thành chữ Sủi. Nghĩa của cụm từ này là lỗi lạc. Tương truyền, đây là một trong 10 ngôi làng cổ ở nước ta có nhiều tiến sĩ nho học bậc nhất (nhiều cụ trong làng làm tới chức Tể tướng, Khâm sai, Đại thần, Thượng thư…). Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra Thái tử Càn Đức. Đương thời, Vua Lý Thánh Tông cũng hay về chùa Sủi bái Phật, cầu phúc…

Khi Thượng tọa Thích Thanh Phương trụ trì chùa, thầy đã tiến hành tu tạo, phục dựng lại ngôi chùa đã bị đổ nát, hư hỏng hoàn toàn. Năm 2005, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ngôi chùa được Nhà nước tôn tạo, tu bổ.

Trong một lần đến thăm chùa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cung tiến, ủng hộ nhà chùa 2 triệu đồng để tôn tạo chùa. Khi trao số tiền này cho thầy Phương, Đại tướng bảo: “Đây là số tiền trích ra từ tiền lương của tôi, là tấm lòng của tôi, mong nhà chùa hãy nhận”.

“Lúc ấy, tôi rất cảm động. Bản thân tôi cảm nhận được sự gần gũi, giản dị và khiêm tốn của một con người vĩ đại. Lúc còn khỏe mạnh, Đại tướng vẫn thường đến chùa Sủi vãn cảnh chùa và cầu an. Khi già yếu, không thể tự đến chùa, vào những dịp lễ Tết, Đại tướng vẫn gửi hoa, thiệp chúc mừng đến chùa…” – trụ trì chùa Sủi bồi hồi kể lại.

Sau những lần đến vãn cảnh chùa, cầu an, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cảm mến vị sư trụ trì chùa Sủi bởi sự đức độ, tấm lòng nhân ái của thầy đối với chúng sinh và công lao của thầy trong hoạt động tu tạo, phục dựng những giá trị truyền thống của dân tộc.

Vào những ngày trọng đại hay dịp lễ Tết, Thượng tọa Thích Thanh Phương trở thành vị khách quen thuộc của gia đình Đại tướng. Khi Đại tướng lâm trọng bệnh, gia đình mời thầy đến làm lễ cầu an cho Đại tướng. Chùa Sủi cũng là nơi cầu siêu và đặt bài vị của Đại tướng khi Người an nghỉ.

“Mặc dù rất ít nói nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện một bản lĩnh phi thường và tấm lòng yêu nước, thương dân rất sâu sắc. Không chỉ vậy, cụ còn rất quan tâm đến Phật Pháp và giáo lý nhà Phật, cũng như những luận điểm giáo dục trong thời đại mới…!” – thượng tọa Thích Thanh Phương chia sẻ.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Hồi tưởng lại mối duyên với chùa Sủi, thượng tọa Thích Thanh Phương kể: Từ nhỏ, thầy thường được bà nội cho đi lễ chùa Sùng Phúc ở quê nhà (Kiên Lao, Xuân Kiên, Xuân Trường, Nam Định). Nhà gần chùa nên thầy hay vào đó dọn dẹp, trợ giúp các sư sãi việc lễ.

Và năm 12 tuổi, thầy quyết định rời nhà vào chùa chấp tác. Sau khi vào chùa, thầy vẫn đi học phổ thông rồi theo học Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Học xong thầy định về chùa quê nhưng cái duyên đã níu chân thầy ở lại Thủ đô. Lúc đầu thầy chấp tác tại chùa Phúc Khánh, chùa Vệ Hồ và cuối cùng là chùa Sủi.

Năm 1992, trong một lần thầy cùng đoàn hành hương dải chùa Dâu, Keo, Bút Tháp…, khi đi ngang qua chùa Sủi, thầy thấy người dân đang chăm sóc một cây đa cổ thụ bị héo. Thầy cũng vào tỉa cây, tưới nước, đổ thêm đất, chăm bón cho cây. Một thời gian sau, cây đa tươi tốt lại. Quãng thời gian qua lại chăm sóc cây ngắn ngủi đó đã kéo thầy gần hơn với ngôi chùa cổ gắn liền với tên tuổi của Linh nhâm Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan.

Không chỉ tâm huyết phục dựng lại ngôi chùa mình trụ trì, thượng tọa Thích Thanh Phương còn “lao tâm khổ tứ”, bỏ rất nhiều công sức tôn tạo lại chùa Báo Ân, xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ lại rất nhiều di tích đặc biệt gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tuy nhiên, trong khi rất nhiều ngôi chùa lớn liên quan đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông như: chùa Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh); Thanh Mai; Vĩnh Nghiêm; Hoàng Thành Thăng Long… đã được phục dựng thì ngôi chùa lại bị hoang phế, bỏ quên…

Khi thầy đến, diện tích ngôi chùa đã bị người dân lấn chiếm gần hết để trồng táo. Để phục dựng chùa, thầy Phương đã phải bỏ tiền ra mua đất của dân, nhiều người đồn đại nhà chùa kinh doanh đất. Oan uổng là vậy nhưng thầy vẫn âm thầm nhất tâm phục dựng những giá trị truyền thống quý báu đó. Để rồi nay, di tích cổ xưa dần hiện lên trong thực tế.

Song song với việc phục dựng, tôn tạo chùa Báo Ân, thượng tọa Thích Thanh Phương cũng khởi công xây dựng tịnh viện Vân Sơn trên Tam Đảo (năm 2006). Tuy chưa hoàn thiện nhưng nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, cũng như Tam Đảo. Sau khi khánh thành, tịnh viện không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, lễ Phật của người dân mà còn là nơi giáo dục các thế hệ về giáo lý nhà Phật, bài học làm người…

Tương tự như vậy, chùa Sủi cũng khơi nguồn giáo lý Phật pháp, nhắc nhở con cháu trong làng cũng như khu vực lân cận về giá trị của Phật giáo, của truyền thống dân tộc đối với đời sống. Bởi, theo thượng tọa Thích Thanh Phương: “Phật pháp, Đức Phật gắn liền với đời sống của người Việt. Vì vậy, thông qua các di tích lịch sử, nhà chùa mong muốn họ hiểu được những giá trị lịch sử của cha ông. Thông qua đó, tuyên truyền giáo lý của Đức Phật, dạy cho các thế hệ những bài học đạo đức, bài học làm người…, hướng về thiện lành, phát huy giá trị di tích, lịch sử, truyền thống của cha ông”.

 

Theo Đoàn Trang (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-ky-niem-voi-chua-sui-d148034.html