Cuộc “thay tướng” ly kỳ ở Hồ Bắc sau 1 đêm và thông điệp của ban lãnh đạo Trung Quốc

Cựu Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương cúi đầu trong một cuộc họp báo, sau khi bày tỏ tiếc thương những người mất đi sinh mạng do dịch bệnh virus corona

Việc Trung Quốc tiến hành thay đổi nhân sự giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc ngày 13/2 dường như là một diễn biến bất ngờ, ngay cả với giới chức địa phương.

Hồ Bắc thay lãnh đạo sau 1 đêm

Trên trang nhất của Nhật báo Hồ Bắc – cơ quan của tỉnh ủy Hồ Bắc – ngày 13/2 vẫn đăng tải báo cáo về Bí thư tỉnh ủy Tưởng Siêu Lương. Báo cáo cho biết, tối ngày 12/2, ông Tưởng chủ trì hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy Hồ Bắc và Bộ chỉ huy phòng chống, kiểm soát dịch virus corona (Covid-19).

Các hội nghị trên nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó đề cập “Cơ quan kiểm tra giám sát và cơ quan tổ chức cán bộ các cấp cần tăng cường đôn đốc thực thi kỷ luật, thưởng phạt nghiêm khắc, chú trọng khảo sát phân loại cán bộ trong công tác phòng chống dịch”.

Tuy nhiên, các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc sáng 13/2 thông báo, tỉnh Hồ Bắc đã triệu tập hội nghị cán bộ lãnh đạo. Tại đây, Phó trưởng Ban tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Ngô Ngọc Lương thông báo quyết định của trung ương ĐCSTQ về việc điều chỉnh nhân sự trên cơ sở yêu cầu của công tác chống dịch. Theo đó, Phó bí thư thành ủy, Thị trưởng thành phố Thượng Hải Ứng Dũng được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc thay cho ông Tưởng Siêu Lương.

Tạp chí China Newsweek – do Quốc vụ viện Trung Quốc chủ quản – bình luận, trong vấn đề “khảo sát phân loại cán bộ”, ban lãnh đạo trung ương Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ và quyết tâm của họ.

Trước đó vào ngày 11/2, ông Ứng Dũng vẫn chủ trì một hội nghị chuyên đề tại Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Thượng Hải.

China Newsweek cho hay, ấn tượng của giới chức Trung Quốc đối với ông Tưởng Siêu Lương đa phần đến từ lĩnh vực tài chính. Ông này đừng giữ chức chủ tịch HĐQT Ngân hàng giao thông Trung Quốc, giám đốc Ngân hàng phát triển Trung Quốc, chủ tịch HĐQT Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc,… với 30 năm kinh qua nhiều chức vụ trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Tưởng Siêu Lương từ vai trò Tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm được bổ nhiệm làm Bí thư Hồ Bắc vào tháng 10/2016. Nhưng chỉ đến khi dịch bệnh do virus corona bùng phát ở tỉnh này, nhất cử nhất động của ông mới thực sự được chú ý.

Tối 30/1, trong cuộc họp báo do tỉnh Hồ Bắc triệu tập, ông Tưởng đeo khẩu trang, cúi mình trên lễ đài và nói: “Tâm trạng của tôi rất nặng nề. Kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay, tỉnh Hồ Bắc đã bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới, gây tổn hại to lớn đến an toàn tính mạng và sức khỏe của quần chúng. Chúng tôi xin tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đối với những đồng bào đã mất đi sinh mạng trong dịch bệnh này.”

Ông Tưởng sau đó đã gây nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội của Trung Quốc khi video ông này trả lời câu hỏi của đài CCTV được lan truyền, trong đó ông Tưởng bị chỉ trích là hoàn toàn đọc theo văn bản, không trả lời vào câu hỏi.

Trước sức ép dư luận, tối ngày 3/2, ông Tưởng Siêu Lương lên tiếng trong hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy Hồ Bắc, cho biết bản thân “kiểm điểm sâu sắc thiếu sót trong ‘bài kiểm tra lớn’ về hệ thống quản lý và năng lực quản lý này, nghiêm túc tiếp thu bài học”.

Cuộc thay tướng ly kỳ ở Hồ Bắc sau 1 đêm và thông điệp của ban lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Ứng Dũng tham gia cuộc họp tại tỉnh ủy Hồ Bắc (Ảnh: Hubei TV)

Lãnh đạo Vũ Hán không dẫn dắt công tác chống dịch ngay từ đầu?

Ít phút sau khi Tân Hoa Xã phát đi thông báo về thay đổi ở vị trí Bí thư Hồ Bắc, hãng tin nhà nước Trung Quốc cũng thông báo Phó bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường bị thay thế.

Việc trung ương Trung Quốc thay thế đồng thời lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán được cho là thể hiện sức mạnh không hề thua kém những điều chỉnh được tiến hành trong kỳ dịch SARS bùng phát năm 2002-2003.

Tương tự ông Tưởng Siêu Lương, cái tên Mã Quốc Cường cũng chỉ trở nên “quen thuộc” đối với dư luận Trung Quốc sau khi dịch bệnh bùng phát.

Thành phố Vũ Hán đưa ra thông báo phong tỏa toàn thành vào rạng sáng ngày 23/1, có hiệu lực từ 10h cùng ngày. Nhưng trên thực tế, ban đầu vai trò lãnh đạo Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus corona của thành phố Vũ Hán vẫn do thị trưởng Chu Tiên Vượng đảm nhận, sau này mới thay đổi về danh nghĩa trở thành “lãnh đạo chủ chốt của thành ủy và chính quyền thành phố đứng đầu, lãnh đạo công tác phòng chống dịch bệnh toàn thành phố”.

Không lâu sau khi “phong thành”, số ca xác nhận lây nhiễm virus corona ở Vũ Hán đã tăng mạnh. Ông Mã Quốc Cường lúc này đứng ra phản hồi rằng năng lực và phạm vi xét nghiệm được gia tăng nên khiến cho số ca bệnh được xác nhận tăng theo. Lý giải này được hiểu là không có chuyện tốc độ lây lan của dịch bệnh tăng nhanh, mà do các ca nghi lây nhiễm được xác nhận.

Phát ngôn gây tranh cãi nhiều nhất của ông Mã là trong cuộc họp báo hôm 10/2, khẳng định “toàn thành phố Vũ Hán đã kiểm tra sàng lọc tổng cộng 10.59 triệu người, tỉ lệ đạt 99%.”

Mã Quốc Cường phát biểu, “Trong thời gian này tôi rất cắn rứt, ăn năn, tự trách. Nếu tôi sớm ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý kiểm soát chặt chẽ như hiện nay thì tình hình sẽ tốt hơn, ảnh hưởng đối với các địa phương trên cả nước sẽ nhỏ hơn, và không làm cho trung ương đảng, Quốc vụ viện lo lắng”.

Trả lời CCTV, ông Mã nói: “Chúng tôi đã không làm tốt công tác, không quyết đoán đúng thời điểm, dẫn đến dịch bệnh lây lan ra trong và ngoài nước.”

Bối cảnh ba “tướng lĩnh” mới và tín hiệu của ban lãnh đạo Trung Quốc

Khác với tiểu sử trong ngành tài chính của người tiền nhiệm Tưởng Siêu Lương, tân Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Ứng Dũng  là một nhân vật kỳ cựu trong lĩnh vực chính pháp Trung Quốc. 

Ông Ứng đừng đảm nhận cương vị Cục trưởng công an thành phố Thiệu Hưng; Phó bí thư đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh Chiết Giang; từ năm 2003 ông này làm Phó bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Chiết Giang, Giám đốc Sở giám sát tỉnh; Đầu năm 2006, thăng chức làm Chánh án Tòa án cấp cao tỉnh Chiết Giang.

Về kinh nghiệm công tác, China Newsweek nhận xét, ông Ứng Dũng có sự tương đồng với Phó tổ trưởng Tổ chỉ đạo trung ương ở Hồ Bắc Trần Nhất Tân. Hai quan chức này đã công tác ở Chiết Giang trong cùng giai đoạn, trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng công tác ở đây trong thời gian 2002-2007 ở các chức vụ Phó bí thư và Bí thư tỉnh Chiết Giang.

Trong khi Ứng Dũng chuyển sang làm việc tại Thượng Hải vào cuối năm 2007, ông Trần Nhất Tân giữ chức Phó chánh văn phòng tỉnh ủy Chiết Giang, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách tỉnh ủy. 

Ông Trần cũng từng giữ chức Phó bí thư tỉnh Hồ Bắc kiêm Bí thư Vũ Hán, nên được cho là có hiểu biết về tình hình địa phương.

Hai quan chức từng cùng làm việc dưới bộ máy của ông Tập Cận Bình tại Chiết Giang đã “hội ngộ” tại Hồ Bắc trong thời điểm đặc biệt, nhằm dẫn dắt chiến dịch chống lại dịch NCP.

Trong vai trò Thị trưởng Thượng Hải, chính sách phòng chống dịch bệnh mà ông Ứng Dũng đưa ra là giảm nhẹ gánh nặng, giải quyết khó khăn từ cấp cơ sở, “ngăn chặn chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, cho phép cán bộ cơ sở tập trung tinh thần nhiều hơn vào công tác chống dịch”.

Quan chức được ban lãnh đạo Trung Quốc bổ nhiệm thay ông Mã Quốc Cường làm Bí thư Vũ Hán là ông Vương Trung Lâm – Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy thành phố Tế Nam. Tế Nam và Vũ Hán là hai thành phố tương đương về nhân khẩu, có mật độ dày đặc về lưu lượng người, hàng hóa, thông tin, tài chính.

Cuộc thay tướng ly kỳ ở Hồ Bắc sau 1 đêm và thông điệp của ban lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh 4.

Ông Vương Trung Lâm (phải) trong cuộc họp của cán bộ lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc, thông báo quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc về điều chỉnh nhân sự tỉnh này (Ảnh: Hubei TV)

China Newsweek, Vương Trung Lâm có lý lịch tương đồng với ông Ứng Dũng. Ông Vương tốt nghiệp từ Học viện chính pháp Hoa Đông và có 20 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chính pháp.

Hệ thống chính pháp là thuật ngữ thể hiện tính chất “đặc sắc Trung Quốc”, chỉ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cùng với các cơ quan hành chính tư pháp, cơ quan công an và cơ quan an ninh quốc gia. Do tính liên quan chặt chẽ về nghiệp vụ giữa các cơ quan này, nên các đơn vị thường được xác định chung là nằm trong “hệ thống chính pháp”.

Với sự hiện diện của ba quan chức cấp cao có bối cảnh trong hệ thống chính pháp – gồm Trần Nhất Tân, Ứng Dũng, và Vương Trung Lâm, ban lãnh đạo Trung Quốc được cho là đang gửi thông điệp mạnh mẽ về cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt trong vấn đề siết chặt kỷ cương, chấp pháp của bộ máy chính quyền các cấp, các địa phương.

Hội nghị ngày 13/2 thông báo sự thay đổi chức vụ của ông Tưởng Siêu Lương, Mã Quốc Cường được chủ trì bởi Tỉnh trưởng Hồ Bắc Vương Hiểu Đông.

“Tôi kiên quyết ủng hộ quyết định của trung ương đảng và sẽ tích cực phối hợp, nỗ lực hết sức ủng hộ công tác của đồng chí Ứng Dũng,” ông Vương phát biểu.

Hải Võ , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/doi-song/cuoc-thay-tuong-ly-ky-o-ho-bac-sau-1-dem-va-thong-diep-cua-ban-lanh-dao-trung-quoc-8202014219204415.htm